Hàng loạt cuộc truy quét gần đây của chính quyền Trung Quốc nhắm vào các công ty tư vấn của Hoa Kỳ đã tác động rõ rệt đến ngành này. Theo một báo cáo độc quyền của Reuters vào ngày 19/5, tại Hồng Kông các nhân viên của Mintz Group, một công ty thẩm định doanh nghiệp của Mỹ, đã bắt đầu sơ tán.

Mintz Group
(Ảnh ghép: Wikimedia và Logo Mintz Group)

Theo các nguồn tin, trong 2 tháng qua, trước sự vô định về cuộc điều tra của cảnh sát Trung Quốc, công ty này đã sắp xếp điều chuyển 6 người rời đi, bao gồm điều tra viên và người đứng đầu văn phòng Hồng Kông.

Vào tháng Ba năm nay, tổ chức an ninh quốc gia của Trung Quốc đã đột kích vào văn phòng của Tập đoàn Mintz ở Bắc Kinh, 5 nhân viên Trung Quốc đã bị bắt giữ. Cùng tháng đó, một giám đốc điều hành cấp cao của một công ty dược phẩm Nhật Bản có trụ sở tại Bắc Kinh cũng bị bắt vì cáo buộc làm “gián điệp”.

Tháng Tư, công an Trung Quốc đã đột kích vào văn phòng Thượng Hải của Bain & Company, một công ty quản lý nổi tiếng của Mỹ.

Đầu tháng Năm, đội an ninh quốc gia Trung Quốc tiếp tục đột kích vào các văn phòng của công ty tư vấn Capvision của Hoa Kỳ tại nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Trung Quốc, gồm Thượng Hải, Bắc Kinh, Tô Châu và Thâm Quyến. Các nhà chức trách cho biết công ty này đã không “thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình đối với các biện pháp phòng ngừa và an ninh phản gián.”

Một nguồn tin và 4 người khác đã nhìn thấy báo cáo giao ban của công ty này, nói với Reuters rằng Mintz Group đã tiến hành một cuộc điều tra về các vấn đề cưỡng bức lao động có thể xảy ra trong chuỗi cung ứng liên quan đến khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Nhiều dấu hiệu khác nhau cho thấy, các hành động của cảnh sát Trung Quốc đối với Mintz Group có thể liên quan đến việc này.

Theo Reuters, ít nhất 2 giám đốc điều hành của các công ty quốc tế có hoạt động thẩm định tại Trung Quốc cho biết, trong những tháng gần đây, họ đã được chính quyền Trung Quốc cảnh báo rõ ràng, là không được làm công việc này.

Một người có liên hệ kinh doanh với Mintz Group nói rằng một số nhân viên của Mintz trú tại Hồng Kông hiện đang ở Singapore, họ không có kế hoạch quay lại Hồng Kông vào lúc này.

Ước tính họ sẽ tiếp tục ở lại Singapore cho đến khi các cuộc điều tra liên quan của chính quyền Trung Quốc hoàn tất.

Reuters cho biết, các phóng viên của họ đã đến văn phòng của Mintz tại Hồng Kông trong giờ hành chính để kiểm tra tình hình. Nhưng những gì trước mắt chỉ là một nơi hoang vắng, cửa bị khóa và đèn không sáng. Hai nhân viên tại một văn phòng gần đó cho biết, gần đây, họ không nhìn thấy ai trong khu vực văn phòng của Mintz.

Trong cuộc đột kích vào văn phòng Bắc Kinh của Tập đoàn Mintz, giám đốc văn phòng Bắc Kinh và 4 nhân viên người Trung Quốc đã bị chính quyền bắt giữ, khiến sự bất an lan rộng trong ngành dịch vụ tư vấn. Reuters cho biết, tâm lý lo lắng này đã lan từ Trung Quốc Đại Lục sang Hồng Kông.

Hồng Kông là trung tâm tài chính của châu Á, nơi đây có rất nhiều nhân viên dịch vụ chuyên nghiệp, bao gồm cả các cuộc khảo sát doanh nghiệp, cũng như nhiều công ty quốc tế, như Kroll, McKinsey, Công ty Tư vấn FTI của Hoa Kỳ, công ty tư vấn Control risks của Anh đều có văn phòng tại Hồng Kông.

Sau khi Hồng Kông thực thi Luật An ninh Quốc gia vào năm 2020, Chính phủ Hoa Kỳ đã điều chỉnh đánh giá rủi ro đối với công dân Hoa Kỳ ở Hồng Kông, nâng cao mức độ rủi ro rằng họ có thể bị bắt, giam giữ, trục xuất hoặc truy tố.

Trong một cuộc phỏng vấn, 2 giám đốc điều hành kinh doanh rộng rãi với các công ty quốc tế, chuyên tiến hành thẩm định nói với Reuters rằng trong những năm gần đây, các cơ quan an ninh Trung Quốc thường xuyên lên lịch họp, cảnh báo rõ ràng rằng các công ty điều tra thương mại không được đặt chân vào một số lĩnh vực nhất định.

“Họ sẽ cho chúng tôi biết rõ ràng khu vực nào bị cấm. Tân Cương là một trong số đó”, một trong những giám đốc điều hành cho biết.

Sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã xây dựng một loạt điều luật và quy định, nhằm tăng cường toàn diện việc kiểm soát ngôn luận, xã hội và dữ liệu, như Luật An ninh Internet, Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân, Luật Bảo mật Dữ liệu và phiên bản mới của Luật chống gián điệp mới được ban hành gần đây. Luật chống gián điệp sẽ cấm truyền tải bất kỳ thông tin nào liên quan đến an ninh quốc gia.

Các nhóm nhân quyền đã lên án cuộc đàn áp hàng loạt của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương, liên quan đến việc lao động cưỡng bức quy mô lớn.

Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc ở Tân Cương bị nghi ngờ tham gia vào việc lao động cưỡng bức, yêu cầu các công ty có liên quan cung cấp bằng chứng, chứng minh các sản phẩm mà họ gia công cho Tân Cương không liên quan đến lao động cưỡng bức.

Dân biểu Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ – Trung của Hạ viện Mỹ, đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 27/4: “Luật chống gián điệp phiên bản mới của ĐCSTQ đã gửi một tín hiệu to và rõ ràng tới thế giới: Không có thứ gọi là công ty tư nhân ở Trung Quốc. Nhà nước bảo lưu quyền tịch thu bất kỳ tài sản nào, đánh cắp bất kỳ tài sản trí tuệ nào và thu thập bất kỳ dữ liệu nào theo ý muốn.”

Ông Riley Walter, một chuyên gia về các vấn đề kinh tế và công nghệ toàn cầu tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn ở Washington, đã viết cho RFA: “Tôi lo lắng rằng trong vài năm tới, các công ty nước ngoài, bao gồm cả Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu, sẽ bị các quan chức Trung Quốc quấy rối nhiều hơn nữa.”

Bình Minh (t/h)