Hôm 14/6 vừa qua, hơn 10 chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bày tỏ sự kinh hãi trước những gì họ cho là các cáo buộc đáng tin cậy về tình trạng cưỡng bức mổ cướp nội tạng đáng báo động dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào các tôn giáo và dân tộc thiểu số.

nội tạng
(Ảnh minh họa: Par Derick Hudson/Shutterstock)

Các chuyên gia (bao gồm các báo cáo viên đặc biệt của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) và những thành viên của một nhóm công tác về việc bắt giữ tùy tiện) đã tỏ ra “hết sức lo lắng trước các báo cáo về cáo buộc ‘mổ cướp nội tạng’ nhắm vào người thiểu số, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công, Người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Kitô giáo,” cơ quan này cho hay trong một tuyên bố.

Các chuyên gia cho biết trong một tuyên bố chung rằng: “Việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc dường như đang nhắm vào nhóm dân tộc thiểu số, hoặc các tôn giáo cụ thể bị giam giữ tại các địa điểm khác nhau mà không giải thích lý do bắt giữ hoặc đưa ra lệnh bắt giữ. Chúng tôi vô cùng quan ngại trước các báo cáo về việc phân biệt đối xử với các tù nhân hoặc người bị giam giữ dựa trên sắc tộc và tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ”.

Các chuyên gia, những người không bị ràng buộc với bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nào và phục vụ trong hệ thống nhân quyền của LHQ với tư cách là các chuyên gia độc lập, đưa ra ý kiến ​​của họ trên cơ sở những gì mà OHCHR cho là “thông tin đáng tin cậy” rằng một số nhóm người đã bị giam giữ ở Trung Quốc đang bị cưỡng bức thực hiện việc xét nghiệm máu và kiểm tra nội tạng mà không được sự đồng ý của họ. Kết quả của các cuộc kiểm tra, bao gồm xét nghiệm siêu âm và chụp X-quang, đã được đăng ký trong cơ sở dữ liệu về những nguồn nội tạng sống được sử dụng để cấy ghép với người nhận tiềm năng, OHCHR cho biết.

Các chuyên gia cho hay rằng: “Theo các cáo buộc nhận được, các nội tạng phổ biến nhất được lấy ra từ các tù nhân là tim, thận, gan, giác mạc, và ít phổ biến hơn là các bộ phận của gan. Hình thức buôn bán này có liên quan đến các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, bao gồm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê và các chuyên gia y tế khác”.

OHCHR cho biết các chuyên gia trước đây đã nêu vấn đề này với ĐCSTQ vào năm 2006 và 2007, nhưng họ chỉ nhận được những dữ liệu không mấy quan trọng như thời gian chờ nhận nội tạng, hoặc thông tin về nguồn nội tạng.

“Trong bối cảnh này, việc thiếu dữ liệu và hệ thống chia sẻ thông tin là những trở ngại cho việc xác định và bảo vệ các nạn nhân bị buôn bán cũng như điều tra và truy tố những kẻ buôn người một cách hiệu quả”, OHCHR cho hay thêm rằng một cơ chế điều tra nhân quyền riêng của LHQ đã nêu rõ những lo ngại về việc lấy tạng từ các tù nhân thuộc một nhóm thiểu số tôn giáo nào đó, nhưng không cung cấp thông tin cụ thể.

Các chuyên gia cho biết: “Bất chấp sự phát triển dần dần của hệ thống hiến tạng tự nguyện, những thông tin vẫn tiếp tục xuất hiện liên quan đến việc mua tạng để cấy ghép ở Trung Quốc. Đây là hành vi vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng”.

Cơ quan của LHQ cho hay rằng họ quan ngại sâu sắc về việc thiếu sự giám sát độc lập xung quanh vấn đề đồng thuận và phân bổ nội tạng từ các tù nhân hoặc người bị giam giữ. OHCHR kêu gọi ĐCSTQ “phản hồi ngay lập tức trước các cáo buộc ‘mổ cướp nội tạng’ và cho phép các cơ chế nhân quyền quốc tế thực hiện việc giám sát độc lập”.

Các chuyên gia bao gồm Siobhán Mullally, báo cáo viên đặc biệt về nạn buôn người; Fernand de Varennes, báo cáo viên đặc biệt về các vấn đề người thiểu số; Ahmed Shaheed, báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng; và Nils Melzer, báo cáo viên đặc biệt về việc tra tấn và các hành vi tàn ác, vô nhân đạo khác. Các báo cáo viên đặc biệt là một phần thuộc cơ quan lớn nhất gồm các chuyên gia độc lập trong hệ thống nhân quyền của LHQ.

Những cá nhân đại diện cho ĐCSTQ bị cáo buộc đã lấy các nội tạng quan trọng của những tù nhân để  tiến hành cấy ghép. Nạn nhân đã tử vong trong khi quá trình lấy tạng. Những cáo buộc này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2006.

Kể từ đó, nhiều bằng chứng đã được đưa ra trong nhiều báo cáo, bao gồm phán quyết của một tòa án độc lập do luật sư Geoffrey Nice làm chủ tọa, người từng phụ trách truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic vì ông này phạm tội ác chiến tranh.

Vào tháng 3/2020, Tòa án Trung Quốc có trụ sở tại London đã kết luận rằng việc cưỡng bức thu hoạch tạng đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm “với quy mô đáng kể”, trong đó các học viên Pháp Luân Công là “nguồn tạng chính”. Báo cáo của tòa án cũng lưu ý rằng các nhóm thiểu số khác như người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng và các Kitô hữu cũng là nạn nhân.

Theo The Epoch Times,
Phan Anh

Xem thêm: