Các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải đã được thắt chặt an ninh vào thứ Ba (29/11) sau các cuộc biểu tình trên toàn quốc kêu gọi tự do chính trị và chấm dứt phong tỏa COVID-19.

Embed from Getty Images

Giới lãnh đạo ĐCSTQ đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình vào cuối tuần chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, khi người dân đã không thể chịu đựng được thêm với việc tiếp tục phong tỏa cùng các biện pháp kiểm dịch khác. Chính sách Zero COVID đã gây ra sự thất vọng sâu xa đối với toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước.

Một vụ hỏa hoạn chết người vào tuần trước ở Urumqi, thủ phủ của vùng Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc, là chất xúc tác cho làn sóng phẫn nộ, khiến hàng nghìn người biểu tình xuống đường ở các thành phố trên khắp đất nước.

Mời xem video: Người Trung Quốc nổi giận, biểu tình lan rộng khắp đất nước

Những người biểu tình cho biết các hạn chế của COVID-19 là nguyên nhân gây cản trở các nỗ lực cứu hộ ở Urumqi. Tuy nhiên, chính quyền bác bỏ, sau đó cáo buộc “các thế lực có động cơ thầm kín” đã liên kết các trường hợp tử vong do hỏa hoạn với các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với COVID-19.

Sự tức giận đối với việc phong tỏa đã mở rộng thành việc kêu gọi thay đổi thể chế chính trị. Những người biểu tình đã giơ những tờ giấy trắng để tượng trưng cho sự kiểm duyệt mà quốc gia đông dân nhất thế giới phải chịu đựng.

Theo AFP, nhiều cuộc biểu tình khác đã được lên kế hoạch vào tối thứ Hai nhưng không thành hiện thực, với sự hiện diện dày đặc của cảnh sát với hàng trăm phương tiện và sĩ quan trên đường phố tại các thành phố lớn, như Thượng Hải và Bắc Kinh.

Những người đã tham dự các cuộc biểu tình cuối tuần nói với AFP hôm thứ Hai rằng họ đã nhận được điện thoại từ các nhân viên thực thi pháp luật yêu cầu cung cấp thông tin về các hoạt động của họ.

Tại Thượng Hải, gần địa điểm diễn ra các cuộc biểu tình cuối tuần, nơi chứng kiến ​​những lời kêu gọi táo bạo đòi Chủ tịch Tập Cận Bình từ chức, nhân viên quán bar nói với AFP rằng họ được lệnh đóng cửa lúc 10 giờ tối để “kiểm soát dịch bệnh”.

Các nhóm nhỏ sĩ quan đã được triển khai tới các lối ra của tàu điện ngầm gần địa điểm biểu tình.

Trong suốt ngày thứ Hai, các nhà báo của AFP đã nhìn thấy cảnh sát giam giữ bốn người, sau đó thả một người. Một phóng viên đã đếm được 12 xe cảnh sát trong phạm vi 100m dọc theo đường Wulumuqi ở Thượng Hải, tâm điểm của cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật.

Bất chấp việc triển khai cảnh sát áp đảo, sự thất vọng với Zero COVID vẫn có thể cảm nhận được.

“Các chính sách (Zero COVID) ư? Chúng quá nghiêm ngặt. Chúng giết nhiều người hơn cả COVID”, một người qua đường 17 tuổi giấu tên nói với AFP, cho biết anh đã bị bao vây bởi cảnh sát khi đi qua khu vực.

Tuy nhiên, ở một vài nơi khác, các cuộc biểu tình đã diễn ra.

Tại Hồng Kông, nơi nổ ra các cuộc biểu tình dân chủ quần chúng vào năm 2019, hàng chục người đã tập trung tại Đại học Trung Quốc để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ hỏa hoạn Urumqi.

“Đừng ngó lơ. Đừng quên,” những người biểu tình hô vang.

Tại Hàng Châu, cách Thượng Hải hơn 170 km về phía tây nam, dù an ninh nghiêm ngặt nhưng vẫn có các cuộc biểu tình lẻ tẻ ở trung tâm thành phố. Một người tham dự nói với AFP rằng 10 người đã bị giam giữ.

“Bầu không khí hỗn loạn. Có rất ít người và chúng tôi bị tách ra. Có rất nhiều cảnh sát, thật hỗn loạn”, cô nói.

Các cuộc biểu tình rộng rãi như vậy là cực kỳ hiếm ở Trung Quốc, khi đảng cộng sản đàn áp gắt gao mọi phe đối lập.

Việc Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ thông tin và tiếp tục hạn chế đi lại đã khiến việc xác minh số lượng người biểu tình trên khắp đất nước rộng lớn trở nên khó khăn.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang theo dõi tình trạng bất ổn, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Hai.

Trên khắp thế giới, các cuộc biểu tình đoàn kết với người dân Trung Quốc cũng mọc lên như nấm.

“Các quan chức đang mượn cớ COVID-19, nhưng sử dụng các biện pháp phong tỏa quá nghiêm ngặt để kiểm soát dân số Trung Quốc”, một người Trung Quốc 21 tuổi tham gia cuộc biểu tình ở Washington nói với AFP. “Họ coi thường mạng sống con người và khiến nhiều người chết vô ích”, anh nói.

Xuân Lan (theo AFP)