Có học giả Hồng Kông cho rằng, lời hăm dọa hiếm thấy “khiến cho kẻ âm mưu chia rẽ phải thịt nát xương tan” của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Nepal mới đây cho thấy ông phải chịu nhiều áp lực trong nội bộ Đảng, hình thế Hồng Kông làm ông rất mất mặt, tuy vậy ông sẽ không đưa quân đến Hồng Kông để tránh phá hỏng nền kinh tế. Ngược lại, có kênh truyền thông ngoài Trung Quốc cho rằng ông Tập sẽ xuất quân vì không muốn thể hiện sự yếu thế trong cuộc chiến quyền lực.

Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chuyên cơ đi xuống trong chuyến thăm Nepal hôm12/10. (Ảnh cắt từ video của CCTV)

Trong chương trình bình luận của Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 15/10, Giảng viên cao cấp Lã Bỉnh Quyền thuộc Đại học Baptist Hồng Kông chỉ ra, cục thế hiện nay tại Hồng Kông khiến ông Tập Cận Bình cảm thấy rất mất mặt, sau lưng ông cũng có không ít áp lực.

Theo lời ông Lã Bình Quyền, gần đây trong Ban Cố vấn về Hồng Kông của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lưu truyền tiếng nói “Hồng Kông, Đài Loan đều làm không tốt, ông làm sao khiến Trung Quốc đi quản trị trật tự toàn cầu”. Ông nói, “ngay cả những người này cũng gõ vào ông Tập Cận Bình, thì những người khác trong Đảng sẽ nghĩ thế nào.” 

Ông Lã Bỉnh Quyền cho rằng, chính quyền Bắc Kinh hiện bỏ việc “giấu tài” khiến quan hệ ngoại giao của ĐCSTQ ngày càng xấu đi, đồng thời kinh tế Trung Quốc cũng xuất hiện áp lực đi xuống, Hồng Kông cũng lộ sự rối loạn chưa từng có, tỷ lệ phía Đài Loan để cho Quốc Dân đảng nắm quyền cũng giảm xuống thấp, những khốn khó trong ngoài mà ông Tập Cận Bình đang đối mặt, cộng thêm việc sau khi thăm nước ngoài về sẽ tổ chức Hội nghị Trung ương 4, tất cả những điều này khiến cho ông Tập Cận Bình buộc phải tỏ thái độ tương đối cứng rắn đối với vấn đề Hồng Kông và Đài Loan.

Ông Lã Bỉnh Quyền phân tích, mặc dù trong vấn đề Hồng Kông, ông Tập Cận Bình đã gặp phải áp lực từ nội bộ Đảng, nhưng ông ấy sẽ không dễ dàng xuất quân đến Hồng Kông, mà lựa chọn những thủ đoạn cứng rắn khác như để cảnh sát leo thang bạo lực, bởi vì điều động quân đội sẽ kéo sụp đổ kinh tế Hồng Kông, sẽ khiến ông rất mất thể diện. Là một người được gọi là “Nhà thiết kế mới của cải cách mở cửa”, ông ấy không muốn chấm dứt “một quốc gia, hai chế độ” trong tay mình.

Nhà bình luận thời sự độc lập Tiểu Dân cũng cho rằng khả năng điều động quân đội ngày càng nhỏ, trong khi ĐCSTQ đang cố gắng dùng vấn đề dân sinh để đổi lấy yêu cầu chính trị của người Hồng Kông, nhưng chắc chắn sẽ không giải quyết được vấn đề thực chất. Giải quyết vấn đề Hồng Kông một cách thực sự, chỉ có một con đường, chính là chấp nhận 5 yêu cầu của thị dân Hồng Kông, thực hiện “người Hồng Kông cai trị Hồng Kông” một cách thực sự.

Tuy nhiên, hôm 13/10, Đài Truyền hình CNN của Mỹ dẫn phân tích của học giả cho biết, ông Tập Cận Bình có thể lựa chọn trấn áp Hồng Kông để củng cố quyền lực của mình. Giáo sư thỉnh giảng Đại học Trung văn Hồng Kông Lâm Hòa Lập chỉ ra: “Ông ấy không thể tỏ ra yếu thế, nếu không thì rất mất mặt.”

Nhà nghiên cứu vấn đề Trung Quốc Adam Ni thuộc Đại học Macquarie (Úc) cũng cho rằng, ĐCSTQ cần lấy sức mạnh quân sự có tính áp đảo để kiểm soát Hồng Kông, nếu không, thế lực “chống Tập” trong nội bộ Đảng sẽ coi vấn đề Hồng Kông như điểm yếu của ông Tập.

CNN cũng dẫn lời của nhà phân tích Malcolm Davis thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc, “Tôi cho rằng Hồng Kông đang bước đến giai đoạn ép buộc ĐCSTQ can thiệp quân sự”, nhưng không có ai biết “lằn ranh đỏ” nằm ở đâu.

Ông Lâm Hòa Lập chia sẻ với CNN rằng, một khi xuất quân trấn áp Hồng Kông sẽ tạo thành hậu quả mang tính thảm họa cho cả hai vùng Đại Lục và Hồng Kông, nghiêm trọng nhất chính là ảnh hưởng kinh tế. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc năm ngoái có đến khoảng một nửa đến từ Hồng Kông, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, “Các doanh nghiệp Trung Quốc cần nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thực sự đang cần Hồng Kông hơn bao giờ hết.”

Về vấn đề này, bình luận viên kỳ cựu Đường Hạo cho rằng, vấn đề Hồng Kông đã thúc đẩy các nước lớn trên thế giới tạo ra một “mặt trận chống ĐCSTQ”, rất có khả năng sẽ liên thủ bao vây hoặc chế tài đối với ĐCSTQ, khiến Đảng buộc phải suy xét cẩn thận.

Truyền thông nước ngoài đưa tin, ngày 13/10, khi ông Tập Cận Bình có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nepal Sharma Oli, ông đã bình luận về sự vụ của Trung Quốc một cách hiếm có: “Bất cứ người nào có ý đồ chia rẽ bất cứ khu vực nào của Trung Quốc, kết quả chỉ có thể là tan xương nát thịt; bất cứ thế lực bên ngoài nào ủng hộ ly khai khỏi Trung Quốc, chỉ có thể bị nhân dân Trung Quốc coi là mộng tưởng hão huyền.”

Hôm 14/10, Đài Phát thanh Quốc tế Pháp có một bài viết chỉ ra, những phát biểu này của ông Tập Cận Bình dường như không phù hợp với lệ thường. Một chủ tịch nước mà ra nước ngoài nói những lời này, khiến cho người ta sửng sốt. Bởi vì một lãnh đạo quốc gia thông thường khi thăm nước ngoài, sẽ cố hết sức không phát biểu bình luận về sự vụ của nước mình, để thể hiện sự đoàn kết trong nước, chỉnh thể như một, cũng tránh để lại cái cớ cho phe phản đối phê bình.

Bài viết cho rằng, trước Hội nghị Trung ương 4, những lời này của ông Tập dường như nhắm vào các lực lượng được gọi là “ly khai” trong nước và cái gọi là “thế lực đối địch” nước ngoài, càng giống như nhắm vào kẻ địch chính trị trong nội bộ Đảng hơn. Hơn nữa, ngữ điệu của ông Tập có chút “đằng đằng sát khí”, lại nói trong ngữ cảnh trước mặt Tổng thống Nepal tạo cảm giác tình hình Trung Quốc tương đối cấp bách, không khí tương đối nghiêm trọng.

Trí Đạt

Xem thêm: