Nhìn lại thực trạng nguồn gốc dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), thông tin phổ biến đến nay cho rằng sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc (TQ) không lâu mới lây lan ra toàn thế giới. Nhưng Đảng Cộng sản TQ (ĐCSTQ) vì không muốn “mất hình ảnh” trong cộng đồng quốc tế nên đã lần lượt đưa ra các giả thuyết cáo buộc nguồn gốc virus viêm phổi Vũ Hán đến từ Mỹ, Pháp, Ý, thậm chí cả từ ngoài không gian. Mới đây, trong nỗ lực chối bỏ trách nhiệm, phía TQ lại nhắc lại vấn đề này, nhưng thật trùng hợp là trong cùng thời điểm hãng tin CNN đã đưa tin về một tài liệu nội bộ nhận được từ chính “người thổi còi” của TQ cho thấy thêm một bức tranh khác ở TQ.

p2830061a410778935 ss
CCTV hôm 1/12 đưa tin cáo buộc Mỹ chính thức xác nhận virus viêm phổi Vũ Hán xuất hiện ở Mỹ sớm hơn TQ vài tuần (Nguồn: Chụp màn hình video).

Hôm 1/12, Đài Truyền hình Trung ương TQ (CCTV) đưa tin rằng số lượng trường hợp nhiễm viêm phổi Vũ Hán ở Mỹ đã lập kỷ lục mới trong tháng 11, đến nay đã có hơn 13,5 triệu trường hợp được xác nhận nhiễm viêm phổi Vũ Hán và số ca tử vong đang dần lên tới 270.000 người. Không những vậy, Mỹ sẽ phải trải qua một giai đoạn vô cùng khủng khiếp trước khi vắc-xin được đưa vào sử dụng trên diện rộng. Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), số ca tử vong ở Mỹ đến giữa tháng 12 có thể lên tới 321.000 người.

ĐCSTQ cũng trích dẫn một báo cáo của các nhà nghiên cứu từ CDC được công bố hôm 30/11 trên tạp chí “Bệnh truyền nhiễm lâm sàng” (Clinical Infectious Diseases), cho biết rằng virus viêm phổi Vũ Hán đã được phát hiện ở Mỹ vào đầu tháng 12/2019, sớm hơn vài tuần khi loại virus này được xác nhận chính thức ở TQ. Ngay lập tức, chủ đề thông tin này đã nhanh chóng lên vị trí thứ hai trong danh sách tìm kiếm nóng của Weibo với hàng chục nghìn lượt bình luận.

p2830071a281202394 ss
Thông tin virus viêm phổi Vũ Hán xuất hiện tại Mỹ vào giữa tháng 12 năm ngoái đã nhanh chóng lên thẳng vị trí thứ hai trong danh sách tìm kiếm của Weibo (Nguồn: Chụp màn hình Weibo).

Nhưng “không hẹn mà gặp”, cũng vào ngày 1/12 hãng tin CNN đã công bố thông tin chỉ ra rằng dịch bệnh ở TQ rất khác với tuyên truyền của ĐCSTQ. Theo đó CNN tiết lộ từ một loạt tài liệu mật dài 117 trang được cung cấp bởi “người thổi còi” của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc của TQ, chỉ ra TQ đã bùng phát dịch vào đầu tháng 12. Theo tài liệu nội bộ này, lúc đó tại Vũ Hán ở Hồ Bắc đã ghi nhận khoảng 200 trường hợp viêm phổi Vũ Hán, nhưng khi đó cơ quan chức năng phía ĐCSTQ chỉ thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có 44 trường hợp được gọi là “viêm phổi không rõ nguyên nhân”.

Tài liệu còn tiết lộ vấn đề không mấy ai bên ngoài có thể biết là trong tuần từ ngày 2/12/2019, số ca mắc “cúm mới” ở tỉnh Hồ Bắc đã tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm 2018, nhưng khu vực có dịch cúm nghiêm trọng nhất không nằm ở “tâm điểm” là Vũ Hán mà ở các thành phố lân cận như Nghi Xương (6135 trường hợp) và Hàm Ninh (2148 trường hợp), còn Vũ Hán chỉ đứng thứ ba với 2032 trường hợp.

Theo CNN, “người thổi còi” cung cấp những tài liệu mật này tự nhận là người yêu nước đang làm việc trong hệ thống y tế TQ, muốn vạch trần “sự thật dịch bệnh” bị giới chức ĐCSTQ che giấu. Để xác thực, sau đó CNN đã tìm 6 chuyên gia độc lập chứng thực nguồn tin. Một trong những chuyên gia có quan hệ mật thiết với TQ tiết lộ rằng ông đã đọc qua một số phần trong tài liệu, còn một quan chức an ninh châu Âu khác đã nghiên cứu tài liệu nội bộ này khẳng định rằng tài liệu này không phải là giả mạo.

William Schaffner, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt của Mỹ thẳng thắn cho biết rằng nếu vào thời điểm đó có nhà dịch tễ học người Mỹ đến Hồ Bắc để hỗ trợ thì chắc chắn số  liệu sẽ khác, bởi vì dường như giới quan chức ĐCSTQ muốn “giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến mức thấp nhất có thể”.

Thực tế đầu năm nay sau đợt bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán ở TQ, nhiều phương tiện truyền thông Hồng Kông, bao gồm Đài Hồng Kông, Đài Thương mại (881903), TVB, NOW News… đã cố gắng đến bệnh viện Kim Ngân Đàm tại Vũ Hán để đưa tin về dịch viêm phổi, nhưng họ đã bị an ninh TQ ngăn chặn, bị giam giữ và buộc phải xóa bỏ những đoạn tin tức được quay trong bệnh viện.

Y Bình

Xem thêm: