Xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhanh trong thời gian gần đây, giới phân tích chỉ ra rằng điều này chủ yếu do giá cả tăng cao, khiến chi phí sản xuất tăng nhanh. Chi phí này bị đẩy sang các nước nhập khẩu và làm gia tăng áp lực lạm phát toàn cầu. Chính sách kinh tế của chính quyền Trung Quốc có thể tăng cường hơn nữa ảnh hưởng này.

shutterstock 511208572
Một nhà máy sản xuất thiết bị hệ thống mạch ô tô ở Giang Tây Trung Quốc vào năm 2011 (Ảnh: Shutterstock)

Ngày 15/11/2021, Cục Thống kê Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố tình hình hoạt động kinh tế của Trung Quốc Đại Lục trong tháng Mười. 

Trong đó, tổng lượng xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng nhanh trong 3 quý đầu năm 2021. 

Vào tháng 10:

  • Xuất khẩu đạt 1.940,8 tỷ Nhân dân tệ (sau đây gọi là NDT), tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước;
  • Nhập khẩu đạt 1.394,9 tỷ NDT, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước;
  • Thặng dư thương mại đạt 545,9 tỷ NDT. 

Trong 3 quý đầu năm, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc đạt 15,55 nghìn tỷ NDT, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 10 năm.

Chi phí sản xuất của Trung Quốc bị đẩy sang các khách hàng hạ nguồn ở nước ngoài

Về lượng xuất khẩu của Trung Quốc Đại Lục gần đây tiếp tục vượt dự trù của thị trường, nhiều tổ chức tài chính Trung Quốc đã chỉ ra rằng điều này chủ yếu là do giá cả gia tăng.

Chuyên gia kinh tế trưởng Vương Hàm (Wang Han) của Công ty Chứng khoán Hưng nghiệp (Industrial Securities), chỉ ra rằng xuất khẩu cao hơn dự trù chủ yếu do đóng góp của việc tăng giá. Góp phần của giá cả vào xuất khẩu đã tăng từ khoảng 45% trong tháng Sáu lên 65%~70% vào tháng Bảy đến tháng Tám, sau đó tiếp tục tăng lên khoảng 90% vào tháng Chín.

Nhà phân tích Lương Trung Hoa (Liang, Zhong Hua) của Công ty Chứng khoán Hải Thông (Haitong Securities) đã viết trong báo cáo nghiên cứu của mình rằng “xuất khẩu dường như có tốc độ tăng trưởng danh nghĩa cao hơn, nhưng nếu loại trừ các nhân tố giá nguyên liệu và giá xuất khẩu tăng mạnh, thì tốc độ tăng trưởng sản lượng thực tế không hề cao”

Nhà phân tích Đào Xuyên (Tao Chuan) của Công ty Chứng khoán Đông Ngô (Soochow Securities) cũng chỉ ra trong Báo cáo tuần vĩ môcủa mình rằng “yếu tố giá đang làm tăng xuất khẩu, trong khi đóng góp về số lượng đang giảm.”

Theo số liệu thống kê của Wind, chỉ số giá xuất khẩu (phân loại HS2) do Tổng cục Hải quan ĐCSTQ công bố đã tăng đáng kể vào năm 2021, từ 97,9 vào tháng Hai lên 110,6 vào tháng Chín.

Đồng thời, các nhà sản xuất công nghiệp cũng đang tăng chỉ số giá sản xuất (PPI) của họ. Vào tháng 10/2021, chỉ số PPI tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 2,8 điểm phần trăm so với tháng trước. Đây là mức cao nhất trong vòng 26 năm.

Nhà phân tích tài chính Hồng Kông Katherine Jiang nói với báo Epoch Times rằng Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, tốc độ tăng trưởng PPI của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục và giá xuất khẩu tăng vọt, điều đó có nghĩa là Trung Quốc đang đẩy chi phí sản xuất tăng nhanh của mình sang những người mua ở nước ngoài, điều này sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát toàn cầu.

“Giảm carbon” nghiêm ngặt làm tăng áp lực giá

p3013771a673857378 ss
Thời gian gần đây, Trung Quốc tiến hành cắt điện, mở rộng từ các trung tâm kinh tế ven biển Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông đến cả 3 tỉnh Đông Bắc, điều này đã khiến dư luận bất bình. (Nguồn: Weibo)

Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, chính quyền Bắc Kinh đang kiểm soát chặt chẽ các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng và phát thải cao. Nhiều khu vực ở Trung Quốc Đại Lục như Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông … đã áp đặt bắt buộc đóng cửa các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.

Hóa chất, vật liệu xây dựng, luyện kim loại màu và kim loại đen được liệt kê là 4 ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng chính ở Trung Quốc Đại Lục. Dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện trong 4 ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đã giảm theo từng quý, đồng thời cũng giảm vào tháng 9,10/2021, tương ứng giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 3 quý đầu năm 2021, 4 ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng chính chiếm hơn 40% mức tiêu thụ điện của ngành thứ cấp của Trung Quốc và 54% mức tiêu thụ điện của ngành sản xuất. Bị ảnh hưởng bởi các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, tốc độ tăng tiêu thụ điện năng sản xuất thứ 2 của Trung Quốc (tức là tiêu thụ điện năng công nghiệp) và tiêu thụ điện năng sản xuất cũng đang chậm lại đáng kể. Vào tháng 10/2021, mức tiêu thụ điện của ngành công nghiệp thứ cấp tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái và ngành sản xuất tăng 1,4% theo năm, đều thấp hơn mức tăng 6,1% của mức tiêu thụ điện toàn xã hội.

Nhà phân tích Katherine Jiang cho rằng mức tiêu thụ điện chậm lại, thậm chí sụt giảm đồng nghĩa với việc các hoạt động sản xuất bị chững lại hoặc giảm sút. Nỗ lực giảm lượng khí thải carbon của ĐCSTQ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp các sản phẩm liên quan, hơn nữa sẽ gây ra sự mất cân bằng giữa cung và cầu và gây áp lực lên giá cả.

Trung Quốc là nhà sản xuất lớn về kim loại đen và kim loại màu, đồng thời là nhà sản xuất thép, nhôm và đồng tinh luyện lớn nhất thế giới. Năm 2020, Trung Quốc sản xuất hơn một nửa lượng nhôm và thép thô của thế giới, sản xuất 39,2% lượng đồng tinh luyện của thế giới.

Nhà phân tích Katherine Jiang cho biết: “Việc sản xuất vật liệu kim loại đen và kim loại màu ở Trung Quốc Đại Lục sẽ có tác động quan trọng đến cung và cầu thế giới, cũng như ảnh hưởng đến mặt bằng giá của nó. Nếu sản lượng được đo lường bằng mức tiêu thụ điện, chúng ta sẽ phát hiện rằng sản xuất hoạt động luyện kim loại ngày càng giảm, sản xuất luyện kim loại màu cũng chậm lại.”

Theo số liệu do Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC) công bố, vào tháng 10/2021, tiêu thụ điện năng của ngành luyện kim loại đen là 50,2 tỷ kWh, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng giảm 18,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng sụt giảm thứ hai liên tiếp về tiêu thụ điện năng cho ngành luyện kim loại đen sau lần giảm đầu tiên vào tháng 9 năm nay. Mặc dù tiêu thụ điện trong luyện kim loại màu trong tháng 10 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tốc độ tăng trưởng cũng giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, giá nguyên liệu kim loại đen và kim loại màu tăng nhanh, từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2021, giá mua của các cơ sở sản xuất công nghiệp tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nguyên liệu kim loại đen ghi nhận tăng cao nhất, với mức tăng so với cùng kỳ là 21,1%, tiếp theo là vật liệu kim loại màu và dây điện, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số giá xuất khẩu các sản phẩm và kim loại cơ bản bao gồm thép, nhôm và đồng cũng có xu hướng tăng trong năm nay, ví dụ như giá máy móc, điện tử, đồ gia dụng, ô tô và các sản phẩm khác đều tăng.

Cải cách giá điện càng làm gia tăng áp lực lạm phát

Điện than là nguồn điện (power supply) lớn nhất ở Trung Quốc. Trong 3 quý đầu năm 2021, sản lượng nhiệt điện than của Trung Quốc chiếm 62% sản lượng điện của cả nước.

Vào ngày 12/10/2021, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia ĐCSTQ đã mở rộng biên độ dao động của giá giao dịch trên thị trường nhiệt điện than so với mức tăng trước đó không quá 10%, về nguyên tắc không quá 15%. Về nguyên tắc, mức dao động lên xuống không quá 20% nhưng giá điện giao dịch trên thị trường của các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng bao gồm cả luyện kim loại đen và luyện kim loại màu không bị giới hạn vào mức tăng 20%. Đồng thời, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia yêu cầu tất cả người sử dụng công nghiệp và thương mại phải tham gia thị trường điện để giao dịch.

Năm 2015, ĐCSTQ đã cải cách hệ thống điện và thúc đẩy các phương thức mua bán điện theo định hướng thị trường như giao dịch trực tiếp, thị trường điện… Đối với điện tham gia giao dịch theo định hướng thị trường thì giá là do thị trường hình thành. Đối với điện không tham gia giao dịch theo định hướng thị trường, giá bán điện được căn cứ vào giá bán điện trên lưới chuẩn cho sản xuất nhiệt điện than. 

Vào tháng 10/2019, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã thay đổi cơ chế biểu giá tiêu chuẩn sản xuất nhiệt điện than trên lưới điện hiện hành sang cơ chế định giá dựa trên thị trường “giá cơ sở + biến động lên xuống”. Trong đó, giá cơ sở được xác định phù hợp với giá chuẩn phát điện trên lưới của nhiệt điện địa phương hiện hành và biên độ dao động không quá 10%, về nguyên tắc là không quá 15%. Đáng chú ý là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng quy định giá điện năm 2020 tạm thời không tăng.

Nhà phân tích Katherine Jiang chỉ ra rằng vào năm 2021, ĐCSTQ đã nới lỏng phạm vi dao động của giá điện nhiệt điện than, đồng thời quy định rằng việc tăng giá điện 20% không áp dụng cho các công ty tiêu thụ nhiều năng lượng. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng có khả năng phải trả giá điện cao hơn so với các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại khác khi nguồn cung cấp điện bị thắt chặt.

Ngày 22/10/2021, Hội đồng Điện lực Trung Quốc đã đưa ra báo cáo phân tích và dự báo về tình hình cung cầu điện quý III/2021. Báo cáo viết: “Nguồn cung điện và than tiếp tục khan hiếm, giá than tiếp tục tăng mạnh và các công ty điện than đang thua lỗ trên diện rộng”, đồng thời dự đoán rằng vào mùa đông “cung cầu điện chung trong nước sẽ thắt chặt, tình hình cung cầu điện ở một số khu vực sẽ eo hẹp ”.

Nhà phân tích Katherine Jiang cho rằng trong bối cảnh giá than tăng cao, cung cầu điện thắt chặt và việc nới lỏng quy định về biến động giá, các công ty điện than thua lỗ quy mô lớn có khả năng đẩy chi phí nhiên liệu cao của họ sang người tiêu dùng hạ nguồn. Điều này sẽ đẩy lên chi phí điện năng và chi phí sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại, từ đó tiếp tục thúc đẩy tăng giá sản phẩm. Ảnh hưởng này đương nhiên sẽ theo sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát toàn cầu .

Theo Tương Hi Ân/ Epoch Times

Xem thêm: