Một số nhà phân tích lo lắng rằng “Luật An ninh Quốc gia” đã được thực thi gần 3 năm và việc luật hóa Điều 23 của “Luật Cơ bản” tại Hồng Kông đang được tiến hành. Sau khi chính quyền Hồng Kông kiểm soát chặt chẽ hành vi và ngôn luận của công dân Hồng Kông, đợt chấn chỉnh tiếp theo có thể là tư tưởng của người Hồng Kông.

HONGKONG
Bà Dương Mỹ Kỳ, Chuyên viên Truy tố Hình sự của Bộ Tư pháp chính phủ Hồng Kông, cho biết trên một chương trình truyền hình Hồng Kông rằng “những lời bạn nói thực sự cũng có thể trở thành vũ khí.” (Ảnh ghép Vision Times)

Ở Hồng Kông, nói chuyện cũng có thể trở thành vũ khí liên quan đến an ninh quốc gia. Gần đây, bà Dương Mỹ Kỳ Chuyên viên Truy tố Hình sự của Bộ Tư pháp Chính phủ Hồng Kông, đã nói trên một chương trình truyền hình quảng bá “Luật An ninh Quốc gia” rằng một số tội phạm quá nghiêm trọng, vì vậy phải đề phòng và ngăn chặn chúng càng sớm càng tốt, và “những gì bạn nói thực sự cũng có thể trở thành vũ khí”.

Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý pháp luật của Chính phủ Hồng Kông. Bộ này chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý của chính phủ, bao gồm khởi tố các vụ án hình sự, soạn thảo các dự luật của chính phủ và tư vấn pháp lý cho chính phủ.

Bà Dương Mỹ Kỳ lấy 2 vụ án “Luật An ninh Quốc gia”“Vụ án Đường Anh Kiệt” “Vụ án Mã Tuấn Văn” làm ví dụ.

Bà chỉ ra rằng vào thời điểm đó, Đường Anh Kiệt đang lái xe máy, phía sau xe có biểu ngữ “Quang phục Hồng Kông, Cách mạng Thời đại”, rõ ràng là hy vọng thu hút người khác chú ý đến khẩu hiệu này, thu hút người khác đọc nó.

Còn Mã Tuấn Văn, ngoài việc dựng một trạm đường phố, anh ta còn nói về tư tưởng Hồng Kông độc lập trên Internet, và tin rằng những gì anh làm là chính đáng và không vi phạm pháp luật. Bà Dương mô tả những điều này là lừa dối công chúng.

Đường Anh Kiệt là bị cáo trong vụ án “Luật An ninh Quốc gia” đầu tiên, bị buộc tội “kích động người khác chia rẽ đất nước” “hoạt động khủng bố”. Anh bị kết án 9 năm tù. Mã Tuấn Văn bị buộc tội “xúi giục người khác chia rẽ đất nước”, và bị kết án 5 năm 9 tháng tù, sau khi kháng cáo, bản án được đổi thành 5 năm tù.

Người dẫn chương trình hỏi “Luật An ninh Quốc gia” có tội kích động, trong “Pháp lệnh Tội phạm Hình sự”, luật chung hiện hành của Hồng Kông, cũng có tội kích động, vậy hai tội này có gì khác nhau?

Bà Dương Mỹ Kỳ nói rằng Điều 9 và 10 của Pháp lệnh Tội phạm Hình sự là luật đã tồn tại trong nhiều năm. Điều 9 xác định mục đích kích động và Điều 10 quy định hành vi kích động, bao gồm việc xuất bản các văn bản và ấn phẩm kích động.

Bà nói rằng nếu một cá nhân xuất bản một ấn phẩm với ý định nổi loạn, nếu ý định đó vi phạm “Luật An ninh Quốc gia”, thì nó sẽ thuộc phạm vi của “Luật An ninh Quốc gia”.

Một số nhà phân tích nói với Vision Times rằng Chính phủ Đặc khu Hồng Kông đã vận dụng “linh hoạt” thông luật và “Luật An ninh Quốc gia”, để truy tố những người bất đồng chính kiến, và đã đạt đến mức thành thạo.

Tuy nhiên, gần 3 năm sau khi thực thi “Luật An ninh quốc gia”, về cơ bản người dân không có quyền tự do hội họp, diễu hành và tự do ngôn luận. Nhưng nhà cầm quyền vẫn bàn luận về vấn đề an ninh quốc gia, thậm chí còn có tuyên bố gây sốc rằng lời nói cũng có thể trở thành vũ khí.

Điều này phản ánh rằng Chính phủ Hồng Kông đang có kế hoạch thắt chặt hơn nữa những không gian trống còn lại.

Bài phân tích tiếp tục nói rằng sau khi chính quyền Hồng Kông kiểm soát chặt chẽ hành vi và ngôn luận của người dân Hồng Kông, e rằng đợt chấn chỉnh tiếp theo sẽ là tư tưởng của người dân Hồng Kông.

Ngôn luận xuất phát từ tư tưởng, nếu chính quyền coi ngôn luận là vũ khí, thì tư tưởng của người dân Hồng Kông cũng sẽ là một trong những mục tiêu mà nhà cầm quyền sẽ tiêu diệt.

Điều này giải thích tại sao ông Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang) đã nói trước chuyến thăm Bắc Kinh vào ngày 24/4 rằng đối với việc xây dựng luật Điều 23, cần phải cân nhắc những rủi ro đã xảy ra trong quá khứ, những rủi ro hiện tại và những thách thức sẽ phải đối mặt trong tương lai, nhằm “thiết lập và hoàn thiện luật này để nó có thể đối mặt hiệu quả với những thách thức trong tương lai.”

Các nhà phân tích lo lắng rằng “thách thức” của mà ông Đặng Bỉnh Cường đề cập chính là việc kiểm soát ý thức hệ. Chính quyền Hồng Kông sẽ giả định trước những tư tưởng, phát ngôn và hành vi có thể có của công dân trong tương lai, và đưa ra luật pháp để điều chỉnh điều này. Nếu đây là sự thật, e rằng sau này Hồng Kông sẽ trở thành một nhà tù lớn.