Cuối tuần trước, trong khi các nền tảng truyền thông xã hội trên khắp Trung Quốc tràn ngập các bài đăng bày tỏ sự thương tiếc trước cái chết của ông Viên Long Bình, nhân vật được ca tụng là “cha đẻ của lúa lai” Trung Quốc, thì một số tiếng nói bất đồng chính kiến ​​cũng không thoát khỏi nanh vuốt của chế độ Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Ông Viên Long Bình được ca tụng là “cha đẻ của lúa lai”Trung Quốc (Ảnh: Getty Images)

Chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của Trung Quốc, ông Viên Long Bình được truyền thông nhà nước tung hô vì đã phát triển dòng lúa lai năng suất cao đầu tiên trên thế giới. 

China Daily đưa tin, ông Viên Long Bình đã nhập viện hồi tháng 3 sau khi bị ngã quỵ tại một cơ sở nghiên cứu ở thành phố Tam Á, phía Nam tỉnh Hải Nam. Sau đó đến tháng 4, ông được chuyển đến bệnh viện ở Trường Sa. Sau đó, ông qua đời vì suy nội tạng tại vào ngày 22/5 ở tuổi 91.

Cái chết của ông Viên nhanh chóng được phủ sóng trên các kênh truyền thông nhà nước, cũng như trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc. Tuy nhiên, đáng chú ý là ít nhất 5 người đã bị bắt trong một ngày, chỉ vì đăng những bình luận trái chiều về ông Viên trên mạng xã hội. Ngoài ra, mạng xã hội Weibo còn khóa 64 tài khoản vì có “bình luận xúc phạm” đối với ông Viên.

Ngày 22/5, chính quyền Bắc Kinh thông báo, một cư dân mạng lấy tên “Nanwanshanxia” đã bị giam giữ do có những bình luận “thiếu tôn trọng” trên một nhóm WeChat.

Một thanh niên 18 tuổi họ Jia, cũng đăng 3 bình luận chỉ trích ông Viên trên Weibo vào khoảng 2 giờ chiều, và xóa chúng đi chỉ sau 8 phút. Nhưng anh này vẫn bị cảnh sát bắt giữ ở thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông vào cuối ngày hôm đó.

Ngoài ra, cảnh sát thành phố cảng Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc thông báo, một người đàn ông 38 tuổi họ Li đã bị tạm giữ vì có “những nhận xét xúc phạm” ông Viên trên WeChat Moments của anh ta.

Sau đó, cảnh sát thành phố cảng Hạ Môn ở phía Đông Nam và và cảnh sát Giang Tô, một tỉnh phía Đông Trung Quốc, cũng phát đi thông báo tương tự.

Các nhà chức trách địa phương cáo buộc, bình luận của cư dân mạng đã gây ra “tác động xấu đến xã hội”, cho dù chúng không được phổ biến rộng rãi vì các tài khoản này đã bị khóa ngay sau đó.

Tuyên bố khẳng định sẽ “không khoan nhượng” đối với những tiếng nói chỉ trích “các anh hùng và liệt sĩ” của dân tộc, và giới chức sẽ xử lý nghiêm khắc những trường hợp đó.

Kể từ tháng 5/2018, Trung Quốc ban hành và thực thi một đạo luật mới cho phép xử lý hình sự bất kỳ ai bị cáo buộc bôi nhọ “uy tín và danh dự” của các ‘anh hùng và liệt sĩ’ mà đảng cầm quyền ghi danh. Hơn nữa, luật này còn cấm mọi người nêu nghi vấn về tiểu sử các liệt sĩ cách mạng hoặc chiến công anh hùng của họ.

Năm ngoái, một công dân Trung Quốc 19 tuổi đã bị cảnh sát buộc tội phỉ báng “các anh hùng và liệt sĩ” vì nêu nghi vấn về số người chết trong cuộc đụng độ biên giới Trung Quốc-Ấn Độ hồi tháng 6/2020 trên mạng xã hội.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: