Hồng Kông đang gặp nhiều khó khăn để kiềm chế đợt bùng phát COVID mới khi áp dụng chính sách “không khoan nhượng” của Trung Quốc, còn gọi là chính sách “zero COVID”, trong bối cảnh Đặc khu này ghi nhận hơn 6.000 ca nhiễm mới hôm 17/2. Các quan chức Hồng Kông tiết lộ, các bệnh viện ở đặc khu đang hoạt động ở mức 90% công suất và các địa điểm cách ly khác đang đạt đến mức giới hạn.

Embed from Getty Images

Theo Associated Press (AP), chính sách COVID hiện tại của Hồng Kông yêu cầu bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm dương tính phải nhập viện hoặc vào cơ sở cách ly trong ít nhất 7 ngày. Việc xuất viện phụ thuộc vào các triệu chứng của bệnh nhân và liệu họ bắt đầu có kết quả xét nghiệm âm tính hay không.

AP đưa tin, các quan chức Hồng Kông thông báo, họ có thể sẽ tiếp tục thay đổi chính sách cách ly để giúp giảm bớt một số áp lực cho các bệnh viện và các cơ sở cách ly khác.

Phát biểu với các phóng viên, Thứ trưởng Bộ Thực phẩm và Y tế Hồng Kông Chui Tak-yi nhấn mạnh: “Bởi vì số lượng ca bệnh nặng [tăng lên], chúng tôi cần phải làm cho việc nhập viện và việc vào các cơ sở cách ly cộng đồng diễn ra nhanh hơn. Chính phủ đang cố gắng để tháo gỡ tất cả các nút thắt này.”

CDC Hồng Kông đã công bố hàng chục ca tử vong trong tuần qua, nâng tổng số ca tử vong do đại dịch của đặc khu này lên hơn 200 ca trong bối cảnh biến thể Omicron dễ lây lan đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ nhất các ca nhiễm bệnh mà Hồng Kông từng chứng kiến.

Các quan chức đặc khu đã đưa ra quyết định thay đổi chính sách trong bối cảnh nhiều bài báo cho biết các bệnh nhân đang được điều trị trên các giường bệnh ở khu vực ngoài trời do sức chứa của khu vực điều trị bên trong đã vượt mức giới hạn.

Cũng theo AP, bà Sara Ho của Cơ quan Quản lý Bệnh viện Hồng Kông nhận định, nếu một số lượng lớn bệnh nhân đang chờ đợi ngoài trời và nếu điều này tiếp tục, thì dù các chuyên gia y tế của chúng tôi có làm việc suốt ngày đêm tích cực như thế nào đi nữa, cũng sẽ không có cách nào để giải quyết vấn đề này nếu chỉ dựa vào nỗ lực của riêng chúng tôi.

Bà cho hay, các bệnh viện công của đặc khu đang ở trong “tình huống khủng hoảng” bởi vì số ca nhiễm mới ngày càng tăng.

Reuters đưa tin, trong tuần này nhà lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam cho cũng cho biết, chính phủ Hồng Kông đang xem xét liệu có nên chọn kế hoạch xét nghiệm quy mô lớn trên khắp đặc khu trong tương lai gần hay không.

Theo tờ The New York Times, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố công khai trong tuần này rằng việc kiểm soát virus ở Hồng Kông phải là “ưu tiên hàng đầu”. Đồng thời ông còn ủng hộ việc chính phủ Trung Quốc tăng cường hỗ trợ và ảnh hưởng trong việc ngăn chặn virus ở Đặc khu hành chính này.

Ngoài ra, các nhà phê bình đã chỉ trích rằng việc Hồng Kông chấp nhận sự hỗ trợ và tuân theo các khuyến nghị của Trung Quốc có thể chỉ là cái cớ để chính phủ Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng nhiều hơn lên Đặc khu này.

The Times đưa tin, làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra cũng đang có tác động đáng kể ở Hồng Kông do tỷ lệ tiêm chủng thấp ở những người cao tuổi. Do tỷ lệ lây nhiễm rất thấp ở Đặc khu này trong phần lớn năm 2021 nên nhiều người cao tuổi cảm thấy không cần thiết phải tiêm chủng. Theo số liệu của chính phủ Hồng Kông, tỷ lệ tiêm chủng nói chung của Đặc khu hiện đang ở mức 75%, với hơn 91% những người từ 20 đến 59 tuổi đã tiêm chủng đầy đủ, trong khi chỉ có 58% cư dân trên 70 tuổi đã tiêm chủng đầy đủ.

Gia Huy (Theo Newsweek)

Xem thêm: