Trung Quốc đang phải đối mặt với khủng hoảng dân số, lần đầu tiên công bố giảm dân số kể từ thảm họa Đại nhảy vọt 60 năm trước. Nhân dịp này, Reuters hôm 17/1 có một bài tóm lược về chính sách dân số của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

shutterstock 1250093980
Việc thực hiện chính sách ba con của Trung Quốc không phải biện pháp có thể giải quyết được nhu cầu cấp bách của nước này. (Ảnh minh họa: StreetVJ / Shutterstock).

Chính sách số con cho mỗi gia đình

Trung Quốc thực hiện chính sách một con từ năm 1980 đến năm 2015, do lo lắng về hậu quả kinh tế và xã hội nếu dân số tiếp tục tăng nhanh.

Chính sách hạn chế các gia đình chỉ có một con được thực thi nghiêm ngặt. Ai vi phạm sẽ bị phạt tiền và các bà mẹ thường bị buộc phải phá thai. Nó dẫn đến nhiều ca phá thai theo giới tính, do lịch sử và văn hóa. Từ đó dẫn đến Trung Quốc có tỷ lệ nam nữ mất cân bằng.

Trung Quốc từng đưa ra con số chính sách này đã ngăn cản 400 triệu ca sinh nở.

Từ năm 2016, ĐCSTQ chuyển sang chính sách 2 con, tất cả các cặp vợ chồng đều được sinh thêm con thứ hai.

Năm 2021, Bắc Kinh cho biết sẽ cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con.

Ưu đãi

Ngoài chính sách một con, chi phí giáo dục cao và các lựa chọn chăm sóc trẻ hạn chế đã khiến nhiều người Trung Quốc không muốn có nhiều hơn một con hoặc thậm chí không có con nào.

Để khuyến khích sinh nhiều hơn, kể từ năm 2021, chính quyền địa phương đã triển khai các biện pháp khuyến khích, bao gồm khấu trừ thuế, tăng nghỉ thai sản dài hơn và trợ cấp nhà ở.

Năm đó, Bắc Kinh cũng cấm các công ty dạy kèm tư nhân kiếm lợi nhuận từ việc dạy các môn học chính và tổ chức các lớp học vào cuối tuần hoặc ngày lễ. Khi đó hoạt động tư nhân này có giá rất cao.

Các bước khác bao gồm:

– Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái đã kêu gọi chính quyền trung ương và cấp tỉnh tăng chi tiêu cho sức khỏe sinh sản và cải thiện các dịch vụ chăm sóc trẻ em trên toàn quốc.

– Hội đồng nhà nước Trung Quốc năm ngoái cho biết họ đang triển khai các biện pháp mới để khuyến khích giờ làm việc linh hoạt và lựa chọn làm việc tại nhà cho nhân viên có con.

– Hội đồng Nhà nước năm ngoái cho biết chính quyền địa phương phải cung cấp nhà ở ưu đãi cho các gia đình có nhiều con, chẳng hạn như cung cấp các căn hộ nhà ở công cộng lớn hơn.

– Thâm Quyến, một thành phố ở miền nam Trung Quốc, trợ cấp cho các cặp vợ chồng sinh con thứ ba trở lên hàng năm hơn 6.000 nhân dân tệ (890 USD) cho đến khi đứa trẻ tròn ba tuổi.

– Tại Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, những bà mẹ sinh con thứ hai hoặc thứ ba có thể nhận được khoản trợ cấp hàng tháng là 600 nhân dân tệ cho đến khi đứa trẻ lên ba tuổi.

Trung Quốc chính thức công bố sụt giảm dân số, lần đầu tiên kể từ 1961

Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc vừa công bố con số của cuối năm 2022, cho biết quốc gia này đã giảm khoảng 850,000 dân và chỉ còn 1,41175 tỷ dân. Reuters cho biết theo các con số này, thì Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất trong năm nay, thay vị trí của Trung Quốc.

Tờ The Guardian dẫn lời một quan chức Trung Quốc đã nói ngay trước khi số liệu được công bố, “Các chuyên gia trong lĩnh vực dân số và kinh tế đã dự đoán rằng năm 2022, hoặc muộn nhất là 2023, [Trung Quốc] sẽ tiến vào thời kỳ dân số liên tục sụt giảm.”

Hãng tin CNN cũng dẫn lời chủ và kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, ông Zhiwei Zhang, với quan điểm tương đồng, “Dân số có thế sẽ giảm từ nay cho đến nhiều năm tới.”

Tờ Financial Times chia sẻ, “Đây thực sự là một bước ngoặt lịch sử, khởi đầu cho sự suy giảm dân số lâu dài và không thể đảo ngược,” Wang Feng, một chuyên gia nhân khẩu học Trung Quốc tại Đại học California, Irvine.

Bình luận về lần công bố này của nhà nước Trung Quốc, hãng tin Reuters dẫn lời của nhà nhân khẩu học nổi tiếng Dịch Phú Hiền, “Triển vọng về cả dân số và kinh tế của Trung Quốc ảm đạm hơn nhiều so với dự kiến.”

Hơn một năm trước, ông Dịch Phú Hiền, tác giả cuốn sách “Quốc gia rộng lớn, Tổ ấm trống rỗng” phê phán chính sách 1 con của ĐCSTQ, từng cảnh báo rằng các con số của Trung Quốc không hoàn toàn đáng tin, và trên thực tế nó có thể ít hơn hàng trăm triệu so với con số mà chính quyền công bố. Ví như con số năm 2020 là 1,41 tỷ người, nhưng theo ông, trên thực tế có thể chỉ là 1,28 tỷ.

Một nghiên cứu khác vào giữa năm 2021 của Nhật Bản dựa vào lượng tiêu thụ muối ăn, ước tính dân số Trung Quốc đã giảm mạnh trong 10 năm qua, hiện chỉ còn khoảng 800 triệu người.

Tiến sĩ Tạ Điền, giảng sư tại Trường Kinh doanh Aiken – Đại học Nam Carolina, nói rằng việc dùng lượng muối ăn để tính ra dân số thực sự của Trung Quốc dĩ nhiên là có những khe hở suy luận, và việc sử dụng nhiều phương pháp gián tiếp khác nhau để ước tính dân số Trung Quốc, thực sự chỉ là chuyện bất đắc dĩ. Đây cũng là những phiền hà từ việc bịa đặt, lừa dối và che đậy mà ĐCSTQ mang lại cho thế giới. Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, dường như không có khả năng xảy ra gian lận trong điều tra dân số. Chỉ ở Trung Quốc dưới sự thống trị của ĐCSTQ, số liệu dân số mới không đáng tin.

Ông Tạ Điền nói rằng ngay cả khi ĐCSTQ muốn tìm ra số liệu chân thực về dân số Trung Quốc, họ cũng không có động lực để tìm ra con số đó. Bởi điều này sẽ phơi bày sự lừa dối và che đậy của họ trong vài thập kỷ qua. Nếu dân số Trung Quốc thực sự ít hơn 1,4 tỷ, hoặc dưới 1,3 tỷ, hoặc thậm chí chỉ 800 triệu, thì số nhân khẩu suy giảm và mất đi ấy rốt cuộc đã xảy ra như thế nào?

Thiên Đức (t/h)