Một phân tích mới chỉ ra rằng các chính sách kiểm soát sinh đẻ của Trung Quốc có thể làm giảm từ 2,6 đến 4,5 triệu ca sinh và làm giảm dân số của người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở khu vực phía nam Tân Cương trong vòng 20 năm tới. Điều này dự kiến sẽ làm giảm dân thiểu số của khu vực xuống khoảng một phần ba.

Embed from Getty Images

Bản phân tích được chia sẻ độc quyền với Reuters, được cho là lưu giữ nhiều nghiên cứu chưa tiết lộ trước đây do các học giả và quan chức Trung Quốc thực hiện về các chính sách kiểm soát sinh sản của Bắc Kinh ở Tân Cương. Reuters lưu ý rằng dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ sinh giảm 48,7% trong khu vực từ năm 2017 đến năm 2019.

Bài phân tích đến từ Adrian Zenz, một nhà nhân chủng học nổi tiếng người Đức với công trình nghiên cứu về Tân Cương và người Duy Ngô Nhĩ. Reuters gọi nghiên cứu mới của ông là “phân tích đầu tiên được thẩm định về tác động lâu dài đến dân số của cuộc đàn áp kéo dài nhiều năm của Bắc Kinh” ở khu vực phía tây Tân Cương. Báo cáo phân tích của ông đã được tạp chí học thuật Central Asian Survey chấp nhận cho xuất bản.

Các nhóm nhân quyền ngày càng kêu gọi Trung Quốc nới lỏng các chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong khu vực. Các chính sách này bao gồm dồn công nhân đến các điểm riêng biệt khác nhau trong vùng và đưa ước tính khoảng 1 triệu người dân tộc thiểu số vào các trại tạm giam.

Vào ngày 4/6, một “tòa án nhân dân” độc lập đã bắt đầu các thủ tục tố tụng tại London để giải quyết các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ. Các nhân chứng đã trình bày và thảo luận về việc người Duy Ngô Nhĩ bị tra tấn và lạm dụng tại các trại tạm giam. Trong phiên điều trần, một phụ nữ nói rằng cô đã bị ép phá thai khi mang thai được 6 tháng rưỡi.

Nghiên cứu của Adrian Zenz và phiên tòa nói trên nằm trong một phong trào quốc tế rộng lớn nhằm kêu gọi điều tra xem liệu các hành động của ĐCSTQ ở Tân Cương có cấu thành tội diệt chủng hay không. Chính phủ Trung Quốc đã kiên quyết phủ nhận những cáo buộc như vậy.

Trung Quốc đã không công bố bất kỳ dữ liệu nào liên quan đến sự sụt giảm dân số của người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Tuy nhiên, sử dụng dữ liệu sinh chính thức, dự báo nhân khẩu học và tỷ lệ dân tộc do các học giả và quan chức Trung Quốc đề xuất, nhà phân tích Zenz ước tính các chính sách của Bắc Kinh có thể tăng dân số gốc Hán vốn đã chiếm đa số ở nam Tân Cương lên khoảng 25% so với mức 8,4% hiện tại, đồng thời cắt giảm dân số người thiểu số tới hàng triệu người.

Trước đây, Trung Quốc cho rằng tỷ lệ sinh của người dân tộc thiểu số giảm do hạn ngạch sinh hiện có của khu vực. Họ cũng cho rằng sự gia tăng thu nhập bình quân đầu người ở Tân Cương và khả năng tiếp cận rộng rãi hơn với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đã dẫn đến tỷ lệ sinh ít hơn trong khu vực.

“Cái gọi là ‘diệt chủng’ ở Tân Cương rõ ràng là vô nghĩa”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters trong một tuyên bố. “Đó là biểu hiện của động cơ thầm kín của các lực lượng chống Trung Quốc ở Mỹ và phương Tây và cũng là biểu hiện của những người mắc chứng sợ Trung Quốc.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói với hãng tin rằng “những lời nói dối của Zenz không đáng phải bác bỏ.”

Hạn ngạch sinh cho các dân tộc thiểu số được cho là đã trở nên khắt khe hơn trong những năm gần đây. Ba người Duy Ngô Nhĩ và một quan chức y tế ở Tân Cương đã kể cho Reuters về một số phương pháp để kiểm soát dân số trong khu vực, bao gồm cả cưỡng bức cách ly các cặp vợ chồng đã kết hôn, các thủ tục triệt sản và phá thai.

Zenz trích dẫn Công ước năm 1948 về Ngăn ngừa và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng, trong đó liệt kê việc ngăn chặn sinh đẻ cưỡng bức đối với một nhóm dân tộc là tội diệt chủng.

Zenz nói với Reuters: “Nghiên cứu và phân tích này thực sự cho thấy ý định đằng sau kế hoạch dài hạn của chính phủ Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ.”

Tiến Minh (theo Reuters)

Xem thêm: