Các nhà phân tích về Trung Quốc nhận định, các cuộc biểu tình trên đường phố hiếm hoi đã nổ ra ở các thành phố trên khắp Trung Quốc vào cuối tuần qua được xem là một cuộc trưng cầu ý dân đối với chính sách zero-Covid của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đây là sự thách thức công khai mạnh mẽ nhất trong sự nghiệp chính trị của ông.

shutterstock 2043266990
(Ảnh minh họa: Dmitry Demidovich / Shutterstocks)

Kể từ sau cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, không có nhiều người Trung Quốc dám mạo hiểm chấp nhận bị bắt hoặc những hậu quả khác để xuống đường vì một vấn đề cụ thể.

Ông Bates Gill, một chuyên gia về Trung Quốc của tổ chức Asia Society, cho biết: “Trong suốt 10 năm cầm quyền của ông Tập Cận Bình, đây là những biểu hiện tức giận công khai và lan rộng nhất của người dân đối với chính sách của chính phủ.”

Sự bất mãn của công chúng đối với chính sách zero-Covid của ông Tập đã được thể hiện trên mạng xã hội hoặc trực tiếp bên ngoài dưới hình thức dán áp phích trong các trường đại học hoặc biểu tình. Đây là thách thức lớn nhất trong nước đối với ông Tập kể từ sau các cuộc biểu tình năm 2019 ở Hồng Kông chống lại luật dẫn độ.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận trách nhiệm cá nhân trong việc lãnh đạo “cuộc chiến” chống lại Covid-19, biện minh rằng chính sách zero-Covid là “đặt con người lên trên tất cả” và tự hào rằng chính sách Covid-19 “đúng đắn” của mình là một trong những thành tựu chính trị của mình khi ông tìm cách đạt được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào tháng 10 năm nay.

Gần ba năm sau khi đại dịch bùng phát, các quan chức Trung Quốc cho rằng, các chính sách của họ không phải hướng đến việc luôn luôn không có ca nhiễm nào, mà thay vào đó là hành động “một cách năng động” khi các ca nhiễm xuất hiện.

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù các cuộc biểu tình khiến ông Tập bất ngờ, nhưng chúng không thể lật đổ ông ấy bởi vì ông Tập đang nắm toàn quyền kiểm soát đảng, quân đội, an ninh và bộ máy tuyên truyền của nhà nước.

Chống phong tỏa

Trong khi một số người biểu tình hô vang “Đả đảo Tập Cận Bình, Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc”, thì hầu hết những người biểu tình khác chỉ quan tâm đến việc chống lại lệnh phong tỏa các khu dân cư của họ hoặc chống lại việc thường xuyên yêu cầu xét nghiệm virus của chính quyền.

Ông Chen Daoyin, cựu phó giáo sư của Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải và hiện là một nhà bình luận ở Chile, dự đoán: “Một khi những lợi ích cá nhân này được đáp ứng, hầu hết mọi người sẽ nguôi giận và sẽ tiếp tục [trở lại bình thường].”

Ông Chen nhận xét, sinh viên không được tổ chức chặt chẽ hoặc không được một nhân vật trung tâm lãnh đạo. Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Thành Đô và Urumqi.

Vào thời điểm xảy ra các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn vào năm 1989 và sau đó đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp đẫm máu, đã có sự chia rẽ trong nội bộ giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ về cách xử lý cuộc khủng hoảng và con đường nào cho Trung Quốc trong tương lai.

Tuy nhiên, điều đó không đúng với ông Tập. Tại Đại hội đảng lần thứ 20 vừa qua, ông Tập đã tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có của mình trên cương vị là lãnh đạo đảng – nhà nước và tổng tư lệnh quân đội. Ông đã bổ nhiệm các thuộc hạ của mình vào tất cả các vị trí quan trọng trong đảng. Những lãnh đạo trước đây từng bày tỏ quan điểm trái ngược ông hoặc quản lý với phong cách khác với ông đều bị cho ra rìa.

Các nhà phân tích nhận định, mặc dù việc bổ nhiệm độc đoán này cho phép ông Tập có nhiều quyền lực hơn, nhưng nó cũng chứa đựng những điểm yếu, mà cuộc biểu tình đã phơi bày.

Tiến sĩ Lance Gore, một chuyên gia về Trung Quốc của Viện Đông Á ở Singapore, giải thích: “Bằng cách chỉ quay quanh mình những người nói những điều mà ông ấy thích nghe, ông Tập đã tự nhốt mình trong một buồng dội âm, điều này khiến ông ấy đánh giá thấp hoặc không cảm nhận được mức độ mà người dân phải chịu đựng do chính sách COVID của ông gây ra.”

Tình huống khó xử

Các cuộc biểu tình đã làm tăng thêm tình thế khó xử đối với ông Tập: Làm thế nào để bỏ đi một chính sách vốn ban đầu được coi là một điểm đáng tự hào nhưng hiện đang ngày càng trở thành một vấn đề gây trở ngại khó khăn.

Nếu ông ấy nhượng bộ trước áp lực của công chúng và thu hồi chính sách zero-Covid của mình, ông ấy có vẻ yếu đuối, điều này có thể khuyến khích người dân xuống đường trong tương lai bất cứ khi nào họ muốn thay đổi một điều gì đó.

Luật sư/học giả Teng Biao, nhà vận động nhân quyền Trung Quốc, nhấn mạnh: “Nếu ông ấy [Tập Cận Bình] nhượng bộ, điều đó có nghĩa là chính sách zero-Covid trước đây của ông ấy đã hoàn toàn thất bại và ông ấy sẽ phải chịu nhiệm về điều đó. Điều này khiến ông ấy mất mặt.”

Các nhà phân tích nhận xét, ông Tập không có tính cách nhượng bộ.

Gần đây nhất khi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan vào tháng 9, ông Tập đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn một “cuộc cách mạng màu” hoặc các cuộc biểu tình chống chính phủ. Ông cũng than thở trong một bài phát biểu kín rằng Đảng Cộng sản Liên Xô đã sụp đổ bởi vì không có ai “đủ bản lĩnh” để đương đầu với thách thức.

Nếu ông thay đổi hướng đi trong chính sách Covid-19 của mình trước khi Trung Quốc sẵn sàng ứng phó, điều đó có thể dẫn đến dịch bệnh lan rộng, tử vong, và hệ thống y tế quá tải, những hậu quả rất khó chấp nhận.

Tuy nhiên, nếu ông Tập coi như không có chuyện gì xảy ra trước khi tìm cách tuyên bố chiến thắng đại dịch và giảm căng thẳng, ông ấy có nguy cơ khiến người dân nổi giận nhiều hơn khi họ ngày càng bất mãn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm sút.

Ông Tập đã cố gắng điều chỉnh chính sách zero-Covid bằng việc công bố “20 biện pháp” vào tháng trước, nhằm chuẩn hóa các biện pháp ngăn chặn Covid trên toàn quốc và khiến chúng trở nên dễ chịu hơn đối với người dân và nền kinh tế.

Tuy nhiên, do ông Tập chưa chính thức từ bỏ quy định yêu cầu ngăn chặn tất cả các đợt bùng phát dịch bệnh, nên nhiều chính quyền địa phương vẫn đang thận trọng và tiếp tục thực hiện các quy định phong tỏa và cách ly nghiêm ngặt hơn so với các quy định trong “20 biện pháp”.

Ông Willy Lam, giảng viên chính của viện nghiên cứu Jamestown Foundation, lưu ý: “Ở giai đoạn này, họ dường như không biết gì. Một mặt, ông Tập Cận Bình và phe cánh của ông ấy dường như nắm toàn bộ quyền lực. Nhưng đồng thời, chúng ta thấy chính quyền mới hoàn toàn không có phản ứng [trước các cuộc biểu tình đang diễn ra].”

Gia Huy (Theo Reuters)