Chính sách Zero COVID ngày càng cực đoan của Trung Quốc không chỉ đang cản trở sự phục hồi của ngành công nghiệp vận tải đường biển, mà nó còn kéo dài thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, khiến các bến cảng đình trệ, hàng hóa thiếu thốn.

Embed from Getty Images

Nhằm ngăn chặn virus corona, Trung Quốc vẫn tiếp tục cấm thay thuyền viên đối với thủ thuỷ đoàn nước ngoài và gần đây đã áp đặt biện pháp cách ly bắt buộc tới 7 tuần đối với các thuyền viên Trung Quốc trở về.

Thậm chí các tàu đã đổi thuyền viên ở nơi khác cũng phải chờ hai tuần trước khi được phép cập cảng tại Trung Quốc.

Để tuân thủ quy định này, các chủ tàu và nhà điều hành đã phải chuyển hướng tàu, trì hoãn việc giao hàng và thay thuyền viên, làm tăng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.

“Các hạn chế của Trung Quốc đang gây ra những phản ứng dây chuyền,” Guy Platten, tổng thư ký Phòng Vận chuyển Quốc tế, đại diện cho các chủ tàu và nhà điều hành, cho biết. “Bất cứ lệnh cấm nào đối với hoạt động vận tải biển đều gây ra hiệu ứng tích lũy với chuỗi cung ứng, khiến chúng đứt gãy thật sự.”

Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và là trung tâm quan trọng của ngành công nghiệp vận tải biển. Đây cũng là đất nước không muốn cắt giảm chính sách Zero COVID ngày càng cực đoan của mình.

Trong những tuần gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã giữ 34.000 người tại Disneyland Thượng Hải để xét nghiệm bắt buộc. Một trường học tại Bắc Kinh đã giữ học sinh tiểu học ở lại trường sau khi một giáo viên có xét nghiệm dương tính. Định nghĩa về “tiếp xúc gần” hiện mở rộng tới những người ở khoảng cách xa một kilomet.

Trên khắp thế giới, các nhà máy, hãng vận chuyển tàu biển và người tiêu dùng đều đang điều chỉnh lại các biện pháp đối phó. Hiện tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã có dấu hiệu bớt căng thẳng tại Mỹ, nhưng vẫn tồi tệ ở Anh. 

 

Các nhà quản lý và nhà điều hành đang kêu gọi Trung Quốc nới lỏng các lệnh cấm, cho biết nguy cơ tiếp tục đứt gãy chuỗi cung ứng có thể ngày càng nặng nề hơn khi người đi biển phải chịu gánh nặng thuế neo đậu.

Những hạn chế gần đây nhất tại các cảng Trung Quốc nhằm vào thuỷ thủ Trung Quốc đã yêu cầu họ cách ly ba tuần trước khi trở về Trung Quốc, sau đó là hai tuần nữa tại cảng đến, và hai tuần nữa tại địa phương trước khi họ có thể đoàn tụ với gia đình, theo Terence Zhao, giám đốc điều hành Hãng Dịch vụ Đường thuỷ Singhai, một trong những đại lý cung cấp thuỷ thủ đoàn lớn nhất Trung Quốc.

“Trọng tâm chính của các cảng là vấn đề cách ly và y tế,” ông nói tại một diễn đàn công nghiệp trực tuyến hôm thứ Hai. “Các quy định thường xuyên thay đổi, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh COVID tại địa phương.”

Thậm chí những thuyền viên cần cấp cứu cũng không được phép chữa trị tại Trung Quốc, các nhà quản lý cho biết. Một sĩ quan trưởng của tàu Anglo Eastern bị áp xe răng nặng đã không được rời tàu để chữa bệnh. Ông phải đợi tới khi tàu đến Hàn Quốc mới có thể tìm đến nha sĩ.

“Trung Quốc là một vấn đề lớn,” Bjorn Hojgaard, giám đốc điều hành của Tập đoàn quản lý tàu Anglo -Eastern và là chủ tịch Hiệp hội chủ tàu Hồng Kông, nói.

Hoạt động ở Trung Quốc trở thành một thách thức ngay cả với các nhà điều hành lớn nhất, bao gồm cả Cargill.

Euronav NV, một trong những chủ tàu chở dầu lớn nhất thế giới, đã phải chi 6 triệu đôla giải quyết gián những đoạn liên quan đến cuộc khủng hoảng.

Giám đốc điều hành Hugo De Stoop nói, “Trước đây, việc thay đổi thuyền viên ở Trung Quốc khá dễ chịu. Còn hiện tại về cơ bản là không thể.”

Ngành công nghiệp này đã phải chịu thêm rất nhiều chi phí phụ trội do giá vận chuyển container cao nhất do nhu cầu tăng, nhưng lại bị hạn chế về dung lượng và tắc nghẽn tại cảng.

Anglo-Eastern cho biết khoảng 800 trong số 16.000 thủy thủ đang làm việc của họ đã quá hạn nghỉ, và hơn 100 người đã ở trên tàu hơn 11 tháng, thời gian tối đa những người đi biển được phép ở trên tàu theo luật quốc tế. 

“Chúng tôi đang cố hết sức để họ có thể rời tàu, nhưng không thể,” Hojgaard nói.

Tháng này, Trung Quốc bảo vệ các biện pháp nghiêm ngặt phòng virus corona của đất nước và đưa tín hiệu sẽ không nới lỏng các quy định.

Trong khi đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng của ngành không có dấu hiệu giảm bớt. Theo một khảo sát mới với 148 doanh nghiệp vào tháng trước của Oxford Economics, gần 18% người trả lời nói họ dự tính cuộc khủng hoảng nguồn cung có khả năng tồi tệ hơn.

“Trung Quốc quyết tâm đạt Zero COVID và họ sẽ không nới lỏng các quy định từ chính sách này,” Zhao của Singhai Marine nói. “Họ thậm chí còn tính tăng thêm các quy định trước Thế vận hội Mùa đông diễn ra vào tháng Hai năm sau.”

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: