Ông Tôn Kiếm (Sun Jian), một đại diện của ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc Đại Lục và là nhà khoa học trưởng của Công ty Công nghệ Megvii Bắc Kinh, đã qua đời gần đây do một cơn bạo bệnh. Công ty Megvii là một trong những công ty phát triển trí tuệ nhân tạo nhanh nhất trong những năm gần đây, tập trung vào nhận dạng khuôn mặt.

p3167771a687313467
Ông Tôn Kiếm (Sun Jian), một đại diện của ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc Đại Lục và là nhà khoa học trưởng của Công ty Công nghệ Megvii Bắc Kinh. (Nguồn: Chụp màn hình Weibo)

Năm 2019, do các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Mỹ đã đưa các công ty Trung Quốc như Megvii Technology vào danh sách hạn chế.

Tôn Kiếm bất ngờ ngã xuống đất, qua đời ở tuổi 46

Ngày 14/6, Megvii Technology đưa ra cáo phó cho biết, Tiến sĩ Tôn Kiếm, nhà khoa học chính của công ty kiêm giám đốc viện nghiên cứu, đã qua đời vào sáng sớm ngày 14/6 ở tuổi 46 do một cơn bạo bệnh. Megvii không tiết lộ nguyên nhân cụ thể về cái chết của ông, và nói rằng mọi thứ đều lấy nội dung của cáo phó làm chuẩn, nguyên nhân cái chết cần đợi bệnh viện cung cấp thêm thông tin chính xác hơn.

Người nội bộ của Megvii tiết lộ rằng ông Tôn Kiếm vẫn ổn khi ông chạy bộ vào tối ngày 13/6. Sau khi trở về nhà, ông bất ngờ ngã xuống đất và được đưa đến bệnh viện nhưng không cứu được.

Theo trang tin Yicai.com tại Trung Quốc đưa tin, ông Tôn Kiếm sinh tháng 10/1976, tốt nghiệp Đại học Giao thông Tây An với bằng tiến sĩ kỹ thuật điện tử (nhận dạng mẫu và điều khiển thông minh).

Từ năm 2003 đến năm 2016, ông Tôn Kiếm từng giữ nhiều chức vụ như trưởng nhóm nghiên cứu của Microsoft Research Asia; Ông gia nhập Megvii Technology vào tháng 7/2016 với tư cách là nhà khoa học chính và là giám đốc của công ty từ tháng 1/2019 đến tháng 8/2019.

Tổng hợp thông tin từ truyền thông Trung Quốc Đại Lục, ông Tôn Kiếm chủ yếu tham gia vào việc nghiên cứu các mô hình toán học cơ bản và thuật toán của trí tuệ nhân tạo. Đã xuất bản hơn 100 bài luận văn học thuật trên các tạp chí và hội nghị học thuật hàng đầu thế giới, và từng hai lần (vào năm 2009 và 2016) nhận được “Giải luận văn tốt nhất” của Hội nghị về Thị giác Máy tính và Nhận dạng Mẫu (CVPR).

Được biết, ông Tôn Kiếm chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc nghiên cứu và phát triển công nghệ của Megvii. Ông đã lãnh đạo Viện nghiên cứu Megvii để phát triển một số công nghệ đổi mới bao gồm ShuffleNet, một mạng nơ-ron phức hợp hiệu quả trên thiết bị đầu cuối di động, khuôn khổ học sâu mã nguồn mở Tianyuan MegEngine và nền tảng năng suất AI Brain ++.

Megvii Technology và Công nghệ nhận dạng khuôn mặt

Megvii Technology được thành lập vào năm 2011 bởi 3 sinh viên tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, với sự tài trợ của Alibaba.

Trước đây, Epoch Times đã đưa tin rằng Megvii Technology là một trong những công ty AI sớm nhất ở Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực an ninh. Nhiều năm qua, một loạt sản phẩm và giải pháp an ninh thông minh đã được phát triển cho hệ thống an ninh công cộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hệ thống nhận dạng khuôn mặt Face ++ mà Megvii Technology phát triển có thể định vị chính xác các bộ phận quan trọng của khuôn mặt.

Ngoài việc cung cấp các dịch vụ cho “thanh toán bằng quét khuôn mặt” của Alibaba, hệ thống này cũng đã được tích hợp vào hệ thống giám sát video của ĐCSTQ và các thiết bị đầu cuối trong cảnh vụ.

Báo cáo cho biết, công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Megvii được sử dụng rộng rãi ở Tân Cương để theo dõi người dân Duy Ngô Nhĩ. Năm 2017, Công ty Công nghệ thông tin Xin Cheng Wang Jing tại Ô Lỗ Mộc Tề và Megvii Technology đã đạt được hợp tác và trở thành đại lý vàng của các sản phẩm Megvii tại khu vực Tân Cương.

Vào tháng 8/2018, Megvii Technology đã từng mang hệ thống được gọi là “Thành phố thiên nhãn 2.0” tích hợp nhận dạng khuôn mặt và cơ thể, giám sát giao thông và hành động an ninh công cộng, trình diễn tại “Triển lãm An ninh Trung Quốc – Á – Âu lần thứ 5 và năm 2018 và Triển lãm Công nghệ và Thiết bị Chống Khủng bố của Cảnh sát Tân Cương lần thứ 14” được tổ chức tại Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương.

Vào tháng 10/2019, 28 thực thể Trung Quốc đã được Bộ Thương mại Mỹ thêm vào Danh sách thực thể, bao gồm SenseTime và Megvii, được ĐCSTQ xác định là “dê đầu đàn” trong trí tuệ nhân tạo (AI).