Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ giảm các mức thuế nhập khẩu than khác nhau về 0 kể từ ngày 1/5. Đây là một động thái mới của Trung Quốc nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong thời điểm nguồn cung than toàn cầu bị thắt chặt và giá than tăng cao.

p2839971a895098453
Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ cắt giảm các mức thuế nhập khẩu than khác nhau về 0 kể từ ngày 1/5. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với tất cả các loại than về 0 từ ngày 1/5/2022 đến ngày 31/3/2023. Thuế nhập khẩu than anthracit và than cốc, chủ yếu được sử dụng trong sản xuất thép, sẽ được giảm từ mức 3% hiện hành xuống 0% và thuế nhập khẩu các loại than khác sẽ được giảm từ 3 – 6%.

Chính quyền Trung Quốc đã tỏ ra lo ngại về việc đảm bảo an ninh năng lượng và gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh giá toàn cầu tăng vọt. Mặc dù cam kết giảm dần việc sử dụng than và lượng khí thải carbon của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2030, nhưng các quan chức kinh tế cấp cao vẫn nhiều lần nhấn mạnh vai trò quan trọng của than trong kết cấu năng lượng của Trung Quốc.

Năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu 323,33 triệu tấn than, chiếm khoảng 8% tổng lượng than tiêu thụ.

4 ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều than ở Trung Quốc là công nghiệp điện, thép, vật liệu xây dựng và hóa chất, chiếm khoảng 80% tổng lượng than tiêu thụ. Do đó, nhu cầu sử dụng than năm 2022 vẫn phụ thuộc vào sự phát triển và nhu cầu của 4 ngành tiêu thụ than lớn này.

Trong 4 ngành công nghiệp tiêu thụ than lớn, ngành điện chiếm tỷ trọng tiêu thụ than lớn nhất. Theo dự báo của Hội liên hiệp các doanh nghiệp điện lực Trung Quốc, mức tiêu thụ điện của toàn xã hội vào năm 2022 sẽ tăng từ 5% đến 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên cơ sở dự báo này, tổng tiêu thụ than nhiệt điện vẫn sẽ duy trì mức tăng trưởng dương vào năm 2022.

Một báo cáo do Cinda Securities của Trung Quốc công bố cho rằng từ năm 2022 đến năm 2025, tiêu thụ than của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 2,07%. Từ năm 2022, tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia sẽ duy trì tốc độ tăng bình quân hàng năm là 3,3%, đạt 5,94 tỷ tấn than tiêu chuẩn vào năm 2025. Sau khi trừ đóng góp năng lượng điện từ dầu mỏ, khí tự nhiên, điện sơ cấp và các nguồn năng lượng khác, ước tính từ năm 2022 đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ than của Trung Quốc lần lượt là 2,05%, 2,50%, 2,06% và 1,68%.

Tuy nhiên, việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu than sẽ không tác động nhiều đến nhập khẩu than của Trung Quốc trong năm nay. Nguyên nhân là do sản lượng than nội địa ở Trung Quốc đang ở mức cao nhất lịch sử, trong khi giá than vận chuyển trên đường biển tăng lên mức cao nhất lịch sử.

Một nhà kinh doanh than có trụ sở tại Bắc Kinh nói với Reuters: “Đối với Indonesia, một nhà cung cấp than lớn, việc cắt giảm thuế quan không ảnh hưởng đến nhập khẩu than của Indonesia, vì mức thuế luôn bằng 0. Hơn nữa, do lệnh cấm nhập khẩu, nên cũng không có tác động gì đến nhập khẩu than của Úc.”

Hiện Bắc Kinh vẫn duy trì lệnh cấm nhập khẩu than của Úc. Trước đó, vào năm 2020, khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của virus corona mới (COVID-19), đã khiến Bắc Kinh tức giận và liên tiếp trả đũa Úc. Một trong số các biện pháp trả đũa là đình chỉ nhập khẩu than của Úc.

Phân tích của các nhà kinh doanh than cho rằng “có thể thu được lợi nhuận từ việc giảm thuế chính là việc nhập khẩu than của Nga. Thuế nhập khẩu than nhiệt của Nga từng là 6%.”

Chính quyền Bắc Kinh trên danh nghĩa giữ quan điểm trung lập trong cuộc chiến Nga – Ukraine, nhưng thực tế họ nhiều lần bênh vực Nga, còn truyền thông nhà nước Trung Quốc thì tuyên truyền, đổ trách nhiệm cho Mỹ và NATO về việc khiến Nga phát động chiến tranh. Dù vậy, về mặt kinh tế, Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty Trung Quốc cẩn thận giữ khoảng cách với Nga để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trước đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết trong một báo cáo công tác chính phủ tại Duma Quốc gia rằng hiện có hơn 6.000 biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Nga đang phải đối mặt với tình huống khó khăn nhất trong 30 năm qua do các lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây.

Trong trường hợp này, chính quyền Bắc Kinh đang đứng trước bờ vực của các biện pháp trừng phạt thứ cấp.

Ông Dư Vĩnh Định (Yu Yongding), thành viên Viện Khoa học xã hội Trung Quốc và ông Vương Vĩnh Lợi (Wang Yongli), cựu phó chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc, cảnh báo rằng các khoản đầu tư khổng lồ ở nước ngoài có thể bị xóa sổ một khi Bắc Kinh bị Mỹ trừng phạt.