Tin đồn về “đảo chính kinh tế” phía sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015 vẫn chưa nguôi ngoai, một đợt chỉnh đốn ngành tài chính có vẻ mãnh liệt hơn đã thu hút được sự chú ý của giới phân tích.

Truyền thông Anh quốc: Ông Tập Cận Bình “giết gà dọa khỉ”

Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh hôm 26/6 đăng bài của nhà phân tích Bùi Mẫn Hân. Theo đó, tại cuộc họp đặc biệt của Bộ Chính trị Trung Quốc diễn ra vào cuối tháng 4 năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết những “con cá sấu” làm dậy sóng thị trường tài chính Trung Quốc phải bị trừng phạt, nhưng ông không nói rõ là những ai. Bùi Mẫn Hân cho rằng việc này nên bắt đầu sớm vì nó còn có thể khởi tác dụng “giết gà dọa khỉ“.

Tác giả nhấn mạnh, việc đánh động này còn liên quan tới lợi ích chính trị bên trong, không những có thể khôi phục trật tự bề mặt của ngành tài chính, mà còn có thể loại trừ dứt điểm hiểm họa chính trị tiềm tàng và loại bỏ sự uy hiếp lâu dài tới việc lấy “hạt nhân Tập Cận Bình” để xây dựng chính quyền. Những quan chức cấp cao của chính quyền Trung Quốc hoặc những người đã lui về tuyến thứ hai từng giúp đỡ những “con cá sấu” này phát tài đều trở thành đối tượng chống tham nhũng của ông Tập.

Ngoài ra, ông Mẫn Hân còn nhận định việc đánh những “con cá sấu tài chính” này mới chỉ bắt đầu.

Tập Cận Bình dọa “hổ”, chỉnh đốn tài chính nhằm chống “đảo chính kinh tế”

Bước sang năm 2017, chính quyền Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu chống “đảo chính kinh tế” rõ ràng thông qua việc chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính.

Ngày 18/3/2017, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Bộ trưởng Bộ Giám sát Dương Hiểu Độ đã phát đi tín hiệu cảnh báo trên một diễn đàn của chính quyền Trung Quốc: “Hy vọng sau khi nắm giữ quyền lực kinh tế lại muốn tiếp tục giành quyền lực chính trị, việc này là vô cùng nguy hiểm”.  

Ngày 20/6, trên tài khoản Wechat “Nhóm Học Tập Nhỏ” của chính quyền đưa tin về việc ông Tập Cận Bình muốn đánh “cá sấu tài chính” và quyền lực “găng tay trắng”, “xung quanh mỗi một trung tâm quyền lực, đều tập trung một nhóm lợi ích sống dựa vào đó”, “họ có thể là tầng lớp quyền quý, cũng có thể là ‘găng tay trắng’, họ đi đi quanh rìa để hợp mưu với quyền lực”.

Giới quan sát cho rằng tin tức này đã phát ra tín hiệu cho thấy mong muốn chỉnh đốn quan hệ chính trị – kinh doanh và lĩnh vực tài chính, nhưng chú trọng hơn vào phòng chống sự uy hiếp đối với chính quyền khi quan chức câu kết thương nhân.

Từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình tập trung vào việc chống tham nhũng, cũng như đi sâu vào giới tài chính của phe cánh ông Giang Trạch Dân gồm nhiều nhóm lợi ích. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015 được đồn đại là do giới gia tộc quyền quý thuộc phe ông Giang Trạch Dân liên thủ với những “con cá sấu tài chính” cố ý làm ra những giao dịch ngắn hạn, nhằm đối kháng lại cuộc chống “đảo chính kinh tế” của ông Tập Cận Bình.

Năm 2017, giới tài chính Trung Quốc nhiều lần “xảy ra chuyện”

Ngày 27/1, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa bị bắt tại Hồng Kông. Ông Tiêu Kiến Hoa được cho là có sự chống lưng của ông Tăng Khánh Hồng – nhân vật đứng thứ 2 trong phe ông Giang Trạch Dân. Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng đưa tin hồi đầu tháng 2, ông Tiêu Kiến Hoa có liên quan tới sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015.

Ngày 13/6, truyền thông tại Đại Lục đưa tin Chủ tịch Tập đoàn An Bang Ngô Tiểu Huy bị bắt hôm 9/6. Vì ông Ngô Tiểu Huy là cháu rể ngoại của ông Đặng Tiểu Bình nên việc bắt giữ này cũng gây xôn xao dư luận.

Theo tờ The Epoch Times dẫn nguồn tin từ Trung Nam Hải cho biết, ông Ngô Tiểu Huy cũng giống như ông Tiêu Kiến Hoa, đều là “găng tay trắng” của gia tộc ông Tăng Khánh Hồng.

Ngày 21/6, Chủ tịch Tập đoàn Thế Kỷ Kim Nguyên (Century Golden Resources Group) Hoàng Như Luận bị miễn nhiệm chức vụ Thường ủy Chính Hiệp tỉnh Phúc Kiến và hủy bỏ tư cách Ủy viên Chính Hiệp. Ông Hoàng Như Luận là “túi tiền” của gia tộc ông Giả Khánh Lâm thuộc phe ông Giang Trạch Dân.

Cũng ngày 21/6, kết thúc Diễn đàn Lục Gia Chủy (Lujiazui Forum), Liên hiệp Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Ủy ban Giám sát Quản lý ngành Ngân hàng, Ủy ban Giám sát Quản lý Chứng khoán, Ủy ban Quản lý Giám sát Bảo hiểm đã đưa ra tuyên bố về giám sát quản lý tài chính, trong đó nhắc tới nhiều nội dung như: “ổn định”, “đề phòng rủi ro”, “cải cách”, “Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đứng đầu cơ chế quản lý tài chính”, v.v…

Ngày 22/6, trên internet có thông tin nói Ủy ban Giám sát Ngân hàng Trung Quốc hồi giữa tháng 6 đã yêu cầu thanh tra các ngân hàng đầu tư tương đối mạnh ra nước ngoài như Vạn Đạt, Phục Hưng, Tập đoàn Hải Hàng.

Vì đang trong thời kỳ mẫn cảm của đợt chỉnh đốn ngành tài chính trước khi diễn ra Đại hội 19, nên giới tài chính có hàng loạt những biến động đặc biệt. Điều này khiến giới quan sát đặt ra câu hỏi ai sẽ là người tiếp theo “xảy ra chuyện”?

Trí Đạt

Xem thêm: