Mới đây, ông Chung Lâm (Zhong Lin), Chủ tịch GSR Microelectronics của Trung Quốc, đã đăng bài viết nói về 5 “kiểu chết” mà ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc đang đối mặt.

shutterstock 1638160306
Người trong ngành nói về 5 “kiểu chết” của ngành bán dẫn Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Blue Andy / Shutterstock)

Người trong ngành phơi bày 5 “kiểu chết” của ngành bán dẫn

Ông Chung Lâm, người sáng lập GSR Microelectronics, gần đây đã đăng một bài viết trên tài khoản công khai “Zhong Lin Tanxin” (Trung Lâm nói về chip), nói thẳng rằng làn sóng khởi nghiệp chip lớn mạnh của Trung Quốc cũng đã đến thời điểm thoái trào. Ông cũng liệt kê 5 “kiểu chết” mà các công ty bán dẫn trong nước Trung Quốc đang phải đối mặt.

Kiểu thứ nhất là “chết đồng đội”. Ông Chung Lâm lấy sự sụp đổ của Nurlink Technology làm ví dụ, công ty này từng tham vọng trở thành nhà máy thiết kế vi mạch Qualcomm Trung Quốc. Người sáng lập công nghệ cốt lõi, Khổng Hiểu Hoa (Kong Xiaohua), sau khi hoàn thành gọi vốn 200 triệu nhân dân tệ vào năm 2020 đã nhanh chóng từ chức và trở về Mỹ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến Nurlink sụp đổ.

Ông Chung Lâm cho rằng sự sụp đổ của Nurlink Technology cũng phản ánh nhiều vấn đề phổ biến trong ngành công nghiệp chip của Trung Quốc, bao gồm việc lập kế hoạch sản phẩm thuộc về nhu cầu giả không có lợi nhuận, cũng như việc săn đón những người cùng ngành với giá cao và tiêu tiền vô độ, v.v.

Kiểu chết thứ 2 là “mở rộng một cách mù quáng”. Bài viết của ông Chung Lâm đã chỉ ra rằng việc mở rộng quy mô của các công ty khởi nghiệp vừa là tầm nhìn mà họ muốn đạt được, nhưng cũng vừa là liều thuốc độc. Tiền đề chính là đốt tiền, hơn nữa đều là dựa vào việc gom vốn liên tục, một khi thiếu nguồn tiền hỗ trợ thì công ty sẽ đi đến chỗ chết.

Kiểu chết thứ 3 là không thể IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) như dự kiến. Điều này khiến các nhà đầu tư bắt đầu khởi động thỏa thuận mua lại, tiền trong tài khoản bị rút hết.

Kiểu chết thứ 4 là đánh giá quá cao giá trị thị trường. Họ cho rằng việc này có thể dùng để tranh thủ gom vốn từ đó thu được nhiều lợi ích hơn, cuối cùng dẫn nguồn tiền bị đứt gãy, hại người hại mình.

Kiểu chết cuối cùng đó là rõ ràng không kiếm tiền được nhưng vẫn nhất quyết đòi niêm yết vì lợi ích của việc niêm yết. Cuối cùng họ vẫn bị thị trường từ chối.

Theo trang web của GSR Microelectronics, công ty này được thành lập vào tháng 11/2018 và tập trung nghiên cứu các chip mặt trước Wifi RF hiệu suất cao, công suất thấp. Các sản phẩm bao gồm công tắc GaAs, công tắc Soi, 2.4G FEM, 5.8G FEM, có thể được áp dụng cho bộ định tuyến WIFI, điện thoại thông minh, giám sát WiFi, máy bay không người lái, máy bay mô hình, mô-đun WIFI và mô-đun Bluetooth.

Dù có tập trung toàn lực cũng không thể làm được việc lớn

Gần đây, Mỹ đã liên tiếp mở rộng các hạn chế đối với chip CPU Trung Quốc, yêu cầu Nvidia và các nhà sản xuất chip liên quan khác cắt nguồn cung cấp chip GPU (bộ xử lý đồ họa) hiệu năng cao cho khách hàng Trung Quốc. Những điều này ngăn cản sự phát triển của điện toán đám mây và AI (trí tuệ nhân tạo) ở Trung Quốc, thậm chí còn ảnh hưởng đến lĩnh vực Internet.

Tin tức mới nhất là công ty Zyvex của Mỹ đã sử dụng phương pháp quang khắc chùm điện tử để sản xuất chip 768 picometer, hay chip 0,7nm (nanomet).

Hệ thống quang khắc do Zyvex đưa ra được gọi là ZyvexLitho1. Nó dựa trên kính hiển vi quét đường hầm STM và sử dụng phương pháp quang khắc chùm điện tử EBL để tạo ra một con chip có chiều rộng dòng 0,7nm. Độ chính xác này cao hơn nhiều so với hệ thống quang khắc EUV, tương đương với chiều rộng bằng 2 nguyên tử silicon, đây là hệ thống quang khắc có độ chính xác chế tạo cao nhất hiện nay. Các chip được sản xuất bởi máy quang khắc này chủ yếu được sử dụng cho máy tính lượng tử, có thể tạo ra các thiết bị lượng tử ở trạng thái rắn có độ chính xác cao, cũng như các thiết bị và vật liệu nano, đối với máy tính lượng tử mà nói thì độ chính xác là vô cùng quan trọng.

Mặt khác, tại Trung Quốc, dữ liệu của cơ quan điều tra thông tin doanh nghiệp cho thấy từ năm 2017 đến năm 2021, các doanh nghiệp liên quan đến chip của Trung Quốc lần lượt bị thu hồi và hủy bỏ giấy phép là 461, 715, 1294, 1397 và 3420. Từ tháng 1 đến ngày 30/8/2022, Trung Quốc đã thu hồi hoặc hủy bỏ giấy phép của 3.470 công ty liên quan đến chip, vượt quá số lượng các công ty trong những năm trước đó.

Hiện tại, ngành công nghiệp chip bán dẫn và vi mạch tích hợp của Trung Quốc đang ở thời điểm quan trọng của “loạn trong giặc ngoài”.

Ngày 6/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp thứ 27 của Ủy ban Cải cách sâu rộng toàn diện Trung ương.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh cần phát huy hết “lợi thế rõ ràng đó là có thể tập trung sức mạnh để làm việc trọng đại …. Tăng cường sức mạnh chiến lược quốc gia về khoa học và công nghệ, nâng cao khả năng hệ thống hóa nghiên cứu khoa học và công nghệ, hình thành một lợi thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực quan trọng và giành được thế chủ động chiến lược.”

Mặc dù các phương tiện truyền thông chính thức không đề cập rõ ràng đến các công nghệ cốt lõi quan trọng, nhưng hiển nhiên sản xuất chip chính là chủ đề chính.

Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã chi hơn 300 tỷ USD cho chip nhập khẩu và sau đó con số này vẫn một mạch tăng lên, đến năm 2021, con số này đã đạt khoảng 440 tỷ USD. Gần đây, chi tiêu hàng năm của Trung Quốc cho việc nhập khẩu chip đã vượt qua dầu mỏ, trở thành mặt hàng nhập khẩu lớn nhất.

Tổ chức nghiên cứu tư vấn “Kinh tế chính trị Thiên Quân” đã chỉ ra rằng từ điện thoại di động và thiết bị gia dụng trong cuộc sống hàng ngày, máy móc và ô tô trong mọi tầng lớp xã hội, đến tên lửa đạn đạo siêu thanh xuyên lục địa, vệ tinh, máy bay chiến đấu, v.v., tất cả đều phụ thuộc vào con chip nhỏ này. Không phải vì chip của Trung Quốc mới bắt đầu phát triển nên họ tụt hậu so với các nước khác ở khắp mọi nơi. Vào ngày 4/10/1982, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập một tiểu tổ lãnh đạo hàng đầu về máy tính điện tử và vi mạch tích hợp quy mô lớn. Về sau, mặc dù tiểu tổ này đã được đổi tên và sáp nhập, nhưng các chức năng của nó vẫn luôn tồn tạ, tên hiện tại là Ủy ban trung ương về Thông tin và An ninh Mạng. Chủ nhiệm ủy ban này là ông Tập Cận Bình, và các phó chủ nhiệm khác gồm có ông Lý Khắc Cường, ông Vương Hỗ  Ninh. Trong 40 năm qua, mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp chip, nhưng chip trong nước vẫn còn tương đối lạc hậu so với các nước phát triển.