Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc (EU Chamber of Commerce in China) là ông Joerg Wuttke gần đây cho biết rất bi quan về tương lai của nền kinh tế Trung Quốc, không có dấu hiệu Trung Quốc sẽ sớm nới lỏng chính sách ‘Zero COVID’ trong kiểm soát dịch bệnh.

Untitled 1 copy
Chuyên gia thương mại châu Âu tại Trung Quốc Joerg Wuttke (bên phải). (Nguồn: Eule2020/ Wikimedia)

Ông Wuttke được coi là một trong những người phương Tây hiểu rõ về Trung Quốc nhất, một phần vì ông đã sống ở Trung Quốc suốt 33 năm kể từ năm 1982.

Đáng ngạc nhiên về kết quả tại Đại hội 20

Vào ngày 23/10, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố danh sách Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới. Về vấn đề này, Chủ tịch Wuttke của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc nói với VOA: “Tôi quá ngạc nhiên vì mọi thứ hoàn toàn khác với hình dung của tôi. Tôi nghĩ Thủ tướng đương nhiệm khóa 19 Lý Khắc Cường sẽ là Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc tại Đại hội 20”.

Wuttke vốn dĩ nghĩ có 2 người mà ông biết rõ được cho là ứng viên phù hợp cho chức thủ tướng thay ông Lý Khắc Cường, thế nhưng họ đều bị loại. Ông nói mình chưa từng thấy ứng viên thủ tướng Trung Quốc nào chưa từng qua kinh nghiệm rèn luyện từ người tiền nhiệm như ông Lý Cường. “Vì vậy tôi nghĩ rằng sẽ rất khó khăn để ông Lý Cường điều hành công việc”.

Ông chia sẻ: “Tất nhiên, vấn đề rõ ràng nhất về sự kết thúc của một thời kỳ của Trung Quốc là chuyện cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào bị đưa khỏi Đại hội 20… Cho thấy bây giờ chỉ còn lại người trung thành nghe lời, còn việc họ sẽ đưa Trung Quốc đến đâu thì chúng ta sẽ phải chờ xem”.

Ông chỉ ra bài phát biểu của ông Tập Cận Bình đề cập đến Marx 15 lần, trong khi chỉ 3 lần nhắc đến kinh tế thị trường, cho thấy tình hình quốc tế dự kiến có nhiều căng thẳng. Ông Tập đã đề cập đến ‘đấu tranh’ 17 lần, trong đó 12 lần nói về tình hình quốc tế.

Về động lực chia tách của Trung Quốc khỏi phương Tây, ông Wuttke nói: “Vấn đề chia tách đã bắt đầu và xuất phát từ cả hai phía… Thực tế cả Trung Quốc cũng chủ động tách ra, và đó là điều không thể lạc quan, vì sẽ đồng nghĩa với việc giảm tiềm năng tăng trưởng kinh tế và tất nhiên là tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu”.

Đánh đổi tất cả vì ổn định chính trị

Ông Wuttke nói rằng ông Tập Cận Bình thể hiện rõ quan điểm nâng đỡ các doanh nghiệp nhà nước. Wuttke tin rằng: “Điều này có thể dẫn đến sự suy thoái đáng kể của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng mục tiêu chính của ông Tập không nhất thiết phải là tăng trưởng kinh tế. Điều mà ông ấy coi trọng là an ninh, ổn định, phân phối lại của cải vì thịnh vượng chung, xóa bỏ vấn nạn chênh lệch giàu nghèo quá lớn của Trung Quốc”.

Ông Wuttke cho biết đã từng có một số quan chức “phe tự do” trong ĐCSTQ ủng hộ con đường cởi mở và kinh tế thị trường, nhưng sau Đại hội 20 thì có lẽ những tiếng nói khác biệt này sẽ không còn nữa. “Vì vậy theo một nghĩa nào đó, có thể nói Trung Quốc hiện đã ổn định hơn và sẵn sàng trả giá về kinh tế để đổi lấy ổn định [chính trị]”, ông Wuttke nói. “Chúng tôi thấy rằng khoảng 50% người châu Âu ở Trung Quốc đã rời khỏi Trung Quốc”.

Ông Wuttke cho rằng 10 công ty hàng đầu châu Âu có liên hệ nhiều hơn với Trung Quốc chủ yếu là các công ty Đức. Những công ty này chủ yếu từ lĩnh vực ô tô, hóa chất và máy móc, vì không còn sự lựa chọn nào khác thay thế Trung Quốc.

Nhưng dĩ nhiên, 10 công ty này không đại diện cho 4.800 công ty thành viên của Phòng Thương mại EU. Ông Wuttke tiết lộ, “Nhiều công ty [châu Âu ở Trung Quốc] đang đưa hoạt động của họ vào tự động hóa. Các hoạt động đầu tư tăng mới và hoạt động kinh doanh mới của họ thường đã được chuyển hướng sang các khu vực khác như Thái Lan, Đông Nam Á, Ấn Độ, thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ gần châu Âu hơn, và Đông Âu là nơi có nhiều mối quan tâm hơn”.

Ngân hàng Thế giới trước đó đã dự báo kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, so với phần còn lại châu Á ở mức 5,3%. Ông Wuttke cho biết “Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dĩ nhiên thường chạy theo đồng tiền, trong khi cân nhắc về tiềm năng của nền kinh tế Trung Quốc nhận thấy hoạt động của chúng tôi (các công ty châu Âu) chắc chắn sẽ không còn tốt [ở Trung Quốc]”.

Vấn đề ‘Zero COVID’ và miễn dịch cộng đồng tại Trung Quốc

Tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và các ban ngành khác của ĐCSTQ đã đề xuất hạ ngưỡng áp dụng biện pháp phòng chống COVID-19 cho những người nhập cảnh vào nước này. Ông Wuttke nói: “Giờ đây, cả tôi cũng là nạn nhân của chính sách ‘Zero COVID’ tại Trung Quốc. Một vùng nào đó có một ca bệnh thì phải cách ly toàn bộ vùng đó. Tôi và vài người bạn hiện phải cách ly ở nhà trong 7 ngày”.

Đối với ông Wuttke, toàn Trung Quốc về cơ bản có thể xem là đang trong cảnh bị bế quan tỏa cảng vì chính sách ‘Zero COVID’, hiện không thể trông chờ trong thời gian ngắn sắp tới có khả năng cởi mở xã hội Trung Quốc. Ông cho rằng: “Bởi vì vấn đề miễn dịch cộng đồng của Trung Quốc yếu nghiêm trọng nên tôi không hy vọng chính sách ‘Zero COVID’ sẽ nới nỏng vào thời gian nào đó trong năm sau”.