Chu Tân, con trưởng của “Sa hoàng chính trị – pháp luật” Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, bị xử tù 18 năm vào tháng 6/2016. Gần đây, có thông tin cho rằng vợ của Chu Tân đang làm thủ tục khiếu nại cho chồng, nhưng cả luật sư cũng không gặp mặt được Chu Tân. Tờ Dwnews (Hồng Kông) còn nhận định, Chu Vĩnh Khang “ngã ngựa” vì bị con trai ông ta bán đứng, chính Chu Tân đã cung cấp hàng loạt chứng cứ bất lợi liên quan đến Chu Vĩnh Khang.

chutan
Chu Tân bị thẩm vấn

Ngày 01/12/2013, Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc quyết định triển khai điều tra Chu Vĩnh Khang vào. Đến ngày 29/7/2014, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc tuyên bố lập án điều tra Chu Vĩnh Khang vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Ngày 05/12/2014, Chu Vĩnh Khang bị khai trừ Đảng tịch, chuyển giao cho tư pháp xét xử, cùng ngày hôm đó Viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc lập án và bắt Chu Vĩnh Khang. Ngày 11/6/2015, Tòa án Trung cấp Thành phố Thiên Tân tuyên án Chu Vĩnh Khang với các tội danh nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực, cố tình làm lộ bí mật quốc gia, theo đó Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân và bị tịch thu tài sản.

Liên quan đến vụ án Chu Vĩnh Khang, tờ Dwnews dẫn lại thông tin tờ New York Times chỉ ra vào tháng 7/2014, cho rằng con trai Chu Tân của Chu Vĩnh Khang đã giao nộp những chứng cứ bất lợi về người cha mình. Theo đó, thời gian vài tháng đầu Chu Vĩnh Khang bị tạm giam luôn tự tin phản đối cho rằng bản thân ông ta không có bất cứ hành vi sai trái nào, nhưng chính vì những bằng chứng do Chu Tân cung cấp đã giúp giới lãnh đạo tối cao Trung Quốc đồng thuận quyết định công bố công khai điều tra Chu Vĩnh Khang.

Nhật báo Apple (Hồng Kông) từng chỉ ra, Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai (cựu Bí thư Trùng Khánh, “ngã ngựa” tháng 3/2012) từ lâu đã có quan hệ chia chác lợi ích. Chu Vĩnh Khang liên quan đến số tiền của tham nhũng khổng lồ, người con trai Chu Tân nhờ đó tích lũy được số tài sản trị giá đến 20 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 3,08 tỷ Đô la Mỹ). Đồng thời Chu Tân cũng giành được dự án công trình gần 40 tỷ Nhân dân tệ tại địa bàn thành phố Trùng Khánh, trong đó bỏ túi riêng được 10 tỷ Nhân dân tệ. Riêng tại Bắc Kinh, Chu Tân sở hữu 18 biệt thự, trong đó toàn những biệt thự kiểu cách như cung điện ở cả phía đông, bắc và tây ngoại ô Bắc Kinh, trong đó có một biệt thư dù chưa làm hoàn chỉnh đã có giá trị lên đến 200 triệu Nhân dân tệ. Nhờ nguồn lực hùng hậu, Chu Tân giúp nhiều quan chức thăng tiến trong hệ thống dầu khí ở Trùng Khánh và Tứ Xuyên.

Còn thông tin từ giới truyền thông Trung Quốc Đại Lục nhận định, nhờ quyền thế của cha, Chu Tân đã vơ vét được số tiền của hàng tỷ nhân dân tệ trong hệ thống dầu khí. Trong thời Chu Vĩnh Khang còn quyền lực, Chu Tân đã gây dựng được một đế chế ngầm chính trị – kinh doanh khổng lồ. Những nhân vật trung tâm trong vòng tròn này bao gồm những quan to như Tưởng Khiết Mẫn, Chủ nhiệm Ban quản lý Giám sát Tài sản Nhà nước; Lý Xuân Thành, Phó Tổng giám đốc Dầu khí Trung Quốc, cựu Bí thư thành phố Thành Đô; Ký Văn Lâm, cựu Phó tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam; và những trùm xã hội đen như Lưu Hán, Ngô Binh…

Chu Tân sinh vào tháng 1/1972. Có thông tin vào tháng 9/2013 Chu Tân đã bị quản thúc tại nhà vì tình nghi liên quan tội phạm kinh tế. Tháng 6/2016 Chu Tân bị kết án 18 năm tù giam vì tội  nhận hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng quyền lực gia đình nhận hối lộ, kinh doanh bất hợp pháp, bị phạt tiền 350,2 triệu Nhân dân tệ. Tại tòa, Chu Tân cho biết chấp nhận phán quyết, không kháng án.

Ngày 5/1, nick mạng Twitter tên “liuhu2017” tự xưng là người trong giới truyền thông Trùng Khánh chia sẻ thông tin trên trang Twitter rằng, sau khi bị kết án, Chu Tân đã bị giam tại nhà tù Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc với biệt danh Triệu Tường. Gần đây, Chu Tân muốn gặp luật sư, khi bà Hoàng Uyển (vợ Chu Tân) làm thủ tục ủy quyền, vị luật sư muốn đi gặp Chu Tân trong tù nhưng bị phía nhà tù từ chối.

Tuyết Mai

Xem thêm: