Số ca viêm phổi Vũ Hán được xác nhận ở Trung Quốc vẫn đang tăng lên. Ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), Viện sĩ Viện Kỹ thuật Trung Quốc và là chuyên gia về hô hấp, mới đây cho biết, virus viêm phổi Vũ Hán có khả năng sẽ cùng tồn tại lâu dài với con người, trong tương lai, mọi người cần được tiêm phòng vắc-xin định kỳ như phòng chống cúm. Nhận định này bị nghi ngờ là để mở đường cho các cơ quan chức năng né tránh trách nhiệm của họ.

shutterstock 1821959621
Ông Chung Nam Sơn gần đây đã tuyên bố rằng virus viêm phổi ở Vũ Hán có thể tồn tại lâu dài với con người, trong tương lai, sẽ cần phải được tiêm phòng thường xuyên, giống như phòng ngừa bệnh cúm. Nhận định này bị nghi ngờ là để mở đường cho các cơ quan chức năng làm giảm trách nhiệm của họ. Hình ảnh vắc-xin Sinovac của công ty dược phẩm Trung Quốc. (Ảnh: Shan_shan / Shutterstock).

Chung Nam Sơn: Tương lai cần phải tiêm phòng định kỳ

Vào ngày 20/5, kênh truyền thông Dịch vụ Tin tức Trung Quốc (CNS) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), dẫn lời ông Chung Nam Sơn nói rằng có khả năng con người sẽ phải chung sống lâu dài với virus viêm phổi Vũ Hán. Khi đó, mọi người có thể phải tiêm phòng định kỳ, giống như việc phòng ngừa bệnh cúm. Ông Chung cũng đề cập, “nếu tỷ lệ bảo vệ của vắc-xin không còn trong một năm, thì cần phải tiêm vắc-xin hàng năm.”

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông Phượng Hoàng (Phoenix) vào đầu tháng trước, ông Chung Nam Sơn đã đề cập rằng vắc-xin nội địa có thể ngăn chặn bệnh dịch này trở nên tồi tệ hơn như vậy là đủ rồi. Vì vậy, lý luận của ông Chung về sự cần thiết phải tiêm chủng định kỳ trong tương lai được coi là giải pháp cho tình trạng kém hiệu quả của vắc-xin ở Trung Quốc. Ông cho biết, “Mặc dù (sau khi tiêm phòng vắc-xin) bị nhiễm bệnh, nhưng bệnh tình sẽ không trở nên tồi tệ hơn và sẽ không phải nhập viện. Về vấn đề này, 5 quốc gia đã xác nhận 100% có tác dụng phòng ngừa (bệnh tình nặng thêm), vậy là đủ rồi.”

Vào ngày 10/4, ông Cao Phúc (Gao Fu), giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cũng có dịp hiếm hoi thừa nhận rằng “hiệu quả bảo vệ của vắc-xin Trung Quốc là thấp” “cần phải cân nhắc giải quyết vấn đề tỷ lệ bảo vệ thấp của các loại vắc-xin hiện có”, cách nói này bị nghi ngờ là mở đường cho các cơ quan chức năng trốn tránh trách nhiệm.

Liên tiếp các vụ bê bối vắc-xin nội địa Trung Quốc không hiệu quả

Trên thực tế, kể từ khi Trung Quốc giới thiệu vắc-xin nội địa, các vụ bê bối liên tục xảy ra. Thông tin mới nhất là Đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia Thái Lan ban đã phải rút khỏi Giải bóng chuyền thế giới ngày 25/5 này vì có 26 người dương tính với virus COVID-19 mặc dù trước đó đã tiêm vắc-xin Sinovac Trung Quốc.

Ngày 12/5, Hiệp hội bóng chuyền Thái Lan đã đưa ra thông báo, do số lượng lớn các ca nhiễm, đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan đã quyết định rút khỏi Liên đoàn bóng chuyền thế giới năm nay.

Ngoài ra, 5 chuyên gia y tế Trung Quốc sang Việt Nam vào ngày 9 tháng trước cũng vừa nhiễm virus biến thể của Ấn Độ. Liễu Huy, một cựu nhân viên y tế ở Quảng Tây, gần đây đã tiết lộ với Đài Á Châu Tự Do rằng 5 chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã được tiêm phòng ở Trung Quốc trước khi vào Việt Nam, nhưng họ vẫn bị nhiễm virus biến thể của Ấn Độ. Một trong số họ có triệu chứng nặng, và bốn người còn lại bị nhẹ.

Ngày 19/5, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, 61% dân số ở Seychelles đã được tiêm chủng, khiến quốc gia này trở thành quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong tháng qua, số trường hợp được xác nhận ở Seychelles đã bất ngờ tăng lên. Điều đáng chú ý là trong nhóm dân số được tiêm chủng, 57% người Seychelles đã được tiêm vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc vừa được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt để sử dụng khẩn cấp, điều này dấy thêm nghi vấn mới về tính hiệu quả của loại vắc-xin Trung Quốc này.

Cựu Tổng thống Peru Martin Vizcarra và phu nhân, người đã sử dụng quyền lực của mình để được tiêm vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc vào tháng Mười năm ngoái, thì đến cuối tháng trước cũng đã đăng tweet thông báo cho biết cả hai đều đã được chẩn đoán dương tính với virus.

Gần đây, một đợt dịch mới bùng phát ở Trung Quốc, lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố nhưng vẫn chưa thể xác định được nguồn lây bệnh. Một chuyên gia dịch tễ học giấu tên nói với truyền thông rằng các nhà chức trách nên kiểm soát những người đã được tiêm vắc-xin, tỷ lệ bảo vệ vắc-xin của Trung Quốc không đủ, những người đã được tiêm vắc-xin cũng sẽ bị nhiễm bệnh và đồng thời dễ lây lan.

Đoan Mộc San, Vision Times

Xem thêm: