Gần đây chương trình truyền hình “Tiền tuyến kinh tế chính trị quan trọng nhất, màn đen tại Trung Quốc” của Đài Loan đã mời đại diện Pháp Luân Công và bác sĩ phụ trách hoạt động cấy ghép nội tạng tại Đài Loan cùng thảo luận về vấn đề “mổ cướp nội tạng” hiện nay tại Trung Quốc Đại lục.

phongvan
Chương trình truyền hình “Tiền tuyến kinh tế chính trị quan trọng nhất, màn đen tại Trung Quốc” đã mời đại diện Pháp Luân Công và bác sĩ cùng thảo luận về quá trình ra quyết định đàn áp Pháp Luân Công của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, cũng như vấn đề “mổ cướp nội tạng” hiện nay tại Trung Quốc Đại lục (Ảnh: Epoch Times).

Ngày 6/8 vừa qua, chương trình truyền hình “Tiền tuyến kinh tế chính trị quan trọng nhất, màn đen tại Trung Quốc” đã tổ chức thảo luận về “Vấn đề Pháp Luân Công” và “Vấn đề mổ cướp nội tạng”, hai đề tài luôn bị đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phong tỏa thông tin nghiêm mật. Chương trình đã mời phỏng vấn một số nhân vật quan trọng liên quan, như phát ngôn viên Chu Uyển Kỳ của Đoàn Luật sư nhân quyền Pháp Luân Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép nội tạng Đài Loan Hoàng Sĩ Duy , và thương nhân Đài Loan Chung Đình Bang từng bị ĐCSTQ bắt giam phi pháp 54 ngày.

Người dẫn chương trình Thái Ngọc Chân đã hỏi tại sao cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân bị xem là thủ phạm chính trong vấn đề mổ cướp nội tạng. Bà Chu Uyển Kỳ cho biết, năm 2014 “Tổ chức Quốc tế Theo dõi đàn áp Pháp Luân Công” đã công bố đoạn ghi âm cuộc phỏng vấn ông Bạch Thư Trung, cựu Trưởng ban Y tế của Tổng cục Hậu cần quân đội ĐCSTQ. Theo đó nội dung câu chuyện đã  lần đầu tiết lộ Giang Trạch Dân cho phép lấy nội tạng người tập Pháp Luân Công phục vụ cho cấy ghép nội tạng.

Bà cho biết, ngày 25/4/1999, hàng chục nghìn người tập Pháp Luân Công đã đến Trung Nam Hải thỉnh nguyện ôn hòa, yêu cầu để cho Pháp Luân Công được tự do tập luyện, đồng thời thả hơn 40 người tập Pháp Luân Công bị chính quyền Thiên Tân bắt giữ. Khi đó Thủ tướng đương nhiệm Chu Dung Cơ đã bày tỏ thái độ tán đồng việc thả người tập Pháp Luân Công. Nhưng Giang Trạch Dân lại gửi một bức thư cho Ban Thường vụ Bộ Chính trị yêu cầu toàn đảng toàn quân cần triển khai đối phó với Pháp Luân Công.

Bà Chu Uyển Kỳ cho biết, ngày 10/6 cùng năm đó, ông Giang Trạch Dân còn thành lập tổ chức bất hợp pháp – “Phòng 610” tương tự như tổ chức mật vụ (Gestapo) của Đức Quốc xã trước đây hòng đối phó với Pháp Luân Công. Sau đó, đến ngày 20/7, Giang Trạch Dân đã phớt lờ sự phản đối của 6 Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khác, tự ý quyết định mở chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công, phối hợp cùng hệ thống công an để tổ chức vây bắt những người tập Pháp Luân Công. Hệ quả là Bộ Công an ĐCSTQ đã ban hành lệnh cấm tập luyện Pháp Luân Công, và nối tiếp là Bộ Nội vụ cũng ra quyết định tương tự.

Bà Chu Uyển Kỳ cho biết, trước đó Pháp Luân Công đã giành được nhiều giải thưởng ở Trung Quốc Đại lục, bao gồm giải thưởng khí công sư xuất sắc nhất, giải môn khí công được yêu thích nhất… Nhiều đài truyền hình cũng đưa tin về việc tập luyện của nhóm Pháp Luân Công. Thế nhưng Giang Trạch Dân đã phớt lờ những tiếng nói phản đối để kiên quyết tổ chức vây bắt những người tập Pháp Luân Công, dùng đến các quy tắc và luật hành chính thô bạo trái với Điều 35 và 36 của Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hòng tước đoạt quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tự do hội họp của hàng trăm triệu người tập Pháp Luân Công.

Tại sao phát động bức hại? Luật sư: Bản chất của ĐCSTQ đối lập với Pháp Luân Công

Người dẫn chương trình hỏi, tại Trung Quốc Đại lục có nhiều môn phái võ thuật, khí công, còn Pháp Luân Công chỉ là một trong nhiều môn khí công, vậy mà Giang Trạch Dân chỉ quan tâm đến Pháp Luân Công? Bà Chu Uyển Kỳ cho biết, theo quan sát của cá nhân bà trong 20 năm qua, đông đảo người tập Pháp Luân Công tin theo nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”, trái với bản chất “giả-ác-đấu” và “vô Thần” của ĐCSTQ.

Bà nói thêm, trong phản bức hại 20 năm qua, những người tập Pháp Luân Công cũng từng bước phát hiện ra rằng thứ họ phải đối mặt không phải chính quyền thông thường. Dù chiến dịch đàn áp do Giang Trạch Dân khởi xướng, nhưng nhà cầm quyền ĐCSTQ đã sử dụng bộ máy nhà nước để thực hiện cuộc đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công, những người không tham gia chính trị và tay không tấc sắt.

Bà Chu Uyển Kỳ còn cho hay, người tập Pháp Luân Công tích cực đi nói rõ sự thật về cuộc bức hại ở nhiều nơi trên thế giới, chỉ cần quốc gia và khu vực nào có Pháp Luân Công là có thể dễ dàng thấy cảnh này. “Chiến dịch phản bức hại” như vậy đã khiến ĐCSTQ chịu áp lực lớn, hệ quả là từ bức hại công khai chuyển sang bắt bớ âm thầm.

Bà chỉ ra rằng hành vi phản bức hại của Pháp Luân Công không chỉ đã trợ giúp cho người tập Pháp Luân Công Trung Quốc, mà còn trợ giúp cho người dân Trung Quốc bị ĐCSTQ đầu độc, thậm chí vạch trần sự thật về toàn bộ các cuộc đàn áp người dân Trung Quốc kể từ khi ĐCSTQ thành lập. Đó là những sự thật về sự vô nhân đạo, tội ác chống loài người, tội ác diệt chủng, tội ác tra tấn, vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc… của ĐCSTQ. Toàn thế giới qua đó nhìn thấy được và thúc đẩy các nước hành động để ngăn chặn đàn áp nhân quyền tại Trung Quốc.

Màn đen cấy ghép nội tạng: Từ bắt giữ đến mổ cướp là bí mật quốc gia

Khi người dẫn chương trình hỏi về quy mô và số lượng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc Đại lục, bác sĩ Hoàng Sĩ Duy trả lời, hoạt động cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc Đại lục có thể được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn đầu tiên là từ 1970 đến 1999, giai đoạn thứ hai là từ 1999 đến 2006, và giai đoạn thứ ba là sau năm 2006.

Ông cho biết hoạt động cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc Đại lục ngay từ thời điểm bắt đầu đã là hoạt động mờ ám, không chỉ phân công cho hệ thống hậu cần quân sự của ĐCSTQ quản lý, mà còn vô cùng tinh vi trong toàn bộ quy trình. Từng khâu trong hoạt động (khâu bắt người, khâu giam giữ, khâu kiểm tra cơ thể, khâu mổ lấy nội tạng) đều hoạt động riêng rẽ, từng khâu đều là chuyện bí mật nhà nước. Giữa các khâu không thể cung cấp thông tin cho nhau (chỉ biết làm theo chức năng nhiệm vụ riêng), tất cả được thực hiện dưới chiêu bài bí mật quân sự.

Bác sĩ Hoàng Sĩ Duy chỉ ra, vào những năm 1970, nguồn nội tạng phục vụ cho hoạt động cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc Đại lục chủ yếu lấy từ phạm nhân bị án tử hình. Đến năm 1999, khi đông đảo người tập Pháp Luân Công bị giam giữ, ĐCSTQ đã quyết định cưỡng bức lấy nội tạng của người tập Pháp Luân Công, điều này giải thích thực tế hệ thống cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc Đại lục không ngừng phát triển lớn mạnh đầy bất thường.

Ông nhận định, do toàn bộ hoạt động nằm trong quản lý của bộ máy quân đội, còn các thông tin liên quan bị xem là bí mật nhà nước cho nên không thể biết được số lượng ca ghép tạng trong thực tế. Tuy nhiên, con số này chắc chắn vô cùng lớn, vì ngành ghép tạng ở Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng.

Bác sĩ: Hiện tượng mổ cướp nội tạng cũng xảy ra ở Tân Cương và Tây Tạng

Bác sĩ Hoàng Sĩ Duy cũng chỉ ra, cho đến năm 2006, ĐCSTQ mới công nhận vấn đề dùng nội tạng phạm nhân tử hình để cấy ghép.  Đó chính là thời điểm thông tin về việc sử dụng nguồn tạng sống từ người tập Pháp Luân công bị phơi bày. Năm 2007, cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour phụ trách khu Châu Á – Thái Bình Dương và luật sư nhân quyền David Matas của Canada đã cùng công bố báo cáo điều tra, đưa ra 52 bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đã cưỡng bức lấy nội tạng người tập Pháp Luân Công trên quy mô lớn phục vụ cho phẫu thuật cấy ghép, chứ không chỉ là từ tử tù bị hành quyết.

Ông nhấn mạnh rằng hành vi như vậy đã vượt ra ngoài nguyên tắc y đức, nhiều nhà khoa học y tế chỉ ra rằng đây không phải vấn đề y học có thể giải quyết, mức độ đã lên đến vấn đề quốc gia và thậm chí vấn đề nhân loại. Sau khi vấn đề này xuất hiện, chúng ta cũng thấy sự ra đời của Tuyên bố Istanbul, Nghị quyết Madrid, Nguyên tắc sửa đổi Tổ chức Y tế Thế giới…, nhưng ĐCSTQ chưa bao giờ thừa nhận thực tế này.

Ông chỉ ra, sau năm 2007, hiện tượng thu hoạch nội tạng của người tập Pháp Luân Công vẫn còn tồn tại, nhưng tình hình này còn được phát hiện có ở Tân Cương và Tây Tạng, cho nên người ta đoán rằng hành vi mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ đã được mở rộng đến các nhóm người bị bức hại khác.

 Tuyết Mai (Theo The EpochTimes)

Xem thêm: