Trong một chương trình về Trung Quốc gần đây của Liberty Times Đài Loan, người phát ngôn Ban Vấn đề Đại Lục (MAC) là ông Chiêm Chí Hồng (Hung-Tze Jan) đã có những chia sẻ về văn hóa quản trị của ông Tập Cận Bình làm cho nền kinh tế Trung Quốc hiện lâm vào cảnh khốn đốn như thế nào.

Hung Tze Jan 20120709 3
Ông Chiêm Chí Hồng, phó chủ tịch kiêm phát ngôn viên MAC Đài Loan – (Nguồn: tenz1225/ Wikimedia/ Flickr)

Trong chương trình phỏng vấn, ông Chiêm Chí Hồng chỉ ra rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang dùng các biện pháp gây áp lực cao hơn để kiểm soát an ninh quốc gia, nguyên nhân vì nền kinh tế Trung Quốc hiện có vấn đề khiến lo lắng của công chúng ngày càng tăng. Theo đó hơn 100 triệu đảng viên ĐCSTQ sử dụng quyền lực của Đảng để cố gắng kiểm soát 1,4 tỷ người Trung Quốc, Đảng sử dụng “Tư tưởng Tập” để tẩy não người dân. ĐCSTQ đã biên soạn tuyển tập khổng lồ “Tư tưởng Tập Cận Bình” gồm 28 cuốn, giống như tiểu thuyết nhiều kỳ và bán với giá 9.990 nhân dân tệ, mỗi đảng viên đều phải quán triệt “Tư tưởng Tập” xem đó là “đi vào não, vào tim, vào tâm hồn” để kiểm soát toàn bộ xã hội Trung Quốc theo chỉ thị của Đảng.

Nhưng ông Chiêm Chí Hồng tin rằng người dân Trung Quốc hiện tại không dễ kiểm soát như vậy, giống như “Phong trào Giấy trắng” cách đây không lâu.

Theo thống kê, vào năm 2020 Trung Quốc có 260.000 sự kiện người dân nổi dậy phản kháng với những mức lớn nhỏ khác nhau.

Về câu hỏi ĐCSTQ yêu cầu thanh niên có học về nông thôn và việc biên soạn tuyển tập “Tư tưởng Tập Cận Bình” gồm 28 cuốn, cho thấy liệu Trung Quốc có trở lại thời đại Mao Trạch Đông? Ông Chiêm Chí Hồng nói rằng nhiều chuyên gia về Trung Quốc đã so sánh cách điều hành của ông Tập Cận Bình trong 10 năm qua với Mao Trạch Đông, qua đó nhận thấy rằng họ thực sự rất giống nhau. Mao Trạch Đông có một cuốn sách nhỏ “Danh ngôn Mao Trạch Đông”, còn ông Tập Cận Bình thậm chí có cả tuyển tập khổng lồ gồm 28 cuốn, nhưng trong nhiều nét tương đồng của họ thì vấn đề nòng cốt nhất là chủ nghĩa toàn trị.

Một trong những hệ quả của độc tài đó chính là các công chức Trung Quốc khi làm việc thường phấp phỏng lo lắng vi phạm, vì vậy có một câu nói cửa miệng của họ là “Thà không làm gì thì không hại thân” (Ninh khả bất sự cố, bất yêu xuất đại sự). Do đó có hiện tượng phổ biến trong giới công chức Trung Quốc mà theo cách nói của họ gọi là “nằm ngửa” [có thể hiểu là “nghỉ ngơi cho khỏe”].

Về vấn đề nợ địa phương của Trung Quốc

Về vấn đề tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang không ngừng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao tới 20,4%, chính quyền các địa phương đang gặp khó khăn về tài chính trong bối cảnh “ngoại giao chiến lang” của ĐCSTQ khiến Trung Quốc bị nhiều nước tẩy chay.

Theo ông Chiêm Chí Hồng, ĐCSTQ thời ông Tập Cận Bình đã có những thay đổi lớn về quản lý nội bộ và quan hệ đối ngoại, phương pháp quản lý rất khác với thời những người tiền nhiệm. Trong 3 năm tác động của dịch bệnh COVID-19 thì nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề, cộng với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt khiến hoạt động sản xuất trong nước của Trung Quốc đình trệ làm đình đốn toàn nền kinh tế, đây là nỗi lo nội bộ của Trung Quốc.

Giờ đây, Trung Quốc muốn vực dậy nền kinh tế sau khi bỏ phong tỏa xã hội khi thực hiện ‘Zero COVID’, nhưng không dễ để vực dậy, vì sau khi bị Mỹ trừng phạt thì thị phần điện thoại di động toàn cầu của các hãng như ZTE và Huawei đã sụt giảm lớn, Trung Quốc khó khăn về nguồn chip cao cấp do không thể nhập khẩu, còn chính quyền các địa phương thì trong tình trạng thiếu hụt nguồn lực tài chính.

Những khó khăn tài chính của chính quyền các địa phương Trung Quốc có liên quan đến sự tùy tiện vung tiền của quan chức; như nhiều doanh nhân Đài Loan chỉ ra vấn đề tại Trung Quốc làm xét nghiệm PRC đối với COVID-19 chỉ tốn vài chục nhân dân tệ (do có chính quyền tài trợ), trong khi ở Đài Loan thì mất vài ngàn Đài tệ, chênh lệch nhau quá lớn. Lý do vì theo chính sách ‘Zero COVID’ của ĐCSTQ khiến chính quyền phải trợ cấp cho xét nghiệm axit nucleic, nhưng nguồn trợ cấp lại do chính quyền các địa phương tự gánh chịu; ngoài ra bất động sản của Trung Quốc đã giảm mạnh trong những năm gần đây, khiến họ bị mất một nguồn thu lớn…

Trung Quốc đang phải đối mặt vấn đề nợ nghiêm trọng, có thông tin 1/3 chính quyền các địa phương thậm chí không thể trả được lãi suất, đây là vấn đề nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng đến việc chi lương cho công chức mà còn mất năng lực thanh khoản nợ. Ông Chiêm Chí Hồng cảnh báo rằng khi chính quyền trung ương không đủ sức trợ cấp tài chính cho chính quyền địa phương là lúc có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng đối với toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.

Về vấn đề liệu sự bùng nổ khủng hoảng tài chính ở Đại Lục có tác động trực tiếp đến Đài Loan, ông Chiêm Chí Hồng cho rằng hầu hết các ngân hàng Trung Quốc đều là doanh nghiệp nhà nước, nếu khủng hoảng tài chính xảy ra sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới chứ không chỉ Đài Loan. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc trên thế giới khá lớn, nếu hệ thống ngân hàng Trung Quốc gặp sự cố thì không ai có thể cứu được, đó sẽ là một cơn bão tài chính khác và khủng hoảng đó sẽ lan rộng trên toàn thế giới.

Ông nói rằng Trung Quốc đã tích lũy 30 năm kinh nghiệm để đạt được những thành tựu kinh tế như ngày nay, do đó vấn đề khốn khó nguồn tài chính của chính quyền các địa phương không phải vấn đề nhất thời mà là vấn đề tích tụ từ nhiều năm, qua chính sách vung tiền vô độ tùy tiện cho các mục tiêu trong nước cũng như gây ảnh hưởng ra thế giới của ĐCSTQ.