Tại Trung Quốc, gần đây khi vấn đề khủng hoảng tập đoàn bất động sản lớn nhất Evergrande vẫn chưa thể tìm được lối thoát thì CEO của hãng hàng không Trung Quốc Hainan Airlines (HNA) lại bị bắt, xu thế thanh trừng nhắm vào nhiều công ty tư nhân vẫn tiếp tục. Có phân tích cho rằng chính quyền Tập Cận Bình đã sử dụng chủ nghĩa xã hội của thời Mao Trạch Đông như vũ khí để thanh trừng các nhóm lợi ích nhằm giải quyết những khó khăn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

shutterstock 1929667547
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Nguồn:
Naresh777 / Shutterstock)

Chiêu bài “chủ nghĩa xã hội” để tìm lối thoát?

Gần đây, ĐCSTQ đã thúc đẩy hàng loạt động thái trấn áp giới kinh doanh: bắt chủ tịch và CEO của HNA, thanh trừng Didi Travel, ngăn chặn Ant của Mã Vân (Jack Ma) niêm yết tại Mỹ, chỉnh đốn Meituan, Tencent, vấn đề trò chơi trực tuyến, điều chỉnh giá nhà đất, điều chỉnh giáo dục và đào tạo, vấn đề văn hóa hâm mộ nghệ sĩ… Hàng loạt động thái khiến cổ phiếu của các công ty liên quan giảm mạnh và giới quan sát cũng chỉ ra, mỗi ngày đánh sụp một doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Ngô Tộ Lai, một học giả và nhà văn chính trị độc lập ở Mỹ đã phân tích trên Epoch Times rằng, hiện nay chính quyền Tập Cận Bình đang tấn công vào một số nhóm quyền lực “bề nổi”. Ngoài ra, còn có giới quyền lực “bề sâu” đã liên kết thành nhóm lợi ích quyền lực vô cùng hùng mạnh: các quan chức đứng đầu đơn vị các cấp ở trung ương, tỉnh, quận/huyện, trong đó có cả lớp bí thư thôn bản. Hiện chính quyền ông Tập cũng đang cố gắng tấn công khu vực này: “Trước đây có xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế, phát triển thì sẽ có lợi tức, nhưng giờ không còn động lực đó nữa. Vì vậy vấn đề kinh tế đang là áp lực đã trở nên rất nặng nề”.

Số liệu tháng trước thể hiện nền kinh tế Trung Quốc suy yếu toàn diện. Theo số liệu kinh tế tháng Tám do Cục Thống kê ĐCSTQ công bố vào tuần trước, giá trị gia tăng của tiêu dùng, đầu tư và công nghiệp đều thấp hơn dự kiến. Trong đó, giá trị gia tăng của doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng xã hội và doanh nghiệp công nghiệp trên quy mô nằm ở mức thấp nhất trong một năm qua. Giới phân tích phổ biến cho rằng kinh tế Trung Quốc trong quý IV vẫn có nguy cơ tiếp tục suy thoái.

Hơn nữa, theo ông Ngô Tộ Lai phân tích, vì ĐCSTQ đã gây thù địch trên toàn thế giới: đối với Hồng Kông thì phá bỏ “một nước, hai chế độ”; đối với eo biển Đài Loan biến thành chuẩn bị cho chiến tranh; quan hệ quốc tế trở nên rất căng thẳng…, như vậy Trung Quốc có thể trở về tình trạng bế quan tỏa cảng như trước. Đây không phải vấn đề muốn hay không mà đã bắt đầu xuất hiện.

Gần đây, các nhà lãnh đạo của hơn 100 nước đã tập trung tại Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) để tổ chức cuộc họp đa phương; nguyên thủ của 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã hội đàm trực tiếp tại Washington vào thứ Sáu (24/9); vào thứ Năm (23/9) Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã tham gia cuộc họp 10 nước ASEAN; đối thoại thượng đỉnh Mỹ-Nhật, Mỹ-Úc; thỏa thuận Mỹ-Anh-Úc xây dựng hạt nhân tàu ngầm ở Úc. Nhiều phân tích cho rằng Mỹ đang dùng liên minh ngăn chặn sự bành trướng của ĐCSTQ.

“Trước những khó khăn bên trong và bên ngoài của ĐCSTQ, chính quyền Bắc Kinh đã mạnh mẽ thúc đẩy chủ nghĩa xã hội, đây là do tình thế cấp bách, nhưng không có lối thoát”, ông Ngô Tộ Lai phân tích.

 

Biện pháp hiện nay chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn

Trước đây, cố lãnh tụ ĐCSTQ Mao Trạch Đông cũng gặp phải tình huống tương tự. Chuyên gia Ngô Tộ Lai phân tích rằng vào thời trước Cách mạng Văn hóa, Mao cũng ghét hệ thống quan liêu nhưng không muốn thay đổi để xây dựng chế độ dân chủ. Thay vào đó, Mao lợi dụng cơ chế đại biểu Chính hiệp và Nhân đại cùng các phong trào quần chúng để giải quyết vấn đề.

Cách làm này cũng được chính quyền Bắc Kinh hiện nay vận dụng, họ không muốn dùng cơ chế kiểm tra và cân bằng quyền lực của phương Tây, chẳng hạn như các đại biểu Chính hiệp và Nhân đại được bầu chọn từ cơ sở thấp nhất để thay đổi hệ sinh thái chính trị.

Theo nhà phân tích Ngô Tộ Lai, ông Tập muốn áp dụng cách của Mao Trạch Đông để “thần thánh hóa lãnh tụ và áp quyền lực từ trên xuống dưới, là kiểu chuyên quyền cực đoan để giải quyết vấn đề…”. Với cách làm này, chính quyền của ông Tập không thể giải quyết được vấn đề mà sẽ chỉ làm cho xã hội và nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn.

Ông Ngô Tộ Lai cho rằng ông Tập xác định có 2 vấn đề cần xử lý: một là sự bất công quá lớn về tài sản, tạo cớ để ông Tập tái thiết lập chủ nghĩa xã hội, qua đó có thể lợi dụng sức mạnh dân túy để lấy tài sản của lớp người quá giàu có này. Cũng theo nhà bình luận này, cho dù đó là Jack Ma, Mã Hóa Đằng, Trần Phong (Chen Feng) của HNA, hoặc Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui) của gia đình Đặng Tiểu Bình, thì ông Tập cũng hoàn toàn có thể dùng danh nghĩa chống tham nhũng hoặc “thịnh vượng chung” để quốc hữu hóa tài sản, thậm chí cả của cải từ những người nổi tiếng để giải quyết nhu cầu cấp thiết.

Chuyên gia Ngô chỉ ra đây là yếu tố kinh tế “thịnh vượng chung” xã hội chủ nghĩa của Tập Cận Bình. Vì ĐCSTQ hiện đang gặp vấn đề về tài chính do khi Tập Cận Bình nắm quyền đã rải tiền đến nhiều nơi ở châu Phi và thúc đẩy sáng kiến “​​Vành đai và Con đường”.

Thứ hai, ông Ngô Tộ Lai nhận định, vì suy nghĩ tiền của người giàu cũng là kết quả của sự phát triển của đất nước: “Bây giờ kẻ giàu trước không lôi kéo kẻ giàu sau thì sẽ phải dùng cách cưỡng ép”.

Không có lợi cho nhân dân là cải cách và mở cửa thất bại

Nhìn lại vấn đề “giàu nghèo chia đều”, ông Ngô Tộ Lai cho rằng chủ nghĩa xã hội của Mao Trạch Đông về cơ bản đã đưa toàn bộ Trung Quốc đến bờ vực nghèo đói và phá sản. Đối với Đặng Tiểu Bình, trong một thời gian thực hiện cải cách và mở cửa đã thực sự giúp cho nền kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ vượt bậc, giúp đạt đến quy mô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhưng Đặng Tiểu Bình từng chỉ ra, nếu cuộc cải cách và mở cửa này dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo lớn hơn, thì cải cách và mở cửa của ĐCSTQ sẽ thất bại. Từ quan điểm này, chuyên gia Ngô cho rằng cải cách và mở cửa của ĐCSTQ về cơ bản là thất bại. Bởi vì một nền kinh tế lớn như vậy không mang lại lợi ích cho đông đảo giới bình dân khi giáo dục và chăm sóc y tế không thể thực hiện miễn phí, khoảng cách giàu nghèo lớn giữa nông thôn và thành thị, giữa phía đông và phía tây Trung Quốc, giữa người trong thể chế và ngoài thể chế cũng khác biệt rất lớn.

Theo ông Ngô Tộ Lai, đặc biệt là chính trị đầu sỏ đã dẫn đến nền kinh tế đầu sỏ, tài sản đất nước tập trung quá lớn trong một nhóm quyền lực thao túng nền kinh tế, toàn bộ lợi tức phát triển này đã không mang lại lợi ích cho đông đảo người dân bình dân trên cả nước.

Mị dân bằng cách lấy của người giàu để giúp người nghèo?

Giữa tháng Tám, ông Tập lại giương cao khẩu hiệu “thịnh vượng chung”, sau đó Tencent và Alibaba đều tuyên bố quyên góp 100 tỷ nhân dân tệ. Các CEO của Xiaomi, Meituan, Lenovo và Pinduoduo cũng đổ xô quyên góp tiền. Tình trạng khiến cộng đồng quốc tế kinh ngạc băn khoăn, ĐCSTQ muốn thực hiện “chủ nghĩa cộng sản” hay chính quyền ĐCSTQ đang thiếu tiền?

“Ở bất kỳ nước nào, trong bất kỳ thời đại nào, cách nhanh nhất để tích lũy tài sản là cướp của người giàu, hiện nay ĐCSTQ đang thực hiện như vậy”, bà Trần (Chen) là giám đốc marketing của một doanh nghiệp tư nhân ở Thượng Hải cho biết trên Epoch Times.

Epoch Times cũng dẫn lời ông Ngô Đặc (Wu Te), một nhà bình luận truyền thông độc lập ở Trung Quốc, “Chính quyền Bắc Kinh muốn chuyển hướng xung đột xã hội và giành được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng bằng cách trấn áp các doanh nghiệp tư nhân, nhưng tôi không nghĩ rằng cách tiếp cận này sẽ hiệu quả”.

Ông Ngô Đặc cũng nói rằng cái gọi là thịnh vượng chung cũng là tạo ra một hình ảnh mị dân: “Vấn đề là môi trường kinh tế tổng thể không tốt, nên việc người dân thất nghiệp hoặc mức sống giảm sút là điều không thể tránh khỏi, nhưng khi gây sụp đổ các doanh nghiệp tư nhân thì càng khiến toàn bộ môi trường kinh tế xấu đi và làm trầm trọng thêm các xung đột xã hội”.

 

Tập từng trải nghiệm giáo dục tẩy não của Mao

Nhà bình luận Ngô Tộ Lai cũng phân tích rằng chủ nghĩa xã hội mà ông Tập thúc đẩy có yếu tố của chính cá nhân ông ta. Trước đây ông ta từng bị đưa về Lương Gia Hà ở Diên An, ông ta khác với Mao Trạch Đông ở chỗ đã trải nghiệm cảm giác làm nông dân.

Người cha Tập Trọng Huân của Tập Cận Bình là ‘công thần’ đã giúp ĐCSTQ xây dựng được quyền lực, nhưng ông ấy bị xem là người phái ôn hòa trong ĐCSTQ. Ông từng bị bức hại và giam giữ dưới thời Mao Trạch Đông, trong khi vợ ông bị ép phải lên án ông ta.

Sau khi ông Tập Trọng Huân trở lại chính trường vào năm 1978 đã thúc đẩy tự do hóa kinh tế ở tỉnh Quảng Đông và cũng bảo vệ cho ông Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) – một trong những nhà lãnh đạo khai sáng nhất trong hệ thống ĐCSTQ.

Nhà bình luận Ngô Đặc cho rằng bản thân ông Tập Cận Bình không có khuynh hướng cực tả mạnh mẽ như Mao Trạch Đông, vì các hành động của ông rất khác với Bạc Hy Lai (cựu Bí thư Trùng Khánh đã bị tù chung thân). Tuy nhiên, vấn đề của ông Tập là ý thức mạnh mẽ để bảo vệ quyền lực của ĐCSTQ.

Hơn nữa, quá trình trưởng thành của ông Tập được trải nghiệm kiểu giáo dục tẩy não cực tả của Mao Trạch Đông. Vì vậy, khi đối mặt với khủng hoảng, ông bèn liên tưởng đến phương pháp cực tả xưa kia là kinh tế kế hoạch và tăng cường kiểm soát chính trị để xử lý, không dám thúc đẩy con đường cải cách dân chủ.

 

Chiến lược lâu dài của ĐCSTQ nhằm thống trị thế giới

Về lý do tại sao chính quyền Tập Cận Bình phải quay trở lại con đường cực tả gần với đường lối của Mao Trạch Đông, nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) đã có phân tích trên Epoch Times. Ông nói rằng nguyên nhân cơ bản nhất là vì ĐCSTQ luôn có một chiến lược dài hạn để thống trị thế giới, chiến lược này đã được thực hiện từ thời Mao Trạch Đông.

Ông Đường Tĩnh Viễn cho biết, trong một thời gian nhiều người cảm thấy Đặng Tiểu Bình lãnh đạo ĐCSTQ tiếp cận xã hội dân chủ phương Tây, nhưng Đặng chưa bao giờ có ý định thay đổi màu sắc của ĐCSTQ. Ngược lại, Đặng còn phát động chiến dịch “chống diễn biến hòa bình” để đảm bảo rằng ĐCSTQ vừa được “thay máu” vốn và công nghệ của phương Tây, lại gia cố được hệ thống toàn trị trong bản chất. Đây là ý nghĩa thực sự của cái gọi là “giấu mình chờ thời” mà Đặng Tiểu Bình thúc đẩy: không phải để dần dần tiến tới dân chủ hóa mà để tích lũy quyền lực chuẩn bị cho ĐCSTQ thống trị thế giới.

Ông Đường Tĩnh Viễn cho rằng mục tiêu cơ bản của Đặng Tiểu Bình cũng không khác của Mao Trạch Đông, nhưng Đặng xảo quyệt hơn khi sửa đổi đường lối kinh tế để đánh lừa phương Tây kéo dài nhiều thập kỷ. Ông ta đã thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ tích lũy quyền lực chuẩn bị cho ĐCSTQ thống trị thế giới.

Ông Đường Tĩnh Viễn chỉ ra, thời điểm Tập Cận Bình nhậm chức đã tin rằng quá trình tích lũy quyền lực của ĐCSTQ đã hoàn thành, là lúc cần dùng quyền lực để thực hiện “giấc mơ ban đầu” về thống trị toàn cầu của lý tưởng cộng sản. Đây là lý do ông Tập thúc đẩy “ngoại giao sói chiến”, chấn chỉnh doanh nghiệp, trấn áp tư tưởng muốn rời khỏi ý thức hệ chủ nghĩa xã hội…

Ông cho rằng ĐCSTQ chưa bao giờ rời bỏ chủ nghĩa xã hội, sự khác biệt trong 3 giai đoạn giữa Mao, Đặng và Tập chỉ là sự khác biệt ở bề ngoài. Đó chỉ là những thủ đoạn để ĐCSTQ che mắt thế giới nhằm tích lũy sức mạnh hướng tới mục tiêu thôn tính thế giới.

Theo Cao Tĩnh, Epoch Times

Xem thêm: