Trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên tiếp tuyên truyền mùa màng bội thu, nhiều dữ liệu cho thấy nhập khẩu lương thực (ngũ cốc) của Trung Quốc năm nay đã đạt mức cao mới và lượng dự trữ đã vượt quá một nửa dự trữ lương thực toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ càng đẩy giá lương thực, thực phẩm thế giới lên cao.

shutterstock 1717729654
(Nguồn: Grey Color/ Shutterstock)

Từ ngày 25 đến ngày 26/12, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức một hội nghị công tác nông thôn và tuyên bố rằng cần đảm bảo sản lượng lương thực của Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì trên 650 triệu tấn vào năm tới. Giá trị này là mấu chốt của cái gọi là “tự cung tự cấp” về lương thực của Trung Quốc. Các quan chức cho rằng sản lượng lương thực của Trung Quốc đã đạt giá trị này trong 7 năm liên tiếp.

Trước đó hôm 8/12, ông Tăng Diễn Đức (Zeng Yande), Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Phát triển thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, tuyên bố rằng sản lượng lương thực của Trung Quốc đã bội thu trong những năm gần đây, nhưng nhu cầu lương thực của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất 30 năm tới.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, nhập khẩu lương thực của Trung Quốc đã vượt 150 triệu tấn, tăng 20% ​​so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngũ cốc tăng gấp đôi. Ngô tăng gấp đôi và gạo tăng gần gấp đôi (97%). Nhập khẩu lương thực của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm nay đã đạt sản lượng 23% của 650 triệu tấn ngũ cốc mà chính quyền tuyên bố trong năm nay.

Dữ liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy Trung Quốc chiếm hơn một nửa tổng dự trữ các loại lương thực chính của thế giới như ngô, gạo và lúa mì.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong nửa đầu năm tới, dự trữ lương thực của Trung Quốc sẽ chiếm 69% dự trữ lương thực toàn cầu trong nửa đầu năm tới, ngô sẽ đạt 69%, gạo đạt 60%, và lúa mì sẽ đạt 51%. Tỷ lệ dự trữ các loại lương thực chủ yếu này ở Trung Quốc đã tăng khoảng 20% ​​trong 10 năm qua, điều này cho thấy ĐCSTQ tiếp tục dự trữ một lượng lớn lương thực.

Dân số Trung Quốc chưa đến 20% dân số thế giới, không tương đồng với tỷ lệ dự trữ lương thực dự trữ vốn chiếm hơn một nửa của nước này. Nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng này sẽ đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao và gây ra tình trạng thiếu lương thực có thể xảy ra ở các khu vực khác.

Ông Akio Shibata, Giám đốc Viện Nghiên cứu Vấn đề tài nguyên và Thực phẩm Nhật Bản, cho rằng trữ lượng lương thực lớn của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao.

Chỉ số giá lương thực mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy, trong tháng 11 năm nay, giá lương thực toàn cầu tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồi tháng 11, ông Tần Ngọc Vân (Qin Yuyun), Vụ trưởng Vụ Dự trữ Lương thực thuộc Cục Dự trữ Lương thực và Vật tư Trung Quốc, cho biết, tổng dự trữ lương thực của Trung Quốc đang ở mức cao lịch sử và dự trữ lúa mì có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân số Trung Quốc trong một năm rưỡi.

Ngày 19/12, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, mặc dù lũ lụt và các thảm họa thiên nhiên khác ở Trung Quốc thường xuyên xảy ra trong năm nay và biến động lớn về giá lương thực quốc tế, nhưng trong 11 tháng kể từ đầu năm nay, Trung Quốc vẫn có đủ nguồn cung trên thị trường lương thực, giá lương thực của Trung Quốc đã duy trì mức tăng ổn định.

Ông Trương Lật Điền (Zhang Litian), nhà bình luận về vấn đề thời sự với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành lương thực Trung Quốc, nói với Epoch Times rằng việc nhập khẩu lương thực của Trung Quốc đã lập kỷ lục, điều này đã chứng minh rằng tuyên bố của ĐCSTQ về thu hoạch lương thực là sai sự thật, “Nếu mùa màng bội thu thì không cần nhập khẩu nhiều lương thực đến thế”.

Bởi vì số lượng lương thực nhập khẩu không thể bị làm giả, và có dữ liệu hải quan ở đó, cho nên ông cho rằng nhiều nguồn dữ liệu phản ánh rằng nhu cầu lương thực của Trung Quốc là có thật và ĐCSTQ đang tăng dự trữ lương thực của mình. Điều này cũng đúng bởi vì “ĐCSTQ tin rằng an ninh lương thực có liên quan đến sự an toàn của chế độ.”

Ông Trương Lật Điền nói rằng ĐCSTQ đã bắt đầu tích trữ lương thực cho chiến tranh ngay từ thời Mao Trạch Đông, ĐCSTQ nói rằng đó là để “chuẩn bị cho chiến tranh và chuẩn bị cho mất mùa”. Bây giờ cũng như vậy, nhập khẩu một lượng lớn lương thực, một mặt là để bù đắp cho sự thiếu hụt sản xuất lương thực trong nước và đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước. Mặt khác, ĐCSTQ hiện đang phải đối mặt với sự bao vây của Mỹ và các đồng minh, trong khi đó các nước như Mỹ, Canada, Brazil, Úc là nguồn nhập khẩu lương thực chính của Trung Quốc.

Ông nói: “ĐCSTQ lo lắng nếu các nước này bắt tay với nhau, thì có thể đe dọa đến an ninh lương thực của ĐCSTQ.”

Nhà bình luận thời sự Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) hiện đang cư trú tại Mỹ cho rằng ĐCSTQ mạnh tay tích trữ lương thực chính là vì để ứng phó với khủng hoảng lương thực của mình. 

Nhà bình luận thời sự Vương Kiếm (Wang Jian) cũng nói trên kênh truyền thông cá nhân của mình rằng Trung Quốc chắc chắn phải có khủng hoảng lương thực, nhưng khủng hoảng lương thực của Trung Quốc thực tế là một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Vì dân số Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 20% dân số toàn cầu, trong khi dự trữ lương thực của Trung Quốc chiếm hơn một nửa tổng dự trữ lương thực toàn cầu. Ông tin rằng việc tích trữ lương thực quy mô lớn của ĐCSTQ không chỉ đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao mà còn có nghĩa là lương thực toàn cầu đang gặp rủi ro.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán rằng đến cuối giai đoạn “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” (2021 – 2025), Trung Quốc có thể thâm hụt khoảng 130 triệu tấn lương thực, bằng 20% ​​trong tổng sản lượng 650 triệu tấn lương thực mà ĐCSTQ chính thức tuyên bố mới đây. Và đây chính là lượng nhập khẩu lương thực của Trung Quốc trong năm ngoái.

Ngay từ năm 1994, học giả người Mỹ Lester Brown và Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công bố một báo cáo nghiên cứu với tiêu đề “Ai sẽ nuôi sống Trung Quốc” (Who Will Feed China). Ông nói trong báo cáo rằng quá trình công nghiệp hóa tốc độ cao của Trung Quốc sẽ phá hủy tài nguyên thiên nhiên và làm sa mạc hóa đất đai. Khi dân số Trung Quốc tăng lên, Trung Quốc cần nhập khẩu một lượng lớn lương thực để nuôi sống hơn một tỷ người, điều này sẽ khiến giá lương thực toàn cầu gia tăng và làm nhiễu loạn thị trường lương thực toàn cầu.

Vào thời điểm đó, ĐCSTQ đã chỉ trích ông, và cả hai kênh truyền thông nhà nước là Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa xã đều tuyên bố rằng ông đã tạo ra “Học thuyết đe dọa Trung Quốc“. Nhưng ngay từ năm 1998, các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ đã mặc nhận tuyên bố của ông Lester Brown, dù họ luôn phủ nhận rằng có một cuộc khủng hoảng lương thực ở Trung Quốc.

Ông Trương Lật Điền nói rằng Trung Quốc luôn thiếu lương thực mang tính chế độ, một mặt, rất nhiều đất đai màu mỡ bị ô nhiễm bởi ngành công nghiệp, hoặc trở thành đất đai cho công nghiệp; một mặt là chính sách ức chế giá lương thực của ĐCSTQ cộng với nhiều loại thuế cắt cổ, nên nông dân không muốn trồng lương thực. Những lao động nông thôn nhập cư vào thành phố đã để lại nhiều diện tích đất canh tác cằn cỗi và dẫn đến không đủ lương thực.

Năm 2004, ông Brown cũng đăng một bài báo nói rằng trong 5 năm qua, do sản lượng lương thực của Trung Quốc giảm hết 4 năm, Trung Quốc đã nhập khẩu một lượng lớn lương thực và khiến giá lương thực quốc tế tăng lên.

Ông cho biết, mặc dù sản lượng lương thực của Trung Quốc đang giảm nhưng nhu cầu đang tăng, nguyên nhân là do thu nhập của người dân Trung Quốc tăng lên, họ đang chuyển sang thượng nguồn của chuỗi thực phẩm và ăn nhiều hơn các sản phẩm chăn nuôi bằng lương thực, chẳng hạn như thịt lợn, gia cầm và trứng gà.

Ông Brown đã dự đoán vào thời điểm đó rằng Trung Quốc sẽ sớm nhập khẩu tới 50 triệu tấn lương thực mỗi năm từ thị trường toàn cầu, điều này sẽ nhanh chóng biến tình trạng dư thừa lương thực và thực phẩm rẻ của thế giới trở thành chuyện của nửa thế kỷ trước.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đưa ra tuyên bố tương tự trong triển vọng tháng 6 năm nay rằng vào cuối giai đoạn dự báo, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc sẽ tăng từ 100 triệu tấn trong năm nay lên 140 triệu tấn.

Theo Liên Thư Hoa, Epoch Times

Xem thêm: