Báo mạng Phượng Hoàng (iFeng – Hồng Kông) hôm 5/1 đưa tin, ông Trương Văn Hồng – Trưởng Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, gần đây khi đào tạo các bác sĩ ở quận Mẫn Hằng đã có phân tích về lý do bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng trên toàn Trung Quốc.

Truong Van Hong
Chuyên gia dịch tễ Trung Quốc Trương Văn Hồng đã xác nhận ông cũng từng bị nhiễm COVID-19 chủng Omicron. (Ảnh chụp màn hình video)

Ông Trương cho biết lượng lớn bệnh nhân đổ xô đến các bệnh viện cấp 2 và cấp 3 khiến không còn giường bệnh trống, nguyên do vì phương án điều trị trước đó không tối ưu, hầu hết các trường hợp điều trị tại bệnh viện cộng đồng tuyến dưới đều không hiệu quả, nhiều bệnh nhân sau khi dùng thuốc không cải thiện lại đến các bệnh viện lớn. Nhưng điều trị ở các bệnh viện lớn cũng không giúp ích bao nhiêu, nhiều bệnh nhân sau khi nhập viện tỷ lệ thuyên giảm thấp, thậm chí tình trạng còn nặng hơn, cuối cùng dẫn đến tử vong. Bệnh nhân nội trú không thể hồi phục trong một thời gian dài, điều này đương nhiên dẫn đến việc quá tải.

Chuyên gia này cho hay, nhiều người cao tuổi sau khi uống thuốc thấy các triệu chứng không thuyên giảm, sau khi đưa vào bệnh viện tuyến trên cũng chỉ để truyền nước biển và hít thở oxy, cuối cùng các triệu chứng viêm phổi vẫn như cũ và dẫn đến tử vong. Trong khi nhiều trường hợp bệnh nhân cải thiện sau khi dùng kháng sinh không phải do tác dụng của thuốc, mà là do sức chịu của cơ thể.

Ông cũng cho biết đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao như người cao tuổi, điều quan trọng nhất là sử dụng thuốc kháng virus trong vòng 72 tiếng kể từ khi bệnh khởi phát, chẳng hạn như Paxlovid…; thứ hai là sử dụng nội tiết tố (hormone), mặc dù thường cho rằng nội tiết tố sẽ dẫn đến giảm khả năng miễn dịch, nhưng thực tế lâm sàng đã chứng minh hầu hết bệnh nhân có thể thuyên giảm trong vòng 72 tiếng bằng cách sử dụng thuốc kháng virus cộng với nội tiết tố.

Hiện nay hệ thống bệnh viện công Trung Quốc thường kê đơn 4 loại thuốc cho bệnh nhân COVID-19 là thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh, thuốc ho và thuốc đông y, đây là những loại thuốc nhằm làm bệnh thuyên giảm sau 72 tiếng, các loại thuốc này không phải thuốc chuyên trị virus.

Vì phòng bệnh tại hệ thống bệnh viện cấp cao ở Thượng Hải hiện đã bão hòa, ông Trương Văn Hồng đề xuất rằng “nên tăng thêm chức năng cho các bệnh viện cộng đồng [trong chữa trị bệnh nhân COVID-19], mấu chốt là ổn định bệnh nhân trong vòng 72 giờ, tránh bỏ lỡ giai đoạn 72 giờ vàng, tránh để bệnh nhân đổ dồn về các bệnh viện lớn gây ra tình trạng chen chúc, khi người bệnh không thể đưa vào là đồng nghĩa chờ chết, phải ngăn thực trạng cho mọi người tập trung cùng chết”.

Số người nhiễm COVID-19 ở nhiều thành phố lớn có thể lên đến 80%

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ vào ngày 29/12/2022, ông Trương Văn Hồng cho biết Thượng Hải đã đạt đỉnh điểm lây nhiễm kể từ ngày 22/12. Theo ước tính, số ca nhiễm hiện tại là hàng chục triệu. Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc là rất cao, giả sử 0,5% trong số 10 triệu người nhiễm bệnh ở Thượng Hải cần nhập viện thì có nghĩa là trong vài tuần tới có 50.000 người cần nhập viện, trong số đó có nhiều người bệnh nguy kịch cần hỗ trợ hô hấp.

Khi Tết Nguyên đán cận kề, ông Trương cho biết làn sóng dịch bệnh này ở Trung Quốc sẽ khiến tỷ lệ lây nhiễm ở nhiều thành phố lớn vượt quá 50% dân số, và vào Tết Nguyên đán số người đã và đang bị COVID-19 có thể lên đến 80%. Về tình hình của các chủng virus, ông Trương cho biết các chủng chính hiện nay là BA.5 và BF.7, tỷ lệ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong rất gần với Omicron thế hệ đầu tiên. Tuy nhiên, truyền thông không đề cập đến dữ liệu cụ thể về tỷ lệ trường hợp nghiêm trọng.

Cùng quan điểm, nhà khoa học Tằng Quang (Zeng Guang) – cựu Trưởng Ban dịch tễ tại CDC Trung Quốc, mới đây cũng cho biết làn sóng dịch bệnh này đang tiến triển nhanh hơn dự kiến. Ông ước tính số người ở Bắc Kinh đã và đang nhiễm COVID-19 có thể đã vượt quá 80%, và thậm chí có thể cao hơn.

Trang thông tin mạng Toutiao tại Trung Quốc đã đăng một bài báo vào ngày 30/12 năm ngoái, chỉ ra rằng dựa trên dân số thường trú của Bắc Kinh là khoảng 22 triệu người thì tỷ lệ 80% số người nhiễm bệnh sẽ là 17,6 triệu người, như vậy riêng ở Bắc Kinh đã gần 18 triệu người đã và đang nhiễm COVID-19.

Hiện nay Trung Quốc Đại Lục không còn xét nghiệm COVID-19 quy mô lớn, Chính phủ cũng chưa thành lập nền tảng báo cáo tự xét nghiệm kháng nguyên nên có thể nói gần như không có dữ liệu thống kê chính xác, cộng đồng quốc tế khó có thể nắm bắt được toàn cảnh và hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước này.