Evergrande về cơ bản đã vỡ nợ vì các khoản nợ bằng USD, và nhiều công ty bất động sản Trung Quốc Đại Lục cũng lần lượt trải qua những cơn giông bão tương tự. Theo phân tích của các chuyên gia, thị trường nhà đất tại Trung Quốc Đại Lục đang cực kỳ yếu, ngành bất động sản đang gánh những khoản nợ khổng lồ. Nếu chính quyền Bắc Kinh không thể ổn định thị trường nhà đất và giá nhà đất, thì tiếp theo ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng và xuất hiện hiện tượng sụp đổ.

shutterstock 2045653253
Evergrande (Nguồn: Lewis Tse Pui Lung/ Shutterstock)

Theo Reuters, do Evergrande không trả được hai trái phiếu phát hành công khai với tổng số tiền lãi là 82,5 triệu USD khi hết thời gian gia hạn 6 ngày, trở thành đợt phát hành ra công chúng đầu tiên vỡ nợ của tập đoàn này. Trước đó, Evergrande cũng thông báo rằng công ty không thể thực hiện nghĩa vụ bảo đảm bảo tài chính đối với số trái phiếu phát hành riêng lẻ có bảo đảm lên tới 260 triệu USD.

Dữ liệu cho thấy, số trái phiếu phát hành ra công chúng ở nước ngoài chưa thanh toán của Evergrande là 19,2 tỷ USD và trái phiếu trong nước là khoảng 8,4 tỷ USD. Tính đến tháng 6, tổng nợ phải trả của Evergrande đã vượt quá 300 tỷ USD.

Nhà kinh tế độc lập Củng Thắng Lợi (Gong Shengli) tại Bắc Kinh nói với Epoch Times vào ngày 7/12 rằng khoản nợ bằng USD của Evergrande được huy động thông qua thị trường vốn Hồng Kông đang đối mặt với các vụ vỡ nợ chéo và nó có thể bùng phát bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

Ông Củng Thắng Lợi nói, “Các cơ quan chức năng có thể kìm chế các khoản nợ của họ trong nước [không cho nó bị vỡ], nhưng các khoản nợ bằng USD thì không thể. Các khoản nợ bằng USD liên quan đến các nhà đầu tư lớn của Mỹ và sẽ rắc rối hơn để giải quyết. Họ có thể áp dụng nhiều biện pháp, chẳng hạn như thủ tục pháp lý để yêu cầu phải bán tài sản, v.v.” 

Ông còn chỉ ra, ĐCSTQ chú trọng duy trì ổn định, ở nước ngoài thì không có thuyết này, tức là họ sẽ làm theo hợp đồng pháp lý. 

Tối ngày 6/12, khi đợt phát hành trái phiếu ra công chúng đầu tiên bị vỡ nợ, Evergrande đã thông báo trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông rằng hội đồng quản trị của công ty đã quyết định thành lập “Ủy ban giảm thiểu rủi ro Tập đoàn China Evergrande” và ông Hứa Gia Ấn là chủ tịch của ủy ban này.

Giới quan sát nhận thấy rằng trong số các thành viên của Ủy ban giảm thiểu rủi ro, nhân sự của Evergrande chỉ chiếm hai ghế, đó là quản lý cấp cao của tập đoàn gồm ông Hứa Gia Ấn và ông Phan Đại Niên. Các thành viên còn lại là quản lý cấp cao và chuyên gia của các công ty khác như: Guangdong Holdings thuộc sở hữu nhà nước tỉnh Quảng Đông, Yuexiu Enterprises – doanh nghiệp thuộc thành phố Quảng Châu, China Cinda Asset Management – chuyên sâu vào lĩnh vực kinh doanh chính là tài sản kém hiệu quả, cho đến cơ quan trung gian chuyên nghiệp Guosen Securities thuộc sở hữu nhà nước và công ty luật chuyên nghiệp.

Ông Củng Thắng lợi cho rằng ủy ban này có cái tên mỹ miều là ủy ban là “giải quyết rủi ro“, nhưng trên thực tế, không có cách nào giải quyết được cuộc khủng hoảng phá sản của Evergrande. “Ủy ban hóa giải rủi ro thực ra chính là đang làm việc xử lý tài sản trước và sau phá sản của Evergrande, chẳng hạn như phá sản và tái cơ cấu, thay đổi sở hữu tài sản, v.v”.

Chuyên gia: Khủng hoảng Evergrande tác động đến 4.000 công ty ngân hàng

Theo dữ liệu được cung cấp bởi bà Uông Đào (Wang Tao), người đứng đầu Phòng Nghiên cứu Kinh tế Châu Á của ngân hàng UBS, trong một bài báo đăng trên chuyên mục tài chính của Sina vào ngày 15/10 năm nay, mức độ tín dụng tổng thể của ngành ngân hàng Trung Quốc đối với ngành bất động sản (bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp, nội bảng và ngoại bảng) có thể là từ 90.000 tỷ nhân dân tệ đến 102.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương với GDP một năm), tương đương 28% đến 32% tổng tài sản của ngành ngân hàng.

Theo Tiến sĩ Tạ Điền (Xie Tian), giảng dạy tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, nói rằng tỷ lệ các ngân hàng cho vay ngành bất động sản là quá lớn, nên khi khủng hoảng bất động sản thì sẽ dẫn đến khủng hoảng ngân hàng. “Bình thường mà nói, ngân hàng sẽ không lấy ⅓ tổng tài sản của mình để đặt cược vào một ngành nghề, nhưng Trung Quốc hiện tại lại quá phụ thuộc vào bất động sản. Trụ cột của toàn bộ nền kinh tế là bất động sản, nên tất cả đều là được xây dựng trên nền tảng bong bóng này.”

Để đối phó với cuộc khủng hoảng Evergrande, chính quyền ĐCSTQ luôn tuyên bố rằng trong tổng số nợ phải trả của Evergrande, các khoản nợ tài chính chưa đến ⅓, các chủ nợ tương đối phân tán, các tổ chức tài chính cá nhân riêng lẻ có mức độ rủi ro không lớn.

Vào ngày 3/12, khi Evergrande tuyên bố rằng họ có thể không cách nào trả được khoản nợ được đảm bảo 260 triệu USD, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc tuyên bố rằng sự kiện rủi ro của Evergrande sẽ không “có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến hoạt động bình thường của ngành ngân hàng và ngành bảo hiểm” của Trung Quốc; người phụ trách Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) nói rằng vụ vỡ nợ của Evergrande là rủi ro ngắn hạn đối với các công ty bất động sản cá biệt, điều này sẽ không ảnh hưởng đến chức năng tài chính trung và dài hạn thông thường của thị trường.

Ngày 8/12, nhà kinh tế học và kiểm toán cao cấp Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) hiện đang cư trú tại Mỹ nói với Epoch Times rằng bảng cân đối kế toán hiện tại của Evergrande cho thấy nợ trong và ngoài nước lên tới 1,97 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 305 tỷ USD), ảnh hưởng đến hàng trăm ngân hàng tại Trung Quốc Đại Lục.

“Hơn 110 ngân hàng lớn trong nước Trung Quốc về cơ bản có các khoản vay cho các công ty bất động sản như Evergrande. Quy mô của khoản vay này rất lớn. Nợ của ngành bất động sản Trung Quốc được công khai hiện đã vượt quá 50 nghìn tỷ nhân dân tệ, bằng khoảng 50% GDP của Trung Quốc.”

“Cuộc khủng hoảng Evergrande đầu tiên là ảnh hưởng đến các nhà phát triển bất động sản, và ảnh hưởng thứ hai là tác động đến hơn 4.000 công ty ngân hàng, bao gồm cả sáu ngân hàng quốc doanh lớn,” ông Lý Hằng Thanh nói.

Ông cho rằng hiện tại tình hình bất động sản Trung Quốc Đại Lục giống như trạng thái khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ năm 2008.

Phân tích: Người dân không tâm trọng mua nhà, lo lắng hiệu ứng tuyết lăn

Ông Lý Hằng Thanh nhấn mạnh, toàn bộ thị trường bất động sản Trung Quốc hiện nay cực kỳ yếu, bong bóng bất động sản quá lớn, hiện đang trong giai đoạn vỡ bong bóng, trong khi đó nền kinh tế đi xuống, ai cũng không có tâm trạng mua nhà.

“Khi khoản vay của những người sở hữu nhà này vượt quá giá trị căn nhà của họ, lựa chọn cuối cùng của mọi người là từ chối thanh toán khoản thế chấp, đó chính là cắt nguồn cung cấp.” Ông Lý Hằng Thanh cũng nhấn mạnh, “Khi đó thị trường bất động sản sẽ sụp đổ như một trận tuyết lở. Sau đó người gặp vận rủi sẽ là các ngân hàng cho vay bất động sản, và từng ngân hàng sẽ phá sản.”

Tiến sĩ Tạ Điền cho rằng cuộc khủng hoảng Evergrande có hiệu ứng quả cầu tuyết và kéo theo các cuộc khủng hoảng của các công ty bất động sản khác.

“Khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, người dân tiếp tục mua nhà, bong bóng bất động sản có thể tiếp tục duy trì. Giá nhà đất tiếp tục tăng, nhưng không quá nhanh, hơn nữa sẽ dần chững lại.” Ông nói với Epoch Times, “Nhưng nếu nền kinh tế không tốt, người dân ngừng mua nhà và doanh số bán hàng sụt giảm. Chính là khi tăng trưởng GDP trì trệ, bong bóng bất động sản sắp vỡ và các ngân hàng sẽ phá sản bất cứ lúc nào.”

Cùng với đó, các nhà phát triển bất động sản như Kaisa, China Aoyuan, Greenland Holdings, Baoneng, Sunac, R&F, Zhengshang và Sunshine City Group liên tiếp xuất hiện vấn đề nợ.

Ông Củng Thắng Lợi chỉ ra, nếu ĐCSTQ xử lý không thỏa đáng sự kiện của Evergrande, “vậy thì cơn sóng thần sẽ sẽ ập đến mà không còn nghi ngờ gì nữa”.

Chuyên gia: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tỷ lệ dự trữ bắt buộc như muối bỏ bể, khó cứu thị trường

Vào ngày 6/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các tổ chức tài chính xuống 0,5 điểm phần trăm vào ngày 15/12 năm 2021, để “hỗ trợ sự phát triển của các thực thể kinh tế và thúc đẩy giảm ổn định các chi phí tài chính một cách tổng hợp”.

Ông Lý Hằng Thanh cho rằng, “Khi ngành bất động sản đang đối mặt với sự sụp đổ và các ngân hàng không sẵn sàng cho ngành bất động sản vay tiền, ĐCSTQ muốn giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tăng tính thanh khoản mà các ngân hàng có thể cho vay. Động thái này nhằm ổn định tinh thần của ngân hàng và thị trường bất động sản. Nhưng thông qua việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và việc ‘bơm’ thêm 1.200 tỷ nhân dân tệ vào thị trường, thực tế như muối bỏ bể, và cơ bản không có quá nhiều khả năng có thể cứu vãn được thị trường bất động sản Đại Lục hiện nay.”

“Ngành bất động sản Trung Quốc đã đi vào ngõ cụt. Hiện tại trừ phi có thể ổn định thị trường bất động sản và ổn định giá nhà, nếu không thì ĐCSTQ chắc chắn sẽ gặp rắc rối,” ông Lý Hằng Thanh nói.

Theo Lý Lâm Thanh, Epoch Times

Xem thêm: