Vì số liệu kinh tế do nhà nước Trung Quốc công bố luôn bị nghi ngờ là không thực, nên làm dấy lên những thắc mắc về tình hình kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Gần đây, có chuyên gia phân tích chuyên sâu cho biết, mô hình kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc khởi động đã không còn hiệu quả. Kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với rủi ro cao, đầu tư bị bóp méo, tiếng chuông báo động đã vang lên trên khắp các lĩnh vực.

shutterstock 380330914
(Ảnh: Shutterstock)

Trang web Markets Insider hôm 29/11 đã đăng một bài phân tích nghi ngờ sự hợp lý hóa số liệu tăng trưởng kinh tế được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chính thức công bố, mức tăng trưởng thực tế thấp hơn rất nhiều. Xu thế tăng trưởng kinh tế cả năm của Trung Quốc có khả năng chỉ đạt 3,5%; nếu nói số liệu tăng trưởng GDP năm 2018 được chính thức công bố là 6,6%, vậy thì thực tế có thể chỉ đạt 4%.

Từ phương diện ảnh hưởng kinh tế toàn cầu mà xét, bài viết cho rằng vì các nhà máy sản xuất của nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc và chuyển sang các thị trường mới nổi, có thể sẽ khiến các thị trường này phát triển nhanh hơn, bù đắp được sự chững lại của kinh tế Trung Quốc. Do đó, sự chững lại của kinh tế Trung Quốc cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến nền kinh tế toàn cầu.

Mô hình kiểm soát kinh tế của ĐCSTQ đã không hiệu quả

Bài viết phân tích thêm, mô hình phát triển kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc khởi động đã cho thấy được hiệu quả vào thời kỳ đầu, nhưng hiện tại kinh tế Trung Quốc trở nên phức tạp, tăng trưởng kinh tế dựa vào doanh nghiệp tư nhân, cho nên mô hình đó không còn hiệu quả nữa. Ví dụ, hệ thống quyền tài sản của Trung Quốc có ranh giới không rõ ràng giữa các lĩnh vực công cộng và tư nhân, cản trở sự hội nhập của Trung Quốc vào hệ thống kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc quá cao, năm 2018 chiếm 45% GDP, cao hơn 25% đối với các nước có thể so sánh, điều này sẽ khiến cho thu nhập bình quân đầu người thấp, bởi vì những đầu tư này thường tồn tại tình trạng bị bóp méo.

Nợ lớn, rủi ro tài chính gia tăng

Bài viết còn nhắc đến Trung Quốc khó có thể loại bỏ trái phiếu doanh nghiệp khổng lồ. Trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc đứng đầu thế giới về tỷ trọng GDP, hậu quả của nó là tăng trưởng kinh tế chững lại đồng nghĩa rủi ro tăng cao khi tài chính không ổn định. Số liệu của Bloomberg News cho thấy, nợ doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2018 đã tăng 165% so với GDP, đạt mức cao lịch sử.

Ngày 29/11, Bloomberg đăng bài phân tích cho biết, tiếng chuông cảnh báo tài chính Trung Quốc đã lan tới tất cả các lĩnh vực, mức nợ cao, tỷ lệ vi phạm hợp đồng tăng cao, làn sóng rút tiền mặt tại các ngân hàng nhỏ, v.v, đang đe dọa đến tính ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV, ông Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs châu Á Thái Bình Dương cho biết, vấn đề hóc búa nhất của kinh tế Trung Quốc hiện nay chính là tình trạng ngày càng tồi tệ của các ngân hàng nhỏ và doanh nghiệp quốc hữu. Ví dụ, công ty quốc hữu Tập đoàn Vật liệu Thiên Tân (Tewoo Group) của Trung Quốc trong tuần này đã tuyên bố tái cơ cấu nợ, làm dấy lên nhiều lo lắng về tình trạng bất ổn tài chính của Thành phố Thiên Tân. Được biết số tiền nợ bằng đồng Đô la Mỹ mà Tewoo Group chưa trả được lên đến 1,55 tỷ USD, trong đó 300 triệu USD sẽ đáo hạn vào giữa tháng 12.

Andrew Tilton nói, ngân hàng cỡ nhỏ của Trung Quốc gần đây cũng gây ra lo lắng trên diện rộng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 25/11 đã công bố “Báo cáo Ổn định tài chính Trung Quốc năm 2019”, trong đó có nói, 586 ngân hàng vừa và nhỏ đang có rủi ro cao. Tháng Năm năm nay, Ngân hàng Baoshang ở Nội Mông bị cơ quan tài chính của Chính phủ tiếp quản (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ủy ban Quản lý Giám sát Bảo hiểm Ngân hàng Trung Quốc), sự kiện này đã khiến cho lòng tin của người gửi tiền bị giảm, liên tiếp xuất hiện làn sóng rút tiền mặt tại các ngân hàng như Ngân hàng Duyên Hải Dinh Khẩu (Yingkou Coastal Bank), Ngân hàng Cẩm Châu.

Trí Đạt

Xem thêm: