Không hài lòng với những chỉ trích của Canada về việc chính quyền Bắc Kinh đàn áp các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, các quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liên tục tấn công sự kiện về các di thể trong các trường nội trú của thổ dân Canada.

Gần đây, ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của “Thời báo Hoàn Cầu”, kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, đã đăng tải công khai những bức tranh biếm họa, chế nhạo Thủ tướng Canada Justin Trudeau trên mạng xã hội. Một số chuyên gia chỉ ra rằng kiểu ngoại giao này là phong cách chiến lang ấu trĩ, không có bất kỳ tác dụng nào.

Ông Hồ Tích Tiến đã đăng một bức tranh biếm họa trên Twitter, mô tả thủ tướng Trudeau ở một nghĩa địa, với những con kền kền đang bay lượn. Ông ngồi trên một đống đầu lâu và nói: “Chúng tôi đã cướp đất của các bạn, giết người của các bạn và chôn cất con cái của các bạn. Chúng ta hãy hòa giải thôi.” Ông Hồ Tích Tiến đã viết bằng tiếng Anh trong bài đăng của mình rằng: “Người này là ai? Ông ấy không lo lắng về việc những người thổ dân sẽ nhổ vào mặt mình sao?”

Ông Lý Dương, Tổng lãnh sự Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Rio de Janeiro, Brazil, cũng đã tweet một bức tranh biếm họa tương tự và nói: “Ông có nghĩ thứ hòa giải của ông có đáng để khoe khoang hay không?!”

Tháng Ba năm nay, ông Lý Dương từng nhục mạ thủ tướng Trudeau trên Twitter rằng: “Con chó của Mỹ”, “Bại gia chi tử (đứa con hoang đàng)”.

Ông Liệt Quốc Viễn, chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Lịch sử Canada, người có nghiên cứu sâu về lịch sử Canada và Trung Quốc, cho rằng cách xúc phạm thủ tướng Trudeau và Canada này là rất tệ, căn bản là không phân rõ trắng đen, điên đảo thị phi.

Ông nói: “Canada đã dành 6 năm để phỏng vấn 6.500 nhân chứng trên khắp đất nước. Họ đã tiến hành một cuộc điều tra rất sâu về lịch sử bi thảm và tác hại của hệ thống trường nội trú của thổ dân vào thời điểm đó, và tiến hành giáo dục người dân. Còn Chính phủ Trung Quốc thì sao? Họ vẫn đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trên quy mô lớn và Bắc Kinh còn phủ nhận điều đó.”

Ông Liệt Quốc Viễn nói rằng một bên là chính phủ sẵn sàng chịu trách nhiệm về lịch sử. Bên kia, chính phủ lại không sẵn lòng phản tỉnh, thậm chí còn cắn người khác. Làm sao có thể so sánh họ trên cùng một cấp độ?

Ông David Mulroney, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc, nói nếu mọi người tin rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) và Canada giống nhau về mặt đạo đức, thì đó sẽ là một chiến thắng to lớn cho Bắc Kinh.

Ông Thẩm Vinh Khâm, phó giáo sư tại Đại học York, Canada, nói rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng phá vỡ nội bộ của Canada thông qua chiến thuật này. Trong khi ĐCSTQ lại phớt lờ các vấn đề của chính mình.

Ông nói: “Đây là một cách để Trung Quốc (ĐCSTQ) chia rẽ Canada. Ở một mức độ nhất định, nó có thể phục vụ cho những người không hài lòng với Thủ tướng tại Canada. Mặt khác, mục đích thực sự của ĐCSTQ là chuyển dịch sự chú ý, khiến mọi người phớt lờ những hành động tàn bạo mà Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây ra ở Tân Cương. Bất cứ ai so sánh hai điều này với nhau đều bỏ qua sự khác biệt về bản chất giữa chúng.”

Các nhà ngoại giao Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang biểu diễn vũ điệu “ngoại giao chiến lang” trên Twitter. Ví dụ, năm ngoái, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đăng lại bức ảnh một người lính Úc đang cắt cổ một đứa trẻ Afghanistan bằng một con dao.

Cách đây vài ngày, một bức tranh châm biếm đã được đăng tải, chỉ trích Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra biển. Ông Trương Hòa Thanh, Tham tán Văn hóa Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Pakistan, đã đăng một bức ảnh “giơ ngón giữa” lên Twitter. Trên đó có nội dung: “Với kẻ thù, chúng ta chính là những chiến lang.”

Ông Thẩm Vinh Khâm chỉ ra rằng phong cách sói chiến này rất ấu trĩ. Nó dường như không có tác dụng gì, ngoại việc hạ thấp đất nước của chính họ. Ông nói rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) không có cách nào để trừng phạt Canada một cách hiệu quả. Mặc dù Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn thứ hai của Canada nhưng chỉ chiếm 4%. Hơn nữa, lương thực của Trung Quốc không đủ, họ vẫn cần ngũ cốc và thịt của Canada. Rõ ràng, Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ có thể phàn nàn trên mạng xã hội mà thôi.

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA)

Xem thêm: