Ban Công tác Pháp lý của Ban Thường vụ Nhân đại ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã công bố nội dung của “Dự thảo Luật An ninh Quốc gia của Khu vực Hồng Kông”, trong đó quy định rõ 4 loại tội trạng gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Ngoài ra, khi công dân Hồng Kông tranh cử hoặc đảm nhận chức vụ công thì cần phải ký cam kết công nhận hoặc tuyên thệ ủng hộ Luật cơ bản Hồng Kông của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và trung thành với Chính phủ Hồng Kông. Vấn đề này được nghị sĩ Dương Nhạc Kiều (Alvin Yeung) của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông hình dung là Bắc Kinh đã dùng quyền lực của họ như lưỡi kiếm cắm thẳng vào bộ máy tư pháp và hành chính của Hồng Kông.

p2551382a79461671
Nội dung của “Dự thảo Luật An ninh Quốc gia Khu vực Hồng Kông” quy định rõ bốn loại tội phạm và hình phạt gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. (Nguồn: Zhou Xiuwen / Vision Times tiếng Trung).

Bắc Kinh sẽ thành lập Cơ quan An ninh Quốc gia tại Hồng Kông

Theo Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tổ chức một cuộc họp từ ngày 18 – 20/6, đến khuya ngày 20/6, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đã công bố “Người đứng đầu Ban Công tác Pháp chế đã có bản tường trình với Ban Thường vụ Nhân đại khóa 13 về cuộc họp lần thứ 19 liên quan đến (Dự thảo) Luật An ninh quốc gia bảo vệ Đặc khu hành chính Hồng Kông nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Theo bản tường trình này, “Luật An ninh quốc gia Khu vực Hồng Kông” có tổng cộng 6 chương và 66 điều; bao gồm quy định chung, cơ cấu tổ chức và trách nhiệm, thẩm quyền xét xử án kiện, tội trạng và hình phạt, trình tự áp dụng luật, cơ cấu thường trú của chính quyền trung ương tại Hồng Kông nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, và các điều khoản bổ sung… liên quan đến An ninh Quốc gia tại Đặc khu hành chính Hồng Kông.

Nội dung của Dự thảo quy định rằng Chính phủ trung ương Bắc Kinh cần thành lập “Văn phòng Chính phủ bảo vệ an ninh quốc gia tại Hồng Kông” trú ở Hồng Kông. Chức năng của tổ chức này nhằm phân tích và đánh giá tình hình an ninh quốc gia tại Hồng Kông, qua đó đề xuất ý kiến ​​và kiến nghị về các chiến lược và chính sách quan trọng của an ninh quốc gia. Văn phòng cũng phụ trách giám sát, hướng dẫn, phối hợp và thu thập phân tích thông tin tình báo an ninh quốc gia.

Truyền thông Hồng Kông có chỉ ra rằng đây sẽ là tổ chức thứ 4 của Bắc Kinh thường trú tại Hồng Kông sau Văn phòng Liên lạc Trung ương, Quân đội đồn trú, và Văn phòng Đặc phái viên Bộ Ngoại giao ĐCSTQ ở Hồng Kông.

Tường trình này đặc biệt nhấn mạnh “Cơ quan an ninh quốc gia thường trú ở Hồng Kông” và các cơ quan nhà nước có liên quan thực thi quyền tài phán đối với một số lượng rất nhỏ các tội phạm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia trong “hoàn cảnh đặc biệt”, là thể hiện quan trọng quyền quản trị toàn diện của chính quyền trung ương, tăng cường thực thi pháp luật và công tác tư pháp của Hồng Kông trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, tránh các tình huống có thể xảy ra hoặc dẫn đến tình trạng khẩn cấp được quy định tại Khoản 4 Điều 18 của Luật cơ bản.

Dự thảo không cấm các thẩm phán nước ngoài xét xử các vụ án về luật an ninh quốc gia, nhưng quy định rằng Đặc khu Trưởng Hồng Kông chỉ định thẩm phán xử lý các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, như vậy đã phá bỏ truyền thống quyền chỉ định thẩm phán xét xử là do Chánh án Tòa án phúc thẩm cuối cùng (Court of Final Appeal). 

Về mặt thực thi cụ thể, Dự thảo cũng quy định rõ ràng rằng Hồng Kông cần thành lập “Ủy ban an ninh quốc gia” để chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh quốc gia của Hồng Kông và cũng chịu trách nhiệm chính cho an ninh quốc gia. Tiếp đó sẽ bố trí cố vấn an ninh quốc gia do Trung ương Bắc Kinh chỉ định.

Ủy ban An ninh quốc gia” do Đặc khu Trưởng điều hành, các thành viên bao gồm Tổng thư ký Hành chính, Bộ trưởng Tư pháp, Bộ  trưởng Tài chính, Bộ trưởng An ninh, Cảnh sát trưởng, Trưởng An ninh quốc gia của Sở Cảnh sát, Chánh văn phòng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Chủ nhiệm Văn phòng Đặc khu Trưởng và Giám đốc hải quan.

Nhiệm vụ của “Ủy ban An ninh Quốc gia” bao gồm phân tích và đánh giá việc duy trì an ninh quốc gia của Hồng Kông, hoạch định các công việc liên quan và xây dựng các chính sách liên quan, thúc đẩy xây dựng hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi liên quan, điều phối các công việc quan trọng liên quan.

Ngoài ra, Sở cảnh sát sẽ thành lập bộ phận bảo vệ an ninh quốc gia, được trang bị lực lượng thực thi pháp luật; Bộ Tư pháp cũng sẽ thành lập bộ phận công tố đặc biệt chuyên trách các vụ án an ninh quốc gia.

Trong Điều khoản bổ sung của Dự thảo quy định: Nếu luật pháp địa phương của Hồng Kông không phù hợp với Luật này, sẽ áp dụng theo quy định của Luật này; quyền giải thích Luật An ninh quốc gia Khu vực Hồng Kông sẽ thuộc về Ban thường vụ Nhân đại toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc).

 

“Hồng Kông bị bắt làm con tin!”

Theo tổng hợp của Nhật báo Apple Hồng Kông, chính khách Chu Khải Dịch (Eddie Chu) thuộc phe dân chủ Hồng Kông cho rằng Bắc Kinh cố tình tránh trình bày chi tiết Luật An ninh Quốc gia, đã sử dụng “Luật An ninh Quốc gia” như một con bài mặc cả để ĐCSTQ thương lượng với Mỹ, dùng cách này như cái cớ để hy vọng kiếm được lợi ích tốt nhất, xem như “Hồng Kông bị ĐCSTQ bắt làm con tin”. Thậm chí ông đã chỉ trích Bắc Kinh không thèm quan tâm tác động của dự luật này đối với người dân Hồng Kông cũng như phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Còn nhà bình luận thời sự Lâm Hòa Lập (Willy Wo-Lap Lam) tin rằng hiển nhiên Mỹ và Trung Quốc sẽ không dễ đồng thuận về điểm có thể thương lượng ngã giá trong Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, bản thân Trung Quốc khó có điểm nào để nhượng bộ, vì đây là đạo luật rất phức tạp nên chi tiết có thể cần được nghiên cứu thêm.

Một nhận định khác từ ông Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah) trợ lý giáo sư tại Khoa Khoa học Xã hội Ứng dụng của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho biết, có thể nội bộ Bắc Kinh còn bất đồng về các chi tiết của Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, hoặc có thể vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết nên chi tiết về các điều khoản chưa được công bố. Ông chỉ ra rằng Bắc Kinh đã không quan tâm đến tâm tình của người dân Hồng Kông, việc trì hoãn công bố các điều khoản không liên quan gì đến vấn đề lo lắng dư luận chống đối, cho dù sau khi công bố các điều khoản bị làn sóng phản kháng thì nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ lại đàn áp bằng các biện pháp cứng rắn.

 

“Như thanh kiếm đâm thẳng vào nền tư pháp Hồng Kông”

Theo báo cáo của Đài Á Châu Tự Do (RFA), chương thứ ba của Dự thảo liên quan đến các tội trạng và hình thức chế tài có tổng cộng 6 mục, liên quan đến cấu thành cụ thể 4 loại tội cùng trách nhiệm hình sự tương ứng cũng như các quy định hình phạt khác và phạm vi hiệu lực được xác định rõ ràng; đó là tội danh ly khai đất nước, hoạt động khủng bố, lật đổ quyền lực nhà nước, thông đồng với các thế lực nước ngoài hoặc để nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Theo tiết lộ của ông Đàm Diệu Tôn (Tam Yiu-chung), Ủy viên Ban Thường vụ Nhân đại ĐCSTQ, về các hình phạt trong Dự thảo luật về Hồng Kông này thì tội nhẹ cũng có thể bị kết án tối đa 3 năm, còn những tội nghiêm trọng hơn có thể bị kết án từ 5 đến 7 năm.

Dự thảo đề xuất rằng bảo vệ an ninh quốc gia cần tôn trọng và bảo đảm quyền con người và bảo vệ người Hồng Kông theo Luật cơ bản và các quy định liên quan của “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (DOC), “Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị” áp dụng cho Hồng Kông (ICCPR) liên quan đến các vấn đề như tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, hội họp, biểu tình…

Tuy nhiên, ông Dương Nhạc Kiều (Alvin Yeung) của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông chỉ trích Bắc Kinh đã chèn quyền lực của mình như một thanh kiếm đâm thẳng vào bộ máy tư pháp và hành chính của Hồng Kông. Ông chỉ rõ việc Đặc khu Trưởng có quyền lựa chọn thẩm phán là vấn đề chưa từng xảy ra ở Hồng Kông; trước đây các cơ quan hành chính không thể “nhúng tay” vào bộ máy tư pháp, như vậy là trái với sự độc lập tư pháp, cũng không có tiêu chuẩn nào để lựa chọn [thẩm phán]; dễ dàng xảy ra trường hợp nếu phán quyết của tòa không được lòng cơ quan hành chính thì có thể bị bãi bỏ, cách làm kiểu vô nguyên tắc như vậy là rất đáng ngại. Ông cũng lo lắng nhiều vấn đề khác như: Ủy ban An ninh Quốc gia do Chính phủ thành lập có nằm dưới sự giám sát của Hội đồng Lập pháp? Cố vấn do chính quyền trung ương chỉ định có giống như Bí thư Đảng ủy, như vai trò của ‘Thái thượng hoàng’; việc Ủy ban An ninh Quốc gia có quyền hạn lớn có khả năng ảnh hưởng đến việc thực thi và truy tố pháp luật là trái với nguyên tắc “một nước, hai chế độ” và tam quyền phân lập; liên quan đến việc chính quyền trung ương có thể thực thi quyền tài phán, ông mô tả nó là “cái đuôi lòi ra”, không quan tâm về các tiêu chuẩn khách quan, không cân nhắc vấn đề khả năng bị cáo có chỗ để kháng cáo và bảo vệ nhân quyền hay không.

Hứa Thiên Nhạc

Xem thêm: