Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không ngừng gây rối eo biển Đài Loan, cộng đồng quốc tế lo ngại nhà cầm quyền này có thể phát động quân sự thôn tính Đài Loan. Chuyên gia Mỹ gốc Hoa là ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu) có bài  phân tích chỉ ra đây là “cuộc chiến giả” của ĐCSTQ.

p3038481a38708093
Hình ảnh tập trận của hải quân ĐCSTQ (Nguồn: Bộ Quốc phòng New Zealand).

Ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu) từng là cố vấn về chính sách Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ và là Chủ nhiệm Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hoover (Mỹ). Bài viết chỉ ra vấn đề “cuộc chiến giả” của ĐCSTQ chống lại Đài Loan và ý định thực sự của họ gần đây được ông công bố trên tờ báo tiếng Anh Taibei Times của Đài Loan.

Bài viết chỉ ra rằng “Sự khiêu khích liên tục của ĐCSTQ và tạo ra làn sóng quan tâm quốc tế ở eo biển Đài Loan trên thực tế là “con bài” nhắm vào Mỹ – nước lãnh đạo các nền dân chủ tư bản trên thế giới”. “Tất cả các cuộc khủng hoảng lớn tại eo biển Đài Loan do ĐCSTQ kích động để đẩy mạnh chiến lược lớn đối với Mỹ”.

Ông ví dụ về một số cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan trong lịch sử. Sớm nhất là thời Mao Trạch Đông, khi đó để phản đối cuộc đổ bộ của Thủy quân lục chiến Mỹ vào Liban, và chống lại “chủ nghĩa xét lại chủ nghĩa Marx”“chủ nghĩa đầu hàng phản cách mạng” của nhà lãnh đạo Liên Xô cũ Nikita Khrushchev chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ và các hành động của Mỹ ở Trung Đông, tháng 8/1958 ông Mao Trạch Đông mở trận pháo kích nặng nề vào Kim Môn và Mã Tổ của Đài Loan – động thái khi đó như đưa thế giới đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân do cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan.

Nhưng bác sĩ riêng của Mao là Lý Chí Tuy (Li Zhisui) đã viết trong hồi ký rằng “Đây là lời thách thức của Mao đối với nỗ lực của Khrushchev nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Liên Xô và Mỹ… Đối với Mao, vụ pháo kích vào Kim Môn và Mã Tổ chỉ là một màn trình diễn, một trò chơi để làm cho Khrushchev và Eisenhower hiểu rõ rằng họ không thể ràng buộc ĐCSTQ, qua đó phá hoại hành trình tìm kiếm hòa bình mới của Khrushchev. Màn diễn chính trị đó là canh bạc đáng sợ khiến thế giới phải đối mặt với mối đe dọa của một cuộc chiến nguyên tử cùng đùa giỡn với sinh mạng của hàng triệu người Trung Quốc vô tội”.

Trường hợp khác là thời kỳ năm 1995 – 1996, ĐCSTQ một lần nữa phóng tên lửa gần Đài Loan để tạo ra một cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan khác. Ông Dư Mậu Xuân nhận định rằng động thái nhằm hăm dọa người Đài Loan nhưng chủ yếu cũng là thể hiện trước Mỹ. Sau vụ việc, Tổng bí thư ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân đã công khai khoe khoang, “Về vấn đề Đài Loan, hai cuộc tập trận quân sự của chúng tôi ở eo biển Đài Loan đã gây chấn động trong và ngoài Chính phủ Mỹ”.

p2727571a535248866
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và ông là Dư Mậu Xuân – cố vấn hàng đầu về Trung Quốc (Nguồn: Bộ Ngoại giao Mỹ)

Ông Dư Mậu Xuân nói rằng cho đến ngày nay thủ đoạn đó của ĐCSTQ vẫn được tiếp tục, “Mục đích của họ là tối đa hóa căng thẳng ở eo biển Đài Loan nhằm gây sức ép khiến giới lãnh đạo Mỹ… hợp tác với họ theo các điều kiện [tốt nhất có thể] của họ. Những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm làm nản chí Mỹ trong quyết tâm ủng hộ Đài Loan yêu tự do, có chủ quyền và dân chủ, qua đó dần làm suy yếu uy tín và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ”.

Chuyên gia vấn đề Trung Quốc gốc Hoa này giải thích rằng ĐCSTQ tôn vinh hệ tư tưởng Marx-Lenin. Tất cả các nhà lãnh đạo ĐCSTQ từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình đều cam kết “hiện thực hóa tầm nhìn lật đổ chủ nghĩa tư bản toàn cầu”. Trong khi Mỹ là nhà lãnh đạo toàn cầu của hệ thống tư bản, nên chỉ riêng về điều này đã khiến ĐCSTQ luôn xem Mỹ là kẻ thù số một. Trong bối cảnh này thì ĐCSTQ càng không thể chấp nhận được thực tế Mỹ coi Đài Loan là đồng minh và đối tác.

Học giả gốc Hoa này cho rằng ĐCSTQ không ngừng tạo “cuộc chiến giả” nhắm vào Đài Loan là từ ảo tưởng về một đối thủ tưởng tượng. Trong “cuộc chiến giả” này, nhiều tiền đề ảo tưởng của ĐCSTQ là hoàn toàn không có căn cứ. Ví dụ, Đài Loan chưa bao giờ là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Kể từ năm 1949 khi ĐCSTQ kiểm soát Đại Lục, chưa từng thời khắc nào có một tấc đất nào của Đài Loan nằm dưới quyền tài phán hành chính hoặc quyền kiểm soát chủ quyền của ĐCSTQ.

Về cái gọi là “phần tử Đài Loan độc lập” mà ĐCSTQ không ngừng chỉ trích, ông Dư Mậu Xuân cho rằng đây chỉ là việc chính quyền Bắc Kinh chuyển trọng tâm chú ý [có lợi cho họ], hiện không có nhân vật chính trị chính thống nào ở Đài Loan nỗ lực cho cái gọi là “độc lập” [vì Đài Loan chưa bao giờ thuộc về ĐCSTQ]. Tất cả các nhà lãnh đạo chính trị ở Đài Loan ngày nay, cho dù đó là thuộc Đảng Dân tiến hay Quốc dân, đều nỗ lực bảo đảm hiện trạng [tài phán của Đài Loan vẫn có xưa nay trước ĐCSTQ].

Ông Dư Mậu Xuân cũng chỉ ra, do những động thái thiếu nhất quán kiểu chủ nghĩa cơ hội của ĐCSTQ nên “cuộc chiến giả” của ĐCSTQ chống lại Đài Loan chủ yếu mang đậm tính chất lừa mị đánh lạc hướng đối phương, nỗ lực tạo ra một cảm giác về vấn đề nực cười hoàn toàn không có thực là “trả lại lãnh thổ đã mất cho chủ sở hữu hợp pháp”.

Thực tế cho thấy, chế độ ĐCSTQ vẫn bất cẩn và tùy biến theo cơ hội trong vấn đề lãnh thổ thực tế của Trung Quốc. Có thể thấy điều này bằng cách so sánh bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1949 khi ĐCSTQ lên nắm quyền tại Đại Lục với bản đồ hiện nay.

Kể từ năm 1949, chính quyền Bắc Kinh đã sẵn sàng nhượng lãnh thổ Trung Quốc cho các nước như Liên Xô, Mông Cổ và Miến Điện, những diện tích lãnh thổ này cộng lại có diện tích lớn hơn Đài Loan hàng chục lần. “Nếu vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc là mối quan tâm hàng đầu của ĐCSTQ, thì họ sẽ không bao giờ để như vậy”, ông Dư Mậu Xuân nhận định.

ĐCSTQ tuyên bố xằng việc chiếm đóng Đài Loan là “nguyên tắc”, phản đối áp dụng nguyên tắc “một Trung Quốc, một Đài Loan” như giải pháp trong tranh chấp xuyên eo biển, nhưng vào năm 1992 ĐCSTQ đã công nhận chính sách “một Bình Nhưỡng, một Seoul” của Hàn Quốc, cũng như trước đây có các hoạt động đối ngoại thừa nhận sự tồn tại độc lập của Tây Đức với Đông Đức. Chuyên gia gốc Hoa này chỉ ra những động thái rõ ràng cho thấy hoạt động đối ngoại của ĐCSTQ chỉ theo chủ nghĩa cơ hội chứ không có nguyên tắc gì cả.