Hôm 25/10, trên Facebook của ông Akio Yaita – Giám đốc chi nhánh Đài Bắc tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản) – đã phân tích tình hình ở eo biển Đài Loan sau Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

57f3dd4fb27e58decca85aba109a8a28
Ông Tập Cận Bình tại Đại hội 20 của ĐCSTQ (Ảnh: Cắt từ video trực tiếp của CCTV)

Đại hội 20 của ĐCSTQ mới kết thúc, ngoài vấn đề phe Đoàn Thanh niên do cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào đứng đầu bị ‘quét sạch’ thì ông Tập Cận Bình còn lập ‘kỳ tích’ khi có lần thứ 3 làm Tổng Bí thư. Về vấn đề Đài Loan, ông Tập nhấn mạnh “không bao giờ hứa từ bỏ vũ lực”…

Chuyên gia truyền thông Akio Yaita đã đăng phân tích trên Facebook: “Sau Đại hội 20 khi ông Tập Cận Bình loại bỏ hết phe cải cách và những người thuộc xu hướng ôn hòa trong ứng xử quốc tế, thì cuộc chiến ở eo biển Đài Loan đã trở thành cuộc chiến của cá nhân ông Tập Cận Bình. Việc dùng vũ lực quân sự với Đài Loan chỉ còn phụ thuộc tâm trạng của ông Tập, và tâm trạng này khó có thể lường được”.

Lấy tuyên bố của ông Tổng thống Nga Putin về cuộc xâm lược Ukraine làm ví dụ, ông Akio Yaita cho rằng ngay cả khi đó là “một cuộc chiến hứa hẹn thảm bại”, thì nhà độc tài trong sự vây quanh của nhóm nô tài xu nịnh luôn chỉ có thể đưa ra những đánh giá sai lầm nghiêm trọng về chiến lược.

Chuyên gia Nhật Bản này đã tổng kết vấn đề ĐCSTQ xâm lược Đài Loan trong 12 từ: “Động lực mạnh mẽ, năng lực không đủ, hậu quả nghiêm trọng”. Ông phân tích rằng trong 70 năm kể từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền Trung Quốc và hai bờ eo biển tách biệt về thể chế, thì ĐCSTQ đã có nhiều đánh giá tính toán trong việc xâm chiếm đảo Đài Loan, tuy nhiên vì họ nhận thức được “lợi bất cập hại” nên dẫn đến việc cho đến nay không sử dụng vũ lực.

Ông nói thêm rằng “tình hình đó sẽ không thay đổi nhiều” trong 5 – 10 năm tới trước khi ông Tập Cận Bình bước sang tuổi 80.

Về chiến lược quân sự thống nhất Đài Loan của ĐCSTQ, chuyên gia Akio Yaita cho rằng ý tưởng của ông Tập phải là “đánh nhanh thắng nhanh”. Nhưng xét về sức mạnh quân sự của ĐCSTQ, vấn đề muốn trong thời gian ngắn đưa được hàng trăm ngàn quân qua eo biển Đài Loan đồng thời lại chịu chống trả quyết liệt từ quân đội Đài Loan, thì khả năng đổ bộ lên bãi biển thành công là rất khó.

Ngay cả khi một bộ phận nhỏ đổ bộ lên bãi biển thành công, thì cũng còn đó vấn đề nghiêm trọng về tiếp viện. Ngoài ra, khả năng không nhỏ là ĐCSTQ phải hứng chịu khốn đốn về kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến bị trì hoãn thành cuộc chiến kéo dài và các biện pháp ngừng mọi hoạt động giao thương từ nhiều nước.

Ông Akio Yaita cũng cảnh báo rằng trong bối cảnh hiện nay, Đài Loan cần nỗ lực tránh “biểu hiện nhạy cảm” có thể khiến ông Tập Cận Bình gây chiến. Ông đề cập rằng một số người ở Đài Loan hiện đang kêu gọi thỏa hiệp với ĐCSTQ, hô vang khẩu hiệu “yêu hòa bình và phản đối chiến tranh”…. Đó là động thái nguy hiểm rất có thể “khiến ông Tập Cận Bình đưa ra những đánh giá sai lầm về mặt chiến lược”.

Theo ông, điều Đài Loan cần làm bây giờ là bày tỏ với cộng đồng quốc tế và ĐCSTQ ý chí rõ ràng ‘không bao giờ nhượng bộ’, vừa để giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế lại đồng thời cho ông Tập biết những rủi ro và chi phí khi tấn công Đài Loan.

Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), ngày 26/10 Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu (Ngô Chiêu Nhiếp) đã chỉ ra trong báo cáo về ngoại giao trước Viện Lập pháp rằng hiện tại, trong việc đối ngoại Đài Loan gặp phải 3 thách thức chính: Sức ép gia tăng từ ĐCSTQ, xu thế dân chủ bị đe dọa trước xu thế độc tài, và vấn đề toàn cầu tổng hợp nhiều thách thức phức tạp đan xen lẫn nhau.

Báo cáo dự đoán rằng sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, các mối đe dọa an ninh và áp lực ngoại giao đối với Đài Loan sẽ chỉ gia tăng, và Đài Loan có thể phải đối mặt với nhiều áp lực từ ĐCSTQ hơn trước.

Ngoài ra, ông Joseph Wu cũng đề cập rằng sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, cộng đồng quốc tế cũng cảnh giác hơn về nhà cầm quyền này. Tình hình này cũng là cơ hội để Đài Loan thiết lập mối quan hệ bạn bè quốc tế, Đài Loan cần tận dụng thời cơ này mở rộng thêm xu thế quan hệ quốc tế hỗ trợ Đài Loan.