Theo một nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc từng đóng góp trong việc ngăn chặn đợt bùng phát virus SARS lần thứ hai vào năm 2004, phương pháp tiếp cận “không khoan nhượng” với COVID-19 của Bắc Kinh sẽ không thành công vì virus corona chủng mới này đã hoàn toàn thích nghi với con người và không thể bị loại bỏ.

Embed from Getty Images

Guan Yi, giám đốc Phòng thí nghiệm nhà nước về các bệnh truyền nhiễm mới tại Đại học Sán Đầu ở miền nam Trung Quốc, đã nói với Phoenix TV trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào thứ Hai rằng, Trung Quốc nên tập trung vào việc xây dựng lá chắn bảo vệ trước dịch bệnh bằng vắc-xin và nên kiểm tra mức độ miễn dịch của người dân sau khi tiêm phòng.

Trung Quốc đại lục đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường sau khi tiêm chủng cho gần 80% trong tổng số 1,4 tỷ dân, cũng như bắt đầu tiêm phòng cho trẻ em.

Tuy nhiên, nước này đang phải vật lộn với những đợt bùng phát lẻ tẻ. Đợt bùng phát mới nhất đã lan ra ít nhất 20 tỉnh thành và khu vực.

“Chính quyền địa phương đang áp dụng chính sách ‘không khoan nhượng’ đối với những trường hợp rải rác này”, ông Guan nói với Phoenix TV. “Nhưng nếu cứ tiếp tục vậy, tôi nghĩ nền kinh tế của chúng ta sẽ sụp đổ… Tôi nghĩ nếu chúng ta đặt mục tiêu loại bỏ tất cả các ca nhiễm, điều đó không thể nào.”

“Cũng giống như bệnh cúm, loại virus này đã tồn tại cùng với nhân loại và nó sẽ ở lại với chúng ta lâu dài. Đó là một sự thật, cho dù chúng ta muốn hay không. Virus này đã tự thích nghi hoàn toàn ở người.”

“Chúng ta không nên tuyên bố chiến thắng loại virus này quá sớm, nếu không chúng ta sẽ đánh giá thấp tác động của nó đối với nhân loại.”

Ông nói, đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (Sars) năm 2002-03 có thể được kiềm chế vì nó chưa hoàn toàn thích nghi với con người. 

Ông đề cập đến việc gần đây có một cặp vợ chồng đã nghỉ hưu đã lây nhiễm virus cho một loạt các trường hợp ở các tỉnh khác nhau, cho dù mọi người đã được tiêm phòng đầy đủ.

Trung Quốc nên có can đảm để tìm ra mức độ kháng thể của dân số sau khi tiêm chủng, thay vì dành quá nhiều nguồn lực cho việc xét nghiệm để xác định các trường hợp dương tính, ông nói.

“Mức độ kháng thể do vắc-xin tạo ra là bao nhiêu, và nó có thể tồn tại trong bao lâu?” ông nói. “Chỉ bằng cách [thiết lập điều đó], mới có thể xác định hiệu quả của vắc-xin.”

“Chúng ta cũng phải tìm hiểu khả năng miễn dịch có thể kéo dài bao lâu sau khi tiêm mũi tăng cường. Nếu không, có thể các kháng thể sẽ mất đi trước khi mùa đông kết thúc vì lượng kháng thể giảm xuống có thể vượt quá tốc độ phân phối vắc-xin”.

Trung Quốc đã và đang thực hiện xét nghiệm bắt buộc hàng loạt mỗi khi phát hiện thấy ổ nhiễm ở một khu vực mới.

Xét nghiệm máu tìm kháng thể sẽ giúp tìm hiểu xem liệu vắc-xin đã tạo ra đủ kháng thể để bảo vệ một người khỏi bị nhiễm bệnh nặng hay không, mặc dù người được tiêm chủng vẫn có thể lây bệnh.

Với hàng tỷ người được tiêm chủng trên thế giới, các nhà khoa học hiện có nhiều dữ liệu hơn để so sánh các loại vắc-xin, nhưng vẫn chưa có một tiêu chuẩn thống nhất cho mức kháng thể có thể bảo vệ chống lại COVID-19.

Ông Guan cho rằng các nhà sản xuất vắc-xin có trách nhiệm cập nhật cho công chúng về hiệu quả của vắc-xin đối với các biến thể khác nhau.

“Nếu một loại vắc-xin không hiệu quả, chúng ta nên loại bỏ nó [khỏi chương trình tiêm chủng],” ông nói.

Ông Guan cũng cho biết rất khó để các nhà khoa học từ các quốc gia hợp tác xây dựng một mạng lưới giám sát toàn cầu tương tự như mạng lưới giám sát dịch cúm, vì căng thẳng giữa các quốc gia và vì nghiên cứu đã bị chính trị hóa.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: