Một chuyên gia kế hoạch hóa gia đình cho biết, Trung Quốc nên tăng cường khuyến khích người dân xây dựng gia đình và tăng tỷ lệ sinh vì dân số nước này hiện đang giảm và có thể đe dọa phát triển kinh tế một khi dân số già đi, Reuters báo cáo 12/2.

shutterstock 1250093980
Một chuyên gia kế hoạch hóa gia đình cho biết, Trung Quốc nên tăng cường khuyến khích người dân xây dựng gia đình và tăng tỷ lệ sinh. (Ảnh minh họa: StreetVJ / Shutterstock)

Theo thống kê chính thức của chính phủ, dân số Trung Quốc Đại Lục đã giảm 850.000 người vào năm ngoái, mức giảm đầu tiên kể từ năm 1961 do tai họa Đại Nhảy Vọt, xuống còn 1,42 tỷ người. Theo đà này, Trung Quốc sẽ đánh mất vị trí quốc gia đông dân nhất vào tay Ấn Độ, khởi đầu của một đợt suy giảm có thể kéo dài với những tác động sâu sắc đối với nền kinh tế và thế giới. Nhiều chuyên gia khác cũng đánh giá, số dân số có thể đã giảm rất nhiều so với con số báo cáo, do rất nhiều trường hợp tử vong do đại dịch đã không được tính.

Ngày 11/2, ông Vương Bồi An, phó giám đốc Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc nhận định, nên tạo ra nhiều ưu đãi về thuế hơn dựa trên đơn vị gia đình để có thể khuyến khích sinh con.

Phát biểu tại Diễn đàn Trung Quốc và Phát triển lần thứ ba ở Bắc Kinh, ông Vương nêu ra xu hướng ngày càng tăng trong thế hệ trẻ là kết hôn chậm hơn và sinh con ít hơn. Ông kêu gọi có nhiều ưu đãi hơn về việc làm, chăm sóc y tế, an sinh xã hội và nhà ở để có thể khuyến khích mọi người xây dựng gia đình.

Chính phủ đã áp đặt chính sách một con đối với các gia đình ở nhiều nơi trên cả nước từ năm 1980 đến năm 2015, nhưng với dân số hiện đang giảm, các nhà chức trách đang nỗ lực để tăng tỷ lệ sinh.

Khi kêu gọi các biện pháp hỗ trợ nhiều hơn, các quan chức y tế trích dẫn các yếu tố như lo lắng về chi phí và phụ nữ trẻ tập trung vào sự nghiệp.

Một hộ gia đình trung bình của Trung Quốc đã giảm xuống còn 2,62 người vào năm 2020, giảm 0,48 người so với năm 2010, theo một cuộc khảo sát được trích dẫn bởi đài truyền hình nhà nước CCTV.

Một cuộc khảo sát năm 2021 cho thấy phụ nữ sinh vào những năm 1990 cảm thấy số con lý tưởng để sinh là 1,54, trong khi đối với những người sinh vào những năm 2000, con số này chỉ là 1,19. Tỷ lệ phụ nữ chưa từng có con tăng từ 6,1% vào năm 2015 lên gần 10% vào năm 2020.

“Ở Trung Quốc, mức độ bảo vệ thai sản vẫn còn rất thấp,” ông Vương nói, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng nếu không nỗ lực thúc đẩy nhu cầu kết hôn và sinh con, thì sẽ vô cùng khó khăn để tăng mức sinh đẻ.

Theo CCTV, độ tuổi trung bình của một phụ nữ kết hôn lần đầu đã tăng từ 22 tuổi vào những năm 1980 lên 26,3 tuổi vào năm 2020 và độ tuổi sinh con đầu lòng đã bị đẩy lên đến 27,2 tuổi.

Ông Vương trích dẫn kết quả một cuộc khảo sát năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc, trong đó chưa đến 70% phụ nữ dưới 35 tuổi nghĩ rằng cuộc sống chỉ trọn vẹn khi họ có con.

Ở Hồng Kông trước đó, cũng Reuters đưa tin, ông Dương Văn Trang, Giám đốc Cục Giám sát Dân số và Phát triển Gia đình đã kêu gọi chính quyền Hồng Kông hãy thực hiện các bước “táo bạo” để khuyến khích phụ nữ sinh con. Vì như ông chỉ ra, những lo lắng về tài chính và lo lắng về sự nghiệp đang là chướng ngại lớn cho các bà mẹ ở đây.

Ông khuyến nghị, “Chính quyền địa phương nên được khuyến khích tích cực khám phá và đưa ra những đổi mới táo bạo trong việc giảm chi phí sinh nở, chăm sóc trẻ em và giáo dục” để thúc đẩy sự phát triển cân bằng lâu dài của dân số.

Các cơ quan y tế ở tỉnh Tứ Xuyên hồi tháng 1 cho hay, họ sẽ cho phép những người chưa lập gia đình được lập gia đình và hưởng các quyền lợi dành cho các cặp vợ chồng kể từ ngày 15/2 với số con không giới hạn. Trước đó chính quyền chỉ cho phép các cặp vợ chồng muốn có tối đa hai con đăng ký với chính quyền địa phương.

Một số tỉnh bao gồm Thiểm Tây đã thông báo trong tuần trước rằng họ sẽ trao tới 5.000 nhân dân tệ (735,29 USD) cho những người hiến tặng tinh trùng để thúc đẩy các ngân hàng tinh trùng.

Nhật Tân (T/h)