Hôm 6/1 Bloomberg đưa tin, nguồn tin từ quan chức Mỹ (giấu tên) cho biết, do lo ngại xuất hiện các biến thể COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) mới và tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc, phía Mỹ đã nhiều lần đề nghị cung cấp vắc-xin mRNA và các hỗ trợ khác cho Chính phủ Tập Cận Bình thông qua các kênh tư nhân nhưng đều bị từ chối.

vac xin pfizer
(Ảnh minh họa: malazzama/Shutterstock)

Theo tin từ Bloomberg, vì chính trị Trung Quốc khá nhạy cảm trong việc nhận viện trợ nước ngoài, giới chức Mỹ đã đề nghị áp dụng cách cung cấp vắc-xin gián tiếp (nguồn tin không nêu thông tin chi tiết).

Đề xuất này của Mỹ được đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 12 của các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, gồm ông Daniel Kritenbrink (Trợ lý Ngoại trưởng) và bà Laura Rosenberger (Chuyên gia cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia). Một kênh khác là thông qua các quan chức y tế cộng đồng và các bên trung gian.

Theo Bloomberg, việc chấp nhận một loại vắc-xin từ Mỹ có thể không khả thi về mặt chính trị đối với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, bởi vì trong bối cảnh Trung Quốc muốn làm nổi bật sức mạnh tự lực tự cường trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ, thì việc nhận viện trợ như vậy đồng nghĩa với xác nhận thế yếu phụ thuộc. Lịch sử ĐCSTQ cho thấy họ thường không chấp nhận viện trợ từ bên ngoài khi hứng chịu khủng hoảng.

Học giả Li Hengqing, người Hoa sống tại Mỹ, từng chia sẻ với Epoch Times, “Giống như trận động đất năm 1976 ở Đường Sơn tỉnh Hà Bắc, khiến 300.000 người chết, tình cảnh bi thảm với xác chết chất đống như núi. Sau này tôi mới biết thực tế nhiều nước trên thế giới đã đề xuất cử đội y tế đến Đường Sơn để cứu trợ, giúp tìm kiếm và giải cứu những người sống sót, nhưng nhà chức trách Trung Quốc đã kiên quyết từ chối. Chính phủ của ĐCSTQ tuyên bố họ có thể tự giải quyết vấn đề, nhưng sau đó cho thấy có 300.000 người chết. Vì vậy tôi cảm thấy nhà cầm quyền này táng tận lương tâm, giống như không xem tính mạng người dân Trung Quốc là mạng người”.

“Những cái chết có thể tránh được”

Chủ tịch Jude Blanchette về Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với Bloomberg: “Trong một thời gian dài, tuyên truyền của chính quyền ông Tập Cận Bình về chống COVID-19 đã không ngừng nhấn mạnh ‘thành công’ của Trung Quốc là thể hiện tính ưu việt của chế độ, do đó hạn chế khả năng tiếp cận vắc-xin bên ngoài”; “Ngay cả trong đợt bùng phát COVID-19 thảm khốc, Bắc Kinh vẫn tiếp tục nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin, quyết định đó chắc chắn sẽ dẫn đến những cái chết không cần thiết (ở Trung Quốc)”.

Trong bối cảnh COVID-19 lây lan nhanh tại Trung Quốc, nguồn tin được cho là nắm rõ tình hình chia sẻ với Bloomberg rằng những tuần gần đây, Mỹ đã tiếp tục đề xuất cung cấp vắc-xin cho Trung Quốc. Một nguồn tin khác cho biết hai bên tiếp tục trao đổi thông qua các kênh y tế, nhưng phản ứng của ĐCSTQ rất ngoan cố, luôn phản hồi rằng Trung Quốc đã kiểm soát được tình hình và không cần hỗ trợ.

Liên minh châu Âu cũng đã đề nghị tặng vắc-xin COVID-19 miễn phí cho Trung Quốc để giúp họ ngăn chặn bùng phát nguy hiểm, nhưng đề xuất cũng đã bị ĐCSTQ từ chối bất chấp số ca nhiễm đang không ngừng tăng vọt.

Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu từ Đại học Ma Cao và Trường Y Harvard (công bố ngày 22/12/2022), lên án ĐCSTQ đã lặng lẽ gỡ bỏ phong tỏa với hy vọng dịch bệnh sẽ nhanh chóng đạt đỉnh chỉ sau 1-2 tháng, khi đó Trung Quốc có đủ khả năng miễn dịch [cộng đồng], với cách này tính toán cho thấy chỉ trong 6 tháng sẽ có tới 1,5 triệu người tại Đại Lục chết vì COVID-19.

Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu chính quyền ĐCSTQ có thể theo kiến nghị chống dịch từ phương Tây, bỏ mục tiêu để số ca nhiễm nhanh chóng đạt đỉnh, như vậy số ca tử vong có thể giảm 37% trong vòng một năm. Mô hình cũng chỉ ra nếu 90% dân số Đại Lục nhận được 3 liều vắc-xin mRNA và 75% số người nhiễm nhận được thuốc Paxlovid kháng vi-rút của Pfizer thì ước tính số người chết là dưới 200.000.

Người Đại Lục đổ xô đến Hồng Kông và Ma Cao tiêm vắc-xin mRNA

Đến nay, ĐCSTQ chưa phê duyệt bất kỳ loại vắc-xin COVID-19 nước ngoài nào cho công dân Trung Quốc sử dụng. Các mũi tiêm trong nước chủ yếu là vắc-xin Sinovac và Sinopharm nội địa. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng những loại vắc-xin do Trung Quốc sản xuất này cung cấp mức miễn dịch thấp hơn so với vắc-xin phương Tây sử dụng công nghệ mRNA.

Sự bùng nổ đột ngột của số người nhiễm COVID-19 tại Đại Lục đã thúc đẩy làn sóng người đến Ma Cao để tìm kiếm vắc-xin mRNA, vì tại những khu vực hành chính đặc biệt này công dân Trung Quốc được tự do đi lại trong 7 ngày mà không cần kiểm tra COVID-19 khi trở về.

Financial Times đưa tin vào ngày 26/12 năm ngoái rằng hạn ngạch tiêm chủng ở Ma Cao đã nhanh chóng được người Đại Lục đặt trước không còn chỗ trống. Một nhân viên dịch vụ khách hàng tại một bệnh viện ở Ma Cao cho biết điện thoại của anh này không ngừng đổ chuông kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc Đại Lục vào đầu tháng 12 năm trước. Tuy nhiên những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân hủy hẹn đã tăng lên do họ bị COVID-19.

Hồng Kông gần đây cũng đã nới lỏng các quy định cho phép du khách được tiêm mRNA.

Một nghiên cứu được trên The Lancet công bố vào tháng 12/2022 cho thấy những người tiêm 3 liều vắc-xin Sinovac hoặc Sinopharm có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng cao gần gấp đôi so với những người tiêm 3 liều vắc-xin mRNA. Những người được tiêm vắc-xin nội địa Trung Quốc cũng có khả năng phải nhập viện cao hơn 50%.

Ngoài ra, vấn đề thiếu minh bạch trong dữ liệu thử nghiệm vắc-xin của Trung Quốc cũng là nguyên nhân gây lo ngại. Chính phủ và các quan chức y tế trên khắp thế giới đang đề nghị nhà chức trách ĐCSTQ minh bạch về tình hình bùng phát dịch bệnh. Lâu nay ĐCSTQ luôn từ chối cho chuyên gia quốc tế đến tra xét nguồn gốc COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới tuần này kêu gọi ĐCSTQ cung cấp thêm dữ liệu về đợt bùng phát này, bao gồm dữ liệu về số ca nhập viện, ca bệnh nặng và ca tử vong.