Khoảng 1:00 chiều ngày 1/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến thăm Hồng Kông kéo dài 1,5 ngày và trở về Trung Quốc Đại Lục bằng chuyến tàu cao tốc đặc biệt tại ga West Kowloon (Tây Cửu Long). Hơn 2 năm qua, đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Tập Cận Bình, nhưng chuyến thăm Hồng Kông của ông đã được rút ngắn đáng kể và ông không qua đêm ở Hồng Kông.

Screen Shot 2022 07 02 at 09.57.24
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Hồng Kông nhân dịp kỷ niệm 25 năm bàn giao chủ quyền Hồng Kông về Trung Quốc. (Ảnh cắt từ video).

Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, sáng ngày 1/7, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Wanchai đã diễn ra cuộc gặp mặt kỷ niệm 25 năm ngày Hồng Kông “bàn giao chủ quyền” và lễ tuyên thệ nhậm chức chính quyền mới của Hồng Kông, gồm ông Lý Gia Siêu (John Lee) và những người khác.

Ngoài ra, các quan chức chủ chốt của chính phủ mới và các thành viên của Hội đồng điều hành đã lần lượt tuyên thệ nhậm chức, gồm ông Trần Quốc Cơ (Eric Chan Kwok-ki) – Tổng thư ký Hành chính, ông Trần Mậu Ba (Paul Chan Mo-po) – Thư ký Tài chính và ông Lâm Định Quốc (Paul Lam Ting-kwok) –  Thư ký Tư pháp.

Sau khi tuyên thệ, tất cả các quan chức lớn đều lần lượt cúi đầu trước ông Tập Cận Bình. Đang trong thời kỳ dịch bệnh nên không giống như trước đây, ông Tập Cận Bình sẽ không bắt tay từng người một.

Theo một số báo cáo của truyền thông Hồng Kông, đoàn xe của ông Tập Cận Bình đã đến Doanh trại Trung tâm của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Hồng Kông để kiểm tra vào buổi trưa, và rời đi sau khi ở lại khoảng nửa giờ.

Báo cáo cho biết, khoảng 1:00 chiều ngày 1/7, ông Tập Cận Bình và bà Bành Lệ Viện đã đến ga tàu cao tốc Tây Cửu Long. Các quan chức chính phủ chủ chốt đều có mặt để nói lời từ biệt.

Từ bản tin, người ta thấy bà Carrie Lam nhiều lần gật đầu, không rõ bà ấy có phải đang nói chuyện với ông Tập Cận Bình hay không. Ông Tập Cận Bình vẫy tay chào các học sinh đang tiễn ông, bà Bành Lệ Viện cũng giơ ngón tay cái lên với các em, sau đó họ rời đi và lên chuyến tàu đặc biệt.

Trong đoạn video, ông Vương Nghị – Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, cũng cùng rời đi. Chuyến thăm Hồng Kông lần này của ông Tập đã rút ngắn đáng kể, chỉ còn 1,5 ngày.

Theo Reuters, vào đêm trước lễ kỷ niệm, Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông cho biết, ít nhất 10 nhà báo từ một số hãng truyền thông không được phép tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức hôm đó.

Trước đây, các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đến thăm Hồng Kông chủ yếu bằng máy bay. Lần này ông Tập Cận Bình lại chọn đi tàu cao tốc.

Khoảng 3:00 chiều ngày 30/6, ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện đã đến ga tàu cao tốc Tây Cửu Long bằng tàu cao tốc. Hơn 2 năm qua, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đây là lần đầu tiên ông Tập rời Trung Quốc Đại Lục.

Ngày 30/6, sau khi đến Hồng Kông, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu, đề cập đến sự “tái sinh từ tro tàn” của Hồng Kông sau những cơn bão. Sau khi tham quan Công viên Khoa học, ông cũng tham dự sự kiện và chụp ảnh cùng các quan chức của chính quyền Hồng Kông, cùng hơn 100 người thuộc mọi tầng lớp.

Vào buổi tối, ông tham dự một bữa yến tiệc do cựu Trưởng đặc khu Carrie Lam tổ chức, sau đó trở về Thâm Quyến mà không nghỉ qua đêm ở Hồng Kông. Theo Tân Hoa Xã, chuyến tàu cao tốc đặc biệt của ông Tập Cận Bình đã đến ga Tây Cửu Long của Hồng Kông vào chiều ngày 30/6.

Theo đoạn video của CCTV, ông Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang) – Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, ông Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) – Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Vương Nghị – Bộ trưởng Ngoại giao, bà Thẩm Dược Dược (Shen Yueyue) – Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và ông Hạ Bảo Long (Xia Baolong) – Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, kiêm Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Macao của Quốc vụ viện, cùng các lãnh đạo cấp cao khác đã tháp tùng ông Tập.

Cựu Trưởng Đặc Khu Hồng Kông ông Lương Chấn Anh, bà Carrie Lam và ông Lạc Huệ Ninh (Luo Huining) – Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc của ĐCSTQ tại Hồng Kông và các quan chức khác đã chào đón họ tại nhà ga.

Hãng truyền thông Hồng Kông “On.cc” đưa tin, để đáp lại chuyến thăm Hồng Kông của ông Tập Cận Bình đến tham dự sự kiện này, chính quyền Hồng Kông đã bố trí một loạt các hoạt động an ninh, như biến Hồng Kông thành khu vực cấm bay đối với máy bay không người lái nhỏ từ 12:00 trưa đến 11:59 tối ngày 30/6 và từ 6:00 sáng đến 4:00 giờ chiều ngày 1/7.

Cảnh sát nhận được báo cáo lúc 9 giờ sáng ngày 1/7, rằng ai đó đã tụ tập bất hợp pháp tại Tòa nhà Ocean ở Tsim Sha Tsui và điều khiển một máy bay không người lái nhỏ trong “khu vực hạn chế bay”, gây nguy hiểm cho công chúng và an toàn hàng không.

Sau khi cảnh sát đến hiện trường, một người đàn ông 42 tuổi đã bị bắt vì tội “điều khiển máy bay không người lái cỡ nhỏ trong khu vực hạn chế bay mà không xin phép”, và máy bay này đã bị thu giữ để tiếp tục điều tra.

Tổng cộng 27 người có mặt cũng bị tình nghi vi phạm pháp luật theo Chương 599G (Lệnh cấm tụ họp) đã bị cảnh sát phạt. Được biết hiện trường là cuộc tụ họp bằng xe hơi, và người đàn ông 42 tuổi bị bắt là một nhiếp ảnh gia.

“Lệnh cấm máy bay không người lái cỡ nhỏ” (Chương 488G) có hiệu lực vào ngày 1/6/2022. Cảnh sát cũng viện dẫn luật này, liệt toàn bộ Hồng Kông vào danh sách “khu vực hạn chế bay” từ 12:00 trưa đến 11:59 tối ngày 30/6 và từ 6:00 sáng đến 4:00 chiều ngày 1/7.

Đồng thời, để duy trì an ninh cao cho ông Tập Cận Bình, việc phong tỏa đã được thực hiện xung quanh ga Tây Cửu Long ngay từ nửa đêm ngày 28/6. Cứ cách 10m- 20m, lại có một trạm gác tại ga Cửu Long và các đường phố lân cận.

Bình Minh (t/h)