Đài truyền hình Hồng Kông NOW đã xóa đoạn phỏng vấn một cư dân đang xếp hàng tưởng niệm Nữ hoàng Anh. Trong clip, cư dân này chỉ ra lượng lớn người Hồng Kông tưởng niệm Nữ hoàng Anh chính là dân ý. 

p3212981a953109137
Clip bị xóa phỏng vấn bà Chung, một cư dân Hồng Kông, nói: “Đây chính là dân ý, là điều người dân mong muốn”. (Ảnh chụp màn hình Đài tin tức Hồng Kông NOW)

Ngày 12/9, phóng viên của Đài truyền hình NOW đã phỏng vấn người dân đang xếp hàng tưởng niệm Nữ hoàng Anh Elizabeth II bên ngoài Lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông.

p3213131a273531688
Tổng lãnh sự Anh tại Hồng Kông, ông Brian Davidson, gửi lời cảm ơn đến người dân Hồng Kông trong một dòng tweet. (Ảnh chụp màn hình Twitter của ông Brian Davidson)

Bà Chung, một cư dân Hồng Kông, đã thẳng thắn nói bà muốn tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại này, và chỉ ra rằng tại hiện trường, những người đưa tiễn đã xếp thành hàng dài. Bà nói: “Đây chính là dân ý, là điều người dân mong muốn.”

Ngay sau khi phát sóng, đoạn clip trên được người dân Hồng Kông đón nhận và chia sẻ nhiều. Nhưng chỉ khoảng nửa tiếng sau, NOW đã xóa cuộc phỏng vấn bà Chung. Hãng truyền thông trực tuyến ReNews tiết lộ, lệnh xóa đến từ ông Trần Thiết Bưu, người đứng đầu NOW.

Tổng Lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông đã lập sổ tang chia buồn từ 10:00 – 16:00 ngày 12/9 – 16/9. Ngày 12/9 trùng với kỳ nghỉ lễ Tết Trung thu ở Hồng Kông, nên nhiều người dân đã tới đặt hoa bên ngoài Lãnh sự quán, và xếp hàng dài 500m để ký sổ tang, gồm cả người già và các thành viên lớn nhỏ trong một gia đình.

Đài tin tức NOW đã phỏng vấn 2 người dân đang xếp hàng. Ông Lương cho biết, lý do ông đến tưởng niệm là vì Nữ hoàng Anh từng trị vì Hồng Kông. Ông nói: “Chúng tôi không nói về chính trị hay bất cứ điều gì khác, đó không phải là ý của chúng tôi. Nhưng với tư cách là những người từng cai trị chúng tôi, cũng có nhiều đức tính, trước kia không cùng nhà, nay lại cùng nhà, vậy nên coi như đến nói lời cảm ơn.”

Một người phụ nữ họ Chung cho biết: “Nếu hôm nay không cho tôi vào để chia buồn thì ngày nào đó tôi sẽ quay lại. Mục đích của tôi là để tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại này. [Phóng viên hỏi: Vì sao?], hãy nhìn xem có nhiều người như vậy là biết. Đây chính là dân ý, là điều người dân mong muốn.”

Sau đó clip phỏng vấn này đã được phát sóng trên đài NOW, tải lên trang Facebook Now, và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt. Nhiều người cho rằng bà Chung đã nói ra những lời từ tận đáy lòng họ: Người Hồng Kông tưởng nhớ thời kỳ cai trị của Anh, đây là điều mà người dân Hồng Kông mong muốn!

Nhưng clip phỏng vấn này đã nhanh chóng bị xóa khỏi NOW TV và Facebook. Hãng truyền thông trực tuyến ReNews cho biết, người ra lệnh xóa là ông Trần Thiết Bưu, giám đốc tin tức của NOW, hiện đang trong kỳ nghỉ.

ReNews chỉ ra rằng ông Trần Thiết Bưu đã trực tiếp ra lệnh xóa bài đăng trực tuyến, clip ban đầu được phát sóng trên TV cũng bị cắt đoạn phỏng vấn bà Chung. Nhiều cư dân đã lên án NOW và ông Trần Thiết Bưu trên Internet, chỉ trích họ ngang nhiên phá hoại quyền tự do ngôn luận.

Ông Trần Thiết Bưu là ai? Sau phong trào chống dẫn độ, chính quyền Hồng Kông đã thắt chặt kiểm soát đáng kể với các kênh truyền thông. Tháng 6/2020, ông Trần Thiết Bưu, người đứng đầu Tập đoàn TVB thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bất ngờ được bổ nhiệm làm người đứng đầu Bộ phận Tin tức NOW, thay thế ông Trương Chí Cương (Cheung Chi-kong) sắp nghỉ hưu.

Vụ việc này đã gây chấn động giới truyền thông Hồng Kông lúc bấy giờ. Những người trong ngành đều nghe nói ông Trần Thiết Bưu có mối quan hệ thân thiết với Văn phòng Liên lạc (với ĐCSTQ), và bà Trần Sơn Linh, cựu Trợ lý Giám đốc của văn phòng này.

Ngoài ra, trong những năm đầu, khi còn là người đứng đầu Tập đoàn TVB, ông Trần Thiết Bưu thường đến Bắc Kinh, ăn uống với các quan chức ĐCSTQ.

Những người trong ngành chỉ ra rằng ông Trần Thiết Bưu “nhảy dù” xuống Đài tin tức NOW là vì “chấp hành nhiệm vụ quốc gia”.

Khi đó, trước thềm tổng tuyển cử Hội đồng Lập pháp, Văn phòng Liên lạc hy vọng ông Trần sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đỡ phe kiến chế thân ĐCSTQ thông qua các chương trình truyền hình của mình. (Sau đó, chính quyền Hồng Kông đã hủy bỏ cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp năm 2020 với lý do dịch bệnh.)

Sau khi nhậm chức, những tin tức tiêu cực về ông Trần Thiết Bưu liên tiếp xảy ra. Trần Thiết Bưu lôi kéo Diệp Kiến Nguyên (Ip Kin-yuen) trong ngành giáo dục, bình luận về chuyến thăm của Thân Tác Quân – phó hiệu trưởng Đại học Hồng Kông, người bị nghi ngờ được ĐCSTQ “chống lưng”.

Ông cũng mời bà Lý Huệ Quỳnh (Starry Lee) – Chủ tịch “Liên minh Dân chủ vì sự tốt đẹp và tiến bộ của Hồng Kông” (DAB), làm người dẫn chương trình “Đại minh Đại phóng” (Đua tiếng, đua nở). Tuy nhiên, dưới sự lên án của xã hội, chương trình này đã bị cấm cửa.

Trước vụ việc ông Trần Thiết Bưu “ra tay” xóa phần phỏng vấn bà Chung lần này, một số người Hồng Kông đã để lại lời nhắn mỉa mai: Dự tính ông Trần Thiết Bưu đang đi nghỉ, nếu không chương trình đã không diễn ra trên đường phố! Một số người còn để lại lời nhắn nói rằng Đảng Cộng sản Hồng Kông “muốn che đậy”, nhưng những lời này đã in sâu trong tim họ và không thể xóa được.

Một cư dân Hồng Kông khác chế giễu, qua đây không chỉ học được “điều người dân mong muốn”, ông Trần Thiết Bưu còn thị phạm cho mọi người biết thế nào là “gậy ông đập lưng ông” (càng che giấu, càng bại lộ).

25 năm sau khi Hồng Kông được bàn giao chủ quyền về cho Trung Quốc (năm 1997), sự đảm bảo cho “một quốc gia, hai hệ chế độ” “quyền tự trị” đã biến mất sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc áp đặt Luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông.

Nghệ sĩ Hồng Kông Hoàng Quốc Tài (Kacey Wong), người đã trốn sang Đài Loan, nói với tờ Le Monde: “Một người bạn tốt của tôi vừa mới ra tù và tôi nói với anh ấy, ‘Bạn ra tù, điều đó tốt, nhưng bạn đang ở một nhà tù khác, lớn hơn’, bởi vì ngày nay Hồng Kông đã trở thành nhà tù dành cho tất cả người dân.”

Bà Surabhi Chopra, một giáo sư luật tại Đại học Trung văn Hồng Kông, cho biết: “Luật An ninh Quốc gia đã biến Hồng Kông từ một vùng đất pháp quyền thành một thành phố của khủng bố”.

Bình Minh (t/h)