Tencent và Alibaba liên tiếp bị giảm cổ đông lớn nước ngoài, phản ánh thất bại của chính quyền Tập Cận Bình trong việc ngăn chặn sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài quan trọng.

shutterstock 1255824841
(Nguồn: StreetVJ/ Shutterstock)

Mùa xuân năm nay, ông Tập dẫn đầu một loạt quan chức cam kết sẽ vực dậy nền kinh tế Trung Quốc, với hy vọng sửa chữa những thiệt hại do các chính sách zero-COVID và các quy định đàn áp nghiêm ngặt gây ra trong nhiều năm. Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể giữ chân một số nhà đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới.

Hôm thứ Tư (12/4), trong kế hoạch mua lại công ty, tập đoàn đầu tư Hà Lan Prosus, cổ đông lớn của công ty công nghệ Trung Quốc Tencent, cho biết Prosus sẽ bán 96 triệu cổ phiếu Tencent (hơn 4 tỷ USD) trong tuần này, nhập vào hệ thống thanh toán và kết toán trung ương Hồng Kông ở dạng được chứng nhận, để các cổ phiếu này có thể được giao dịch trên thị trường một cách có trật tự.

Cùng ngày, tờ Financial Times của Anh đưa tin, các tài liệu pháp lý do Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản, cổ đông lớn của Alibaba, đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) cho thấy, SoftBank gần như đã thanh lý hết số cổ phần còn lại của Alibaba mà họ nắm giữ.

Trong năm nay, SoftBank, thuộc sở hữu của tỷ phú Masayoshi Son, đã sắp xếp bán khoảng 7,2 tỷ USD cổ phiếu Alibaba thông qua các hợp đồng kỳ hạn trả trước, sau khi bán kỷ lục 29 tỷ USD cổ phiếu Alibaba vào năm ngoái.

Các động thái của Prosus và SoftBank đã đẩy nhanh quá trình thoái vốn của một số công ty công nghệ Trung Quốc có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử kinh doanh.

Mặc dù cả hai nhà đầu tư nước ngoài này đều công bố kế hoạch giảm tỷ lệ nắm giữ vào năm ngoái, và nhấn mạnh rằng các hành động này không hoàn toàn nhằm vào Trung Quốc. Nhưng rõ ràng động thái này được thực hiện trong bối cảnh Bắc Kinh cam kết chào đón vốn nước ngoài (vốn ngoại), và nới lỏng kiểm soát đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Việc rút vốn ngoại sẽ làm giảm thêm sự lạc quan của nhà đầu tư.

Bán tháo cổ phiếu, vốn ngoại có thể mất niềm tin vào công ty công nghệ Trung Quốc

Bloomberg đưa tin Jun Rong Yeap, nhà phân tích tại công ty công nghệ tài chính IG Asia, cho biết kế hoạch giảm đầu tư vào Alibaba của SoftBank có thể làm nổi bật “sự mất niềm tin chung của các nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty công nghệ Trung Quốc”, và có thể kích hoạt các vốn nước ngoài khác theo sau.

Tuần này, trong chuyến công du Quảng Đông, ông Tập Cận Bình nhắc lại lời kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài “hãy nắm bắt cơ hội”. Trong thời gian này, ông cũng ghé qua một nhà máy của LG, đây là một sự đảo ngược đáng kể so với nhiều thập kỷ trước.

Ở một mức độ nhất định, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc được hưởng lợi từ sự trợ giúp của đầu tư nước ngoài, và một loạt các công ty công nghệ tư nhân thành công đã xuất hiện.

Người sáng lập SoftBank, ông Masayoshi Son, người đầu tư khoảng 20 triệu USD vào Alibaba năm 2000, đã không giảm cổ phần của mình trong cuộc khủng hoảng bong bóng Dotcom và đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Alibaba vào năm 2014.

Naspers, công ty mẹ của Prosus, đã đầu tư vào Tencent vào năm 2001, khi chưa có điện thoại thông minh và ứng dụng như WeChat.

Trong 2 năm qua, triển vọng của Tencent và Alibaba đều xấu đi rõ rệt. Cả hai công ty này đã chứng kiến ​​​​sự sụt giảm doanh thu đầu tiên vào năm 2022, mỗi quý hầu như đều không đạt được mức tăng trưởng một con số. Điều này khác xa so với những ngày họ liên tục mở rộng tới 2 con số, và liên tục mở rộng công ty khởi nghiệp.

Thị trường toàn cầu bất ổn gây áp lực lên các quỹ đầu tư

Việc SoftBank bán tháo cổ phiếu Alibaba cũng phần nào phản ánh sự bất ổn trên thị trường toàn cầu. SoftBank đã chuyển sang “chế độ phòng thủ” để đối phó với môi trường kinh doanh ngày càng bất ổn hơn, khi thanh khoản cạn kiệt do sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley của Hoa Kỳ và các đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương toàn cầu.

“Chúng tôi đang tăng cường sự ổn định tài chính của mình bằng cách huy động tiền mặt để tăng tính thanh khoản trong tay”, SoftBank cho biết trong một tuyên bố.

Prosus nói rằng họ sẽ sử dụng số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu Tencent để mua lại cổ phiếu.

Ông Lương Vĩ Nguyên (Steven Leung), Giám đốc điều hành của UOB KayHian, một tập đoàn có trụ sở tại Singapore, cho biết các công ty sẽ gặp khó khăn hơn trong việc vay vốn, sau những lo ngại toàn cầu về cuộc khủng hoảng ngân hàng và sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley ở Hoa Kỳ.

Các nhà đầu tư nước ngoài thời kỳ đầu vào những công ty công nghệ lớn của Trung Quốc có thể phải đối mặt với tình huống tương tự, “vì vậy họ phải rút tiền mặt ra khỏi các cổ phần hiện có, để đầu tư vào các dự án mới hoặc mua lại cổ phần”, ông nói.