Cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như đã bị cưỡng chế rời khỏi cuộc họp bế mạc Đại hội 20, chân tướng sự kiện này đến nay vẫn còn nhiều nghi hoặc.

Ho Cam Dao
Ông Hồ Cẩm Đào được dìu ra khỏi hội trường. (Ảnh chụp màn hình video)

Về vấn đề này, con gái của ông Lý Nhuệ (cựu Thư ký của cố lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông) là bà Lý Nam Anh có những chia sẻ riêng. Bà từng là cán bộ trong Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ tham gia trong hoạch định “người kế vị”, đã đích thân đề bạt Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.

Bà Lý Nam Anh (hiện đang sống ở Mỹ), gần đây đã phân tích trên chương trình của kênh YouTube EZ Media của Eric Zhang, rằng sự cố Hồ Cẩm Đào cho thấy tính cách hai mặt của ông Hồ: tàn nhẫn với dân chúng, hèn yếu trước quyền thế. Do ông Hồ Cẩm Đào đã dám đội mũ sắt cầm súng dẫn đầu một đội trấn áp xuống đường phố Lhasa – Tây Tạng nên được ông Đặng Tiểu Bình chọn làm người kế nhiệm.

Bà Lý Nam Anh kể hai sự kiện mà bà đã trải nghiệm:

Thứ nhất là sau khi ông Hồ Cẩm Đào trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ, ông Lý Nhuệ cha bà với tư cách là người đã chọn ông Hồ vào hàng ngũ ‘lãnh đạo nguồn’ cấp cao, đã viết một bức thư cho ông Hồ yêu cầu bỏ giam lỏng tại gia đối với cựu Tổng Bí thư Triệu Tử Dương. Tuy nhiên, để thể hiện bản thân là người kế nhiệm đáng tin cậy, ông Hồ thậm chí còn hủy bỏ quyền đi ra nước ngoài của ông Triệu.

Thứ hai là không lâu sau khi ông Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền, cộng đồng Hoa kiều có xu hướng đặt nhiều kỳ vọng rằng ông là người sáng suốt cởi mở. Trong trả lời truyền thông ngoài Trung Quốc, ông Lý Nhuệ từng cho biết nôi trưởng thành của ông Hồ Cẩm Đào là từ ‘chiếc khăn quàng đỏ’ (cán bộ phong trào Đoàn), nên chớ có nhiều kỳ vọng vào người này. Nghĩa là ông Hồ đã bị ‘tẩy não’ từ ý thức hệ cộng sản nên khó trông mong ‘giác ngộ’. Ngay lập tức, ông Hồ Cẩm Đào cử người từ Ban Tổ chức Trung ương đến nhà khiển trách ông Lý Nhuệ. Ông Lý Nhuệ đã rất tức giận về điều này và cho rằng đó là nỗi hổ thẹn lớn. Mẹ kế của bà Lý Nam Anh (vợ ông Lý Nhuệ) đã đảm bảo với Ban Tổ chức Trung ương rằng sẽ quản lý tốt điện thoại, sau này sẽ không nhận phỏng vấn, từ đó cha bà cơ hồ không còn nhận được phỏng vấn từ truyền thông nước ngoài, chỉ có vài lần sơ xuất.

Vì vậy, bà Lý Nam Anh cho rằng với tính cách của ông Hồ Cẩm Đào thì ông ta sẽ không kháng cự, cho dù vậy vẫn bị ông Tập Cận Bình bày ra trò “giết gà dọa khỉ” để răn đe những đại biểu khác, khiến họ phải giơ tay tán thành. Đây là hành động giống như hồi Đại hội 19 khi ông Tập sửa đổi Điều lệ Đảng, đã phái cử quân đội vào Đại hội gây thế răn đe.

Bà Lý Nam Anh nói trong cuộc phỏng vấn rằng không phải bản thân tệp tài liệu của Đại hội ĐCSTQ có bất kỳ bí mật nào, mà vấn đề là việc có thể xem được tài liệu hay không là thể hiện địa vị, nếu một quan chức cấp cao không được phép xem tài liệu, có nghĩa là người đó “không liên quan”, không còn được trọng dụng. Vì vậy, việc không được xem tài liệu đã khiến ông Hồ Cẩm Đào hốt hoảng. Trước đó, chuyện Ban Cố vấn Trung ương bị giải tán khiến những nguyên lão của ĐCSTQ bị mất quyền đọc tài liệu, hệ quả họ than khóc như có tang.

Bà Lý Nam Anh cho rằng đạo diễn của toàn bộ sự kiện phải là ông Vương Hộ Ninh, “đó là kẻ tồi tệ nhất”.

Bà Lý Nam Anh nói rằng ông Vương Hộ Ninh yêu cầu ông Lật Chiến Thư thi hành nên việc này phải được sự đồng ý của ông Tập Cận Bình, và ông Lật Chiến Thư không dám không thi hành. Và bởi vì sự việc xảy ra đột ngột, nên sau đó ông Lật Chiến Thư đã phải lau mồ hôi. Bà chỉ ra danh sách bình bầu này chắc hẳn được lập từ trước đó rất sớm, và đó không thể là “biến cố” nhất thời. Các quan chức cấp cao tại hiện trường không phải ủng hộ Tập Cận Bình, nhưng vì địa vị và sự an toàn của gia đình mà họ ngoài mặt đều phải ủng hộ, không ai có thể ra mặt phản đối.

Bà Lý Nam Anh tin rằng dưới hệ thống quyền lực triệt tiêu nhân tính của ĐCSTQ, không có ai đáng được thông cảm trong vụ việc của ông Hồ Cẩm Đào. Bà nói rằng việc ông Hồ đến tham dự Đại hội 20 cũng là vì con trai của ông ta và đãi ngộ. Vậy nên, việc ông ấy bị đưa đi khỏi hội trường là do bản thân tự chuốc lấy, ông Hồ cũng không có xuất thân ‘thái tử Đảng’ và không có quan hệ ‘huyết thống Đỏ’, thế nhưng sau khi trở thành lãnh đạo của ĐCSTQ thì ông ấy không những không thay đổi cách tiếp cận tàn nhẫn với ông Triệu Tử Dương, ngược lại còn tăng cường hơn. Do đó, bà Lý Nam Anh cho rằng việc ngày nay ông Hồ bị thế hệ kế nhiệm đối xử như vậy cũng có thể được xem là quả báo.