Áp phích đấu tố của chính hai người con ruột Lưu Đào và Lưu Duẫn của ông Lưu Thiếu Kỳ trong thời Cách mạng Văn hóa đã hé lộ một số phương diện về cuộc sống riêng tư của cựu Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) này.

Lưu Thiếu Kỳ (trái), Mao Trạch Đông (giữa), Chu Ân Lai (bên phải) và những người tham gia Đại hội Đảng lần thứ 8.
Lưu Thiếu Kỳ (trái), Mao Trạch Đông (giữa), Chu Ân Lai (bên phải) và những người tham gia Đại hội Đảng lần thứ 8.

Trong thời kỳ kháng chiến, Lưu Thiếu Kỳ đã viết tác phẩm “Bàn về tu dưỡng của đảng viên cộng sản”, cổ súy cho việc tăng cường rèn luyện và tu dưỡng đảng tính theo chủ nghĩa Marx. ĐCSTQ suốt thời gian dài đã liệt kê cuốn sách này vào loại sách yêu cầu đảng viên nhất định phải học tập. Năm 1945, Lưu Thiếu Kỳ tại Đại hội Đảng lần 7 đã đề nghị lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm tư tưởng chỉ đạo cho ĐCSTQ. Mà Mao Trạch Đông từng nói: “Ba ngày không học tập là không theo kịp Lưu Thiếu Kỳ.”

Năm 1966, Mao Trạch Đông phát động Cách mạng Văn hóa, lật đổ Lưu Thiếu Kỳ. Cuốn sách “Bàn về tu dưỡng của đảng viên cộng sản” của Lưu Thiếu Kỳ cũng bị phê phán là “tu dưỡng đen” và “cỏ dại độc”. Giang Thanh khi đó đã nói chuyện với Lưu Đào, con gái vợ cũ của Lưu Thiếu Kỳ, yêu cầu Lưu Đào phải vạch rõ ranh giới giữa cha mẹ mình. Vì vậy, Lưu Đào và em trai là Lưu Duẫn đã dán các tấm áp phích dạng bài báo với chủ đề “Đả đảo Lưu Thiếu Kỳ” và phơi bày “tâm tư xấu xa độc ác của Lưu Thiếu Kỳ” ngay tại Đại học Thanh Hoa, khu vực nhà ăn dành cho cán bộ Trung Nam Hải và ở một số khu vực công cộng khác.

Áp phích của Lưu Đào, Lưu Duẫn, bên cạnh việc chỉ ra dã tâm chính trị của Lưu Thiếu Kỳ, phản đối Mao Trạch Đông, hay tiến hành đả kích trả đũa những người bất đồng ý kiến, còn hé lộ một vài phương diện về cuộc sống riêng tư của Lưu Thiếu Kỳ, để cho mọi người hiểu tác giả của “Bàn về tu dưỡng của đảng viên cộng sản” thực sự là người tự tư, xấu xa và ác độc thế nào.

Trong thời Cách mạng Văn hóa, cựu chủ tịch ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ bị phê bình đấu tố.
Trong thời Cách mạng Văn hóa, cựu chủ tịch ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ bị phê bình đấu tố.

Dã tâm chính trị của Lưu Thiếu Kỳ

Theo nội dung trong tấm áp phích của Lưu Đào, năm 1941, Lưu Thiếu Kỳ tại Trường Đảng Hoa Đông khi giảng về “Chiến lược và sách lược” đã nói: “Ngoại quốc xuất hiện một người là Marx, thì tại sao ở Trung Quốc lại không thể có một người là Lưu (Thiếu Kỳ)!” Lưu Thiếu Kỳ còn tự khoa trương là “Nhà lãnh tụ của quần chúng. Lúc ở An Nguyên, người xuất đầu lộ diện là Lý Lập Tam, nhưng người thực sự làm việc không biết mệt mỏi thì chỉ có tôi.”

18 năm sau, vào năm 1959 tại Hội nghị Lư Sơn, khi Lưu Thiếu Kỳ chỉ trích Bành Đức Hoài đã nói: “Thay vì để anh soán đảng, chẳng thà để tôi soán đảng.”

Bổ nhiệm chỉ tìm người thân thiết – ‘Ta đây chính là thiên hạ đệ nhất’

Với việc dùng cán bộ, Lưu Thiếu Kỳ chủ trương “bổ nhiệm chỉ lấy người thân thiết”. Ông ta không coi trọng cán bộ quân đội. Cho rằng cán bộ quân đội vốn phải nghe theo cán bộ của đảng, nghe theo sự chi phối của cán bộ đảng là được rồi. Thành thử ông ta đối với cán bộ quân đội vẫn luôn mười phần tránh xa, còn đối với Bạch khu (khu vực thống trị của quốc dân đảng) và các cán bộ công tác trong cộng đồng của ông ta thì mười phần thân thiết, hết sức tin nghe theo bọn họ mà tạo bè phái.

Lưu Đào nói: “Ai mà tâng bốc Lưu Thiếu Kỳ, thì người đó tiền đồ rộng mở. Nếu ngược lại mà phản đối ý kiến của ông ta, thì sẽ họa vô đơn chí. Ai mà phản đối Lưu Thiếu Kỳ cũng như bằng phản đối trung ương đảng, ‘ta đây chính là thiên hạ đệ nhất’.”

Năm 1941, trường đảng Hoa Đông có 2 “đồng chí” Liễu X và Cố XX đã phản đối ý kiến của Lưu Thiếu Kỳ, họ Lưu liền kêu gọi mọi người gán nhãn cho họ là “Chủ nghĩa Trotsky”. [1] Quả đúng là chớ có dại mà vuốt râu hùm! “Bàn về đấu tranh bên trong đảng” của Lưu Thiếu Kỳ cũng được viết ra trong chính thời điểm này.

Tham ô kinh phí – Hãm hại vợ cũ

Lưu Thiếu Kỳ lấy tiền đảng phí của Bạch khu, bao gồm đảng phí của đảng viên và tiền quyên góp của các tổ chức ngoài đảng, để đánh một cái mặt thắt lưng vàng và một cái đón gót giày bằng vàng. Khi Lưu Thiếu Kỳ ly hôn, thì đưa cái mặt thắt lưng vàng này cho người vợ thứ tư là Vương Tiền.

Sau đó, Lưu Thiếu Kỳ lại âm mưu hãm hại Vương Tiền, sau lưng nói với vợ của Chu Ân Lai là Đặng Dĩnh Siêu và vợ Chu Đức là Khang Khắc Thanh rằng Vương Tiền lấy trộm vật dụng bằng vàng đó. Vương Tiền “khi đó vì lợi ích của đảng mà phải nhẫn nhục đến 20 năm”, vẫn luôn làm con dê thế mạng giơ đầu chịu báng cho Lưu Thiếu Kỳ, cho đến tận thời Cách mạng Văn hóa khi hai chị em Lưu Đào, Lưu Duẫn đến thăm mẹ, bà mới dám nói sự tình câu chuyện cho các con.

Tự tư giả dối

Lưu Đào nói rằng, Lưu Thiếu Kỳ cho dù ở bất kỳ nơi đâu cũng chỉ tính toán cho bản thân mình, tự tư tự lợi, nhưng trước mặt các “đồng chí” lại luôn tỏ ra rất liêm khiết, thực sự là một kẻ đạo đức giả. Lưu Thiếu Kỳ từng nói với mẹ của Lưu Đào là Vương Tiền: “Cô xem Lưu Anh (vợ của Trương Văn Thiên, cựu lãnh đạo ĐCSTQ) xem người ta thông minh làm sao, không mặc đẹp thì ăn ngon cũng chẳng để làm gì! Ăn vào trong bụng rồi thì không ai nhìn thấy, mặc thế nào thì mọi người chẳng phải đều thấy hết hay sao?”

Từ một chi tiết nhỏ này cũng có thể thấy được Lưu Thiếu Kỳ tính toán tỉ mỉ thế nào. Còn có một lần khi may quân trang cho binh sĩ, Vương Tiền để cho người dì đi, còn mình thì ở nhà trông con. Lưu Thiếu Kỳ khi biết chuyện, liền chỉ trích Vương Tiền: “Cô thật là ngu xuẩn, ở nhà trông con mệt biết bao, đi may quân phục hết sức nhàn hạ thoải mái, lại là nơi đông đảo người tụ họp, ai cũng có thể nhìn thấy…”

Trong thời kỳ kháng chiến hưởng chế độ phục vụ đặc biệt

Năm 1941, trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, Lưu Thiếu Kỳ nhậm chức Chính ủy Tân Tứ quân và Bí thư Trung ương cục. Các cán bộ và binh sĩ mỗi ngày đều ăn bã ngô, nhưng Lưu Thiếu Kỳ mỗi ngày lại đòi ăn một con gà mái già, để cho phó quan thay ông ta đi mua gà sống, cá, còn mua cả quýt. Lưu Thiếu Kỳ trong “Bàn về tu dưỡng của đảng viên cộng sản” rao giảng rằng “đảng viên cộng sản cần phải đồng cam cộng khổ với quần chúng”, mà bản thân ông ta cùng với Mao Trạch Đông thì lại ăn gà tẩm bổ hàng ngày.

“Phục vụ ông ta chu đáo chính là vì nhân dân phục vụ”

Lưu Đào nói, Lưu Thiếu Kỳ đối xử với mẹ cô là bà Vương Tiền hết sức vô nhân đạo. Để có thể lấy Vương Tiền (khi đó đang công tác trong đoàn văn công Tân Tứ quân) làm vợ, Lưu Thiếu Kỳ đã ngang nhiên nói dối Vương Tiền, giấu tuổi thật của mình, nói giảm đi 11 tuổi (thực tế lúc đó Lưu Thiếu Kỳ 43 tuổi, nhưng ông ta nói mình 32 tuổi). Vương Tiền lúc đó mới 16 tuổi hết sức ngây thơ tin lời ông ta, mãi đến năm 1945 mới biết Lưu Thiếu Kỳ hơn mình 27 tuổi.

Về sau, Lưu Thiếu Kỳ cảm thấy nhìn Vương Tiền không vừa mắt, gọi bà là “tiểu đảng viên”, không cho bà đọc báo, đọc sách, “cốt sao lo hầu hạ phục vụ ông ta”. Lưu Thiếu Kỳ còn nói phục vụ ông ta chính là “vì đảng mà công tác, vì nhân dân mà phục vụ”, người khác không được phép có ý kiến gì cả. Ông ta cho rằng người khác phục vụ ông ta cũng là xứng đáng.

Không cho phép con gái gặp mẹ

Tàn nhẫn hơn nữa là, sau khi ly hôn với Vương Tiền, Lưu Thiếu Kỳ thân là Chủ tịch quốc gia, nhưng bất chấp kỷ cương của đảng hay pháp luật quốc gia, đã không cho phép mẹ con Vương Tiền – Lưu Đào được gặp nhau. Cuối năm 1947, Vương Tiền viết thư cho Lưu Thiếu Kỳ, nói rằng bà rất muốn gặp con gái, vậy mà Lưu hồi đáp một cách độc ác rằng: “Trừ khi nó chết đi, thì cô mới được gặp lại nó!”

Năm 1955, Vương Tiền viết thư cho con gái là Lưu Đào, Lưu Thiếu Kỳ dạy Lưu Đào từng câu từng câu trả lời thư của mẹ, đều là những lời nguyền rủa thóa mạ. Vương Tiền thông qua mối quan hệ với các tổ chức, nói rằng muốn đến gặp con gái một chút, Lưu Thiếu Kỳ không những không cho bà gặp con gái, mà còn đích thân gửi thư cho đơn vị công tác của Vương Tiền, kể rằng Vương Tiền xấu xa thế nào thế nào, khiến tổ chức đơn vị gây ra không ít áp lực cho Vương Tiền.

Lúc bình thường, Lưu Thiếu Kỳ cũng hay nói với Lưu Đào rằng Vương Tiền là người xấu xa như thế nào thế nào, mục đích chính là để Lưu Đào không có ấn tượng tốt về mẹ mình, không đi gặp bà.

Năm 1969, Lưu Thiếu Kỳ bị mắc bệnh mà qua đời tại Hà Nam, thi thể được bí mật hỏa táng, trên phiếu hỏa táng ghi danh tính là “Lưu Vệ Hoàng”, [2] chức vụ ghi là “Không có nghề nghiệp”.

Chú thích:

[1] Chủ nghĩa Trotsky (ở Việt Nam còn gọi là Tờ rốt-kít) là lý thuyết được Leon Trotsky phát triển kế thừa từ chủ nghĩa Mác. Trotsky ủng hộ việc thành lập một đảng tiên phong của giai cấp lao động, quốc tế vô sản, và chuyên chính vô sản dựa trên sự tự giải phóng và dân chủ quần chúng của tầng lớp lao động.

[2] Lưu Vệ Hoàng là tên họ thời thiếu niên của Lưu Thiếu Kỳ, cái tên này người ngoài hầu như không biết.

An Nhiên (T/H)

Xem thêm: