Ông Hồ Hải Phong, con trai của ông Hồ Cẩm Đào, hiện đang là Bí thư Thành ủy thành phố Lệ Thủy tỉnh Chiết Giang, lần đầu tiên được bầu làm đại biểu đảng của tỉnh Chiết Giang. Tương lai chính trị của ông đang thu hút sự chú ý.

p2917181a659919055
Ông Hồ Hải Phong, con trai cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào. (Ảnh từ MXH)

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20 ĐCSTQ), ban chấp hành Trung ương sẽ được bầu lại khóa mới. Hiện 31 khu hành chính cấp tỉnh, thành trên cả nước đã triệu tập đại hội đảng bộ và bầu ban thường vụ đảng ủy khóa mới.

Ngày 12/7, tờ Minh Báo (Ming Pao) tại Hồng Kông đưa tin, sau khi bầu ủy ban thường vụ đảng ủy địa phương khóa mới, trong số những nhân vật số 1, số 2 của 31 tỉnh thành, có đến 20 người không phải là ủy viên Ủy ban Trung ương, không phải là ủy viên dự khuyết Ủy ban Trung ương, cũng không phải là ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Nếu không có điều bất ngờ gì khác, thì họ sẽ vào danh sách của Ủy ban Trung ương mới. Đồng thời, sau cuộc bầu cử địa phương hiện nay, các ủy viên thường vụ tỉnh ủy sinh sau năm 1970 chiếm 17,8% trên tổng số.

Ông Hồ Hải Phong là thế hệ sinh sau năm 1970, lần đầu tiên được bầu làm đại biểu đảng tại đại hội đảng gần đây ở tỉnh Chiết Giang. Trong số các đại biểu đảng khóa mới, ngoài ông Hồ Hải Phong ra còn có Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn, 74 tuổi, được bầu ở tỉnh Giang Tô; Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì, 72 tuổi, được bầu ở tỉnh Liêu Ninh.

Bản tin của Minh Báo nói rằng trong những năm gần đây, mặc dù ông Hồ Hải Phong từng nhiều lần có tin đồn về việc thăng chức, nhưng cuối cùng vẫn không thành hiện thực. Trong khi đó, thành phố Lệ Thủy do ông đứng đầu, nhấn mạnh việc xây dựng một mô hình quốc gia “non xanh nước biếc chính là núi vàng núi bạc”; vào tháng Tư năm nay, tờ “Thời báo học tập” của ĐCSTQ, đã xuất bản một bài viết nhấn mạnh những thành tựu “3 năm” của thành phố Lệ Thủy. Giới quan sát cho rằng tương lai sự nghiệp chính trị của ông Hồ Hải Phong rất lạc quan.

Ông Hồ Hải Phong, sinh tháng 11/1972, năm nay 50 tuổi, hai năm trở lại đây có nhiều tin đồn ông được thăng cấp phó tỉnh, bao gồm cả tin đồn được thăng cấp thường vụ tỉnh ủy Phúc Kiến kiêm trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Phúc Kiến, bí thư thành ủy Tây An, thị trưởng Đại Liên và thị trưởng Thanh Đảo, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hồ Nam kiêm bí thư thành ủy Trường Sa, và bí thư thành ủy Nam Xương của Giang Tây. Gần đây nhất là vào tháng Một năm nay, có tin đồng ông được bổ nhiệm làm ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang kiêm tổng thư ký tỉnh ủy.

Mặc dù tin đồn thăng chức liên tục không thành hiện thực, nhưng trong thời gian nhậm chức tại thành phố Gia Hưng và thành phố Lệ Thủy của tỉnh Chiết Giang, ông Hồ Hải Phong vẫn nhiều lần bày tỏ lòng trung thành với ông Tập Cận Bình. Vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ vào năm ngoái, ông Hồ Hải Phong đã ca ngợi “phương pháp tư duy khoa học của ông Tập Cận Bình” trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên truyền hình địa phương, và gọi đó là “của cải tinh thần quý giá mà Tổng Bí thư Tập Cận Bình để lại cho Chiết Giang”. Các bình luận bên ngoài cho rằng việc thể hiện lòng trung thành với ông Tập Cận Bình như thế này là quá lố.

Tờ Minh Báo trước đó đưa tin rằng Ban Tổ chức Trung ương đã nhiều lần xem xét việc thăng chức cho ông Hồ Hải Phong, nhưng đều bị từ chối vì cha của ông là ông Hồ Cẩm Đào đã ngăn cản. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ năm nay, một nhóm quan chức địa phương sẽ bước vào hàng ngũ dự khuyết của Ủy ban Trung ương, hiện tại những quan chức cấp phó bộ sinh sau năm 1970 trên toàn quốc đã lên đến hơn 100 người, nếu ông Hồ Hải Phong không được thăng chức thì e là sẽ bị rớt lại phía sau. 

Ông Hồ Cẩm Đào từng được coi là đồng minh chính trị của ông Tập Cận Bình. Trong 10 năm nắm quyền, ông Hồ Cẩm Đào chịu sự can thiệp chính trị của ông Giang Trạch Dân. Ban đầu, ông Giang từ chức Tổng Bí thư nhường ghế cho ông Hồ, nhưng tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quân ủy trong hai năm. Sau đó, ông ta cũng sử dụng nhiều thân tín mà mình bồi dưỡng để kiểm soát ông Hồ Cẩm Đào. Tại Đại hội 18 ĐCSTQ, ông Hồ Cẩm Đào đã rút lui hoàn toàn, không còn tham luyến quyền lực, khi hạ đài không nắm quyền lực trong quân đội thêm vài năm như người tiền nhiệm Giang Trạch Dân, mà trực tiếp trao lại quyền Chủ tịch Quân ủy cho ông Tập Cận Bình. Ông Tập từng ca ngợi ông Hồ Cẩm Đào “có đức độ”.