Nhiều nguồn tin xác nhận Hội nghị Bắc Đới Hà của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mở màn, giới truyền thông Hồng Kông chỉ ra Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay có chế độ an ninh đặc biệt đối với ông Tập Cận Bình. Chỉ riêng tàu lửa chở ông Tập Cận Bình được dừng tại đài trăng số một ga xe lửa Bắc Đới Hà, còn dọc đường xe lửa cứ cách 200 mét lại có một lính gác. Trong tháng vừa qua bầu không khí chính trị tại Trung Quốc xuất hiện hàng loạt hiện tượng khác thường, cho thấy có thể có sóng gió chính trị tại Bắc Đới Hà.

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình (Ảnh từ internet)

Chế độ an ninh đặc biệt dành cho Tập Cận Bình

Theo Tân Hoa xã Trung Quốc, ngày 04/8, hai Ủy viên Bộ Chính trị Trần Hy và Hồ Xuân Hoa đã viếng thăm các chuyên gia Bắc Đới Hà và đã tổ chức buổi tọa đàm, điều này được xem là dấu hiệu khai màn hội nghị Bắc Đới Hà.

Ngày 06/8, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) Hồng Kông dẫn nguồn tin tiết lộ, công tác an ninh tại hội nghị năm nay cao hơn và khắt khe hơn nhiều so với quá khứ.

Nguồn tin chỉ ra rằng trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà, những khu vực lân cận đã bắt đầu tăng cường các biện pháp an ninh, từng chiếc xe đi vào trấn Tần Hoàng Đảo đều phải xin phép trước.

Một nguồn tin trong ngành truyền thông mà hàng năm đều trú lại vài tuần theo dõi tình hình Hội nghị Bắc Đới Hà cho biết, năm nay chỉ có xe lửa chở ông Tập Cận Bình mới được dừng lại ở đài trăng số một ga xe lửa Bắc Đới Hà.  Để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất, dọc theo đường xe lửa chở Tập Cận Bình cứ mỗi 200 mét có một người lính gác đứng bảo vệ.

Bắc Đới Hà kiểm tra an ninh bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt

Liên quan đến Hội nghị Bắc Đới Hà, trước đó qua những dấu hiệu về tăng cường kiểm soát giao thông và an ninh ở địa phương, thế giới bên ngoài từng đưa ra nhiều suy đoán.

Theo thông báo chính thức của giới chức Trung Quốc vào tháng trước, Tần Hoàng Đảo tỉnh Hà Bắc được tăng cường kiểm tra an ninh thường xuyên. Từ 14/7 – 19/8, Bắc Đới Hà thực hiện biện pháp hạn chế giao thông ngày chẵn và lẽ theo số đuôi xe chẵn và lẻ, ngoài ra hạn chế cho xe bên ngoài vào khu vực Bắc Đới Hà.

Theo mạng Thông tin Trung Quốc (Bannedbook) gần đây đưa tin, Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay được tăng cường mức độ kiểm soát an ninh, tại khu ra vào bãi tắm cầu Bình Thủy (Pingshui) lắp đặt các thiết bị như hệ thống nhận diện khuôn mặt, cửa an ninh, máy X-quang, cho đóng cửa và phân vùng quản lý.

Những thông tin từ nhiều nguồn còn chia sẻ trên mạng internet cho thấy ông Tập Cận Bình đã trải qua 10 vụ ám sát không thành, có lẽ đây là lý do bố trí an ninh khác thường tại Bắc Đới Hà lần này.

Nhật báo Đông Phương Hồng Kông tháng 12/2013 đưa tin, theo nguồn tin gần gũi Trung Nam Hải, trước và sau Hội nghị Bắc Đới Hà vào tháng 08/2012 ít nhất hai lần ông Chu Vĩnh Khang cố gắng ám sát ông Tập Cận Bình. Lần đầu đặt quả bom hẹn giờ trong phòng Hội nghị Bắc Đới Hà, lần sau là dùng kim tẩm độc khi ông Tập Cận Bình kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện 301. Do tình hình nguy kịch khi đó từng khiến Tập Cận Bình phải chuyển đến trung tâm chỉ huy quân sự Sơn Tây trú lại một thời gian.

Nhật báo Apple Hồng Kông cũng từng tiết lộ, sau khi Tập Cận Bình tiếp quản quyền lực đã phải chịu ít nhất 10 lần ám sát. Công tác điều tra sau đó cho thấy tất cả đều do những đối thủ chính trị trong bộ thuê sát thủ ra tay.

Năm 2014, Tạp chí Động hướng tại Hồng Kông đã trích dẫn nguồn tin từ quan chức cấp cao Trung Quốc cho biết, từ sau khi Tập Cận Bình nhậm chức Chủ tịch nước, Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương cho đến đầu tháng 07/2014 ban an ninh ĐCSTQ đã đưa ra hơn 16 lần cảnh báo an toàn, trong đó có 4 lần tại Bắc Kinh.

Chiến tranh thương mại dẫn đến quyết đấu tại Bắc Đới Hà?

Việc ông Tập Cận Bình được bố trí an ninh bảo vệ đặc biệt tại Bắc Đới Hà năm nay cũng ăn khớp với những tin đồn về không khí chính trị u ám của Trung Quốc thời gian qua.

Gần đây do bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Trung-Mỹ khiến nội bộ chính giới Trung Quốc xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn. Vì thế giới quan sát có nhiều dự đoán Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay sẽ bùng nổ đấu tranh khốc liệt trong giới quyền lực cấp cao Trung Nam Hải.

Ngày 15/7, trang tin Duowei News tại Mỹ (được cho rằng có quan hệ với giới chức Bắc Kinh) chỉ ra,  Hội nghị Bắc Đới Hà sẽ tập trung vào ba nội dung chính: Thứ nhất là ĐCSTQ làm thế nào đối phó với cuộc chiến thương mại; quản lý rủi ro tài chính; ngoài ra là thảo luận hoạt động tuyên truyền và xây dựng Đảng, không loại trừ khả năng để điều chỉnh “phong cách lãnh đạo”, bỏ nạn sùng bái cá nhân, làm nổi bật “lãnh đạo tập thể”.

Ngày 29/7, Nhật báo Kinh tế Hồng Kông công bố một bài viết chỉ ra có ba vấn đề bàn thảo tại Bắc Đới Hà năm nay: thứ nhất là sự thay đổi đột ngột cục diện thế giới, liệu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có trở thành một cuộc chiến tranh lạnh mới; thứ hai là cho dù đó là chiến tranh hay hòa bình, nếu chiến tranh thì là chiến tranh gì, phải có chính sách ứng phó; thứ ba là phải hình dung được sinh thái chính trị của Trung Quốc trong tương lai ra sao.

Mặc dù SCMP dẫn lại những phân tích mới nhất chỉ ra, hiện không thấy bất kỳ nhân vật nội bộ nào đủ tiềm lực để thách thức vị thế của Tập Cận Bình, vì vậy Bắc Đới Hà năm nay cũng chỉ là cơ hội cho Tập Cận Bình lắng nghe những ý kiến ​​khác nhau, không có gì hơn.

Nhưng ngày 19/7, SCMP dẫn nguồn tin tiết lộ các nhà chức trách ĐCSTQ cũng lưu tâm đến khoảng cách giữa những quan chức đến Bắc Đới Hà. Vì khu nhà ở của các quan chức đi nghỉ tại Bắc Đới Hà có khoảng cách rất gần nhau. Họ có thể chào nhau trong khi đi bộ. Nhưng mọi người đều nằm trong vòng vây bảo vệ dày đặc, muốn gặp được ông Tập Cận Bình là vô cùng khó khăn. Cuộc họp hàng tuần thường xuyên của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị vẫn sẽ được tổ chức trong kỳ nghỉ ở Bắc Đới Hà, nhưng các hội nghị bổ sung cần phải thông qua sự chấp thuận của Văn phòng Trung ương.

Cảnh báo của Tập Cận Bình sau chuyến thăm nước ngoài trở về

Trước thềm Hội nghị Bắc Đới Hà ông Tập Cận Bình có chuyến thăm châu Phi, sau khi trở về nước, việc đầu tiên là chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị vào ngày 31/7, cuộc họp đã không chỉ thảo luận về “những thách thức mới” mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt, Tập Cận Bình còn nhấn mạnh sáu vấn đề phải ổn định là “việc làm, tài chính, ngoại thương, đầu tư nước ngoài, đầu tư và dự trù”. Hội nghị cũng bàn thảo lại “Quy định kỷ luật” đối với các Đảng viên, yêu cầu các quan chức phải bảo vệ địa vị “hạt nhân Tập Cận Bình” và quyền lực của Trung ương.

RFI của Pháp có nhận định rằng tính căng thẳng tại Hội nghị báo hiệu bầu không khí khác thường sẽ đến tại Bắc Đới Hà.
Ngày 03/8, Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ lại công bố bài viết, một lần nữa yêu cầu bảo vệ địa vị hạt nhân của Tập Cận Bình; bài viết một lần nữa điểm lại những nhân vật Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Tôn Chính Tài, Lệnh Kế Hoạch bành trướng tham vọng chính trị, hoạt động âm mưu, và khẳng định rằng “trung ương quyết tâm trừ khử các nhóm lợi ích kiểu này để loại bỏ các nguy cơ chính trị”. Bài viết đề nghị các quan chức ĐCSTQ phải trung thành tuyệt đối, và kiên quyết bảo vệ địa vị hạt nhân của Tập Cận Bình, nhất quán triệt để với trung ương.

Như vậy, ngay thềm Hội nghị Bắc Đới Hà đã có hàng loạt động thái như để cảnh cáo trước, cho thấy bầu không khí chính trị Trung Quốc đang chìm trong u tối.

Trí Đạt

Xem thêm: