Trung Quốc đột ngột gỡ bỏ phong tỏa, số người nhiễm COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) tăng vọt, trong khi hệ thống y tế và tư tưởng của người dân chưa có sự chuẩn bị.

Một đoạn video được công bố vào ngày 19/12/2022 cho thấy có rất nhiều thi thể được phủ vải trắng trong Bệnh viện Thùy Dương Liễu (Chuiyangliu) ở Bắc Kinh chưa được mang đi xử lý.

Nhân viên y tế “giảm nghiêm trọng”, thời điểm tồi tệ nhất vẫn chưa đến

Theo trang tin The Paper tại Trung Quốc, gần đây nhiều bệnh viện ở Trung Quốc đã thông báo bị “giảm nhân sự nghiêm trọng“, ngoài việc khuyên nhân viên của các bộ phận hành chính lên tuyến đầu lâm sàng, một số bệnh viện kêu gọi nhân viên y tế nhiễm COVID-19 mà không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cần kiên trì công việc. Một số các bệnh viện còn sắp xếp cho những người nhiễm bệnh không có triệu chứng đến bệnh viện làm việc tại khu vực có người dương tính với COVID-19. Nhiều bệnh viện cũng chỉ ra rằng có thể thời khắc khốc liệt nhất vẫn chưa đến.

Bệnh viện số 1 của Đại học Cát Lâm đã ban hành một văn bản vào ngày 16/12, cho biết các bệnh viện đang phải đối mặt với áp lực rất lớn do sự phát triển nhanh chóng của dịch bệnh. Một là nhu cầu về nguồn lực y tế tiếp tục tăng; hai là số lượng nhân viên y tế bị nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng, số lượng nhân viên bị giảm nghiêm trọng, đặc biệt là khoa cấp cứu và phòng khám sốt, những ngày qua hoạt động đã quá tải.

Bệnh viện số 4 của thành phố Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc cho biết vào ngày 16/12, rằng một đến hai tháng tới hoặc thậm chí lâu hơn sẽ là “thời gian khó khăn” đối với các cơ quan y tế và nhân viên y tế trong nước. Bệnh viện số 4 hiện có lượng bệnh nhân lớn, trong đó có bệnh nhân dương tính với COVID-19, số nhân viên y tế nhiễm bệnh tăng, nhân viên tại chỗ tiếp tục giảm.

Bệnh viện Đa khoa Cấp cứu, nằm ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, ngày 18/12 đã đưa ra một văn bản, cho biết do tiếp xúc gần và bị cách ly, khoa cấp cứu đã từng giảm 10 nhân viên, bệnh nhân đông gấp mấy lần ngày thường, nhân viên y tế làm việc liên tục mười mấy tiếng đồng hồ đã trở thành trạng thái bình thường.

Dịch bùng phát làm nổi bật việc chuẩn bị điều trị y tế không đầy đủ

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, trong 3 năm qua, Trung Quốc đã dựa vào các phương pháp kiểm soát xã hội mạnh mẽ của mình để kiên trì chính sách ‘zero COVID’, cùng với việc các quốc gia khác trên thế giới dần thoát khỏi dịch bệnh, các phương pháp chính sách của Trung Quốc ngày càng trở nên hỗn loạn hơn. Ngày 7/12, chính sách phòng chống dịch bệnh của Chính phủ Trung Quốc có bước chuyển biến mạnh, khiến dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi trên cả nước, đặc biệt hệ thống y tế ở thủ đô Bắc Kinh đã quá tải.

Theo báo cáo, ông Lawrence Gostin, giám đốc Viện Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu tại Đại học Georgetown (Mỹ) cho biết, “Các bệnh viện của Trung Quốc đã chật kín, mặc dù không đến mức như các nước phương Tây trong đợt bùng phát biến thể Delta. Trong những tuần và tháng tới, hệ thống y tế của Trung Quốc có khả năng bị vỡ trận bởi các ca nhiễm virus corona mới.”

Báo cáo chỉ ra rằng các nguồn lực y tế của Trung Quốc chưa được đầu tư đúng mức. Có phân tích chỉ ra, chính quyền Trung Quốc đã đem tài nguyên vốn dùng cho việc mở rộng khả năng điều trị y tế, lại đi dùng cho việc tiến hành xét nghiệm axit nucleic liên tục và xây dựng bệnh viện container. Điều này dẫn đến hệ thống y tế đã không được chuẩn bị đầy đủ sau khi bùng phát.

Một số chuyên gia cho rằng thời điểm Trung Quốc mở cửa không lý tưởng, hệ thống y tế chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng lây nhiễm và người dân chưa được chuẩn bị tinh thần. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, các viện dưỡng lão ở Trung Quốc đã không được thông báo trước để dự trữ các loại thuốc liên quan, đồng thời không có mô hình kế hoạch dự phòng khẩn cấp nào để chuyển viện cho người cao tuổi sau khi bị nhiễm bệnh.

Bà Jennifer Jennifer, giám đốc Trung tâm Đại dịch tại Trường Y tế Công cộng Đại học Brown nói với VOA: “Khi nhiều người tìm kiếm dịch vụ y tế cùng một lúc, chất lượng chăm sóc mà mọi người nhận được sẽ giảm đi. Vì vậy, điều này có thể làm tăng số ca tử vong do dịch bệnh, không chỉ trực tiếp do virus, mà còn bao gồm cả những người tử vong do không nhận được chất lượng chăm sóc y tế mà họ lẽ ra có thể nhận được.”

Triệu tập bác sĩ đã nghỉ hưu quay lại làm việc, có tin đồn “nhiều bệnh viện ở Bắc Kinh rơi vào trạng thái tê liệt”

Vào ngày 15/12, ông Nhiếp Xuân Lôi (Nie Chunlei), Giám đốc Vụ Y tế Sức khỏe tầng cơ sở của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo rằng để đối phó với các vấn đề như không đủ nguồn lực y tế và chăm sóc y tế, các nhân viên đã nghỉ hưu trong 5 năm qua có thể được triệu tập trở lại để lấp đầy cơ quan y tế sức khỏe tầng cơ sở. Ngoài ra, có thể tuyển dụng cả những nhân viên y tế chưa từng làm việc ở vị trí này hoặc công việc ở các phòng ban khác, để giảm bớt áp lực của các cơ quan y tế tầng cơ sở.

Đài Á Châu Tự Do (RFA) đăng đoạn ghi âm cuộc họp nội bộ của một bệnh viện tư nhân ở Bắc Kinh, được lan truyền rộng rãi trên Weibo. Các quan chức cấp cao của bệnh viện cho biết dịch bệnh rất nghiêm trọng và nhiều bệnh viện đã bị tê liệt. Sau khi nới lỏng, đợt dịch đầu tiên hiện tại mới chỉ bắt đầu và ít nhất sẽ trải qua 4 đến 5 làn sóng dịch.

Cuộc họp nội bộ được tổ chức vào khoảng 9:00 sáng ngày 12/12. Trong đoạn ghi âm, một người phụ nữ nói: “Nhiều bệnh viện đã ở trong tình trạng tê liệt.” Vào ngày 11/12, Bắc Kinh đã tuyển dụng tất cả nhân viên y tế đã nghỉ hưu trở lại làm việc. “Quảng Châu cũng đang làm việc này, cho nên làn sóng dịch đầu tiên là rất nghiêm trọng, không như những gì chúng ta tưởng tượng, không phải là nằm ngửa mặc kệ dịch, thực ra dịch bệnh chỉ là mới bắt đầu.”