Trong bối cảnh tình hình nhạy cảm ở Hồng Kông, ông Trần Tư Nguyên, Cục trưởng Cục số 1 (Cục Bảo vệ An ninh quốc nội, gọi tắt là Quốc bảo) của Bộ Công an Trung Quốc, được thăng chức Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an. Có thông tin chỉ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “định tính” chiến dịch biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ tại Hồng Kông mang “màu sắc cách mạng”. Dù ĐCSTQ chưa chính thức gửi quân đội can thiệp, nhưng có những dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đang áp dụng nhiều cách bí mật khác nhau ứng phó tình hình Hồng Kông.

con thuy trieu luat dan0do
Cơn thủy triều chống lại Dự luật dẫn độ của công chúng Hồng Kông đã khiến chính quyền ĐCSTQ vô cùng hoang mang, không ngừng kêu gọi chống lại “cách mạng màu”, bảo vệ “quyền lực chính trị” của ĐCSTQ (Ảnh: Vision Times)

Ngày 20/8, chính quyền ĐCSTQ ra thông báo bổ nhiệm Trần Tư Nguyên làm trợ lý cho Bộ trưởng Bộ Công an của ĐCSTQ.

Ông Trần Tư Nguyên 55 tuổi, là thân tín của ông Vương Tiểu Hồng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an kiêm Giám đốc Công an Thành phố Bắc Kinh

Ông Trần Tư Nguyên sinh tháng 11/1964, người Hàm Sơn tỉnh An Huy, từng là lãnh đạo công an tại nhiều địa bàn ở Bắc Kinh: Giám đốc Chi nhánh Tuyên Vũ, Giám đốc Chi nhánh Tây Thành, Phó Giám đốc Công an Bắc Kinh, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật Bắc Kinh, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng An ninh Bắc Kinh, Chủ nhiệm Văn phòng Duy trì ổn định thành phố Bắc Kinh, chức vụ gần đây nhất là Cục trưởng Cục số 1 (Cục Quốc bảo) Bộ Công an Trung Quốc.

Nhật báo Sing Tao Hồng Kông đưa tin, dự kiến ​​ông Trần Tư Nguyên sẽ vẫn kiểm soát Cục Quốc bảo sau khi được thăng chức Trợ lý Bộ trưởng.

Theo thông tin, hồi tháng 6/2018, một cán bộ cũ của Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Vương Tiểu Hồng là Lâm Nhuệ được đề bạt làm Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an. Tháng 9/2018, Bộ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ lại bổ nhiệm một trợ lý Bộ trưởng là Nhiếp Phúc Như. Sau đó hai tháng, Lâm Nhuệ được thăng chức Thứ trưởng Bộ Công an.

Với việc bổ nhiệm Trần Tư Nguyên, Bộ Công an ĐCSTQ lại thêm một lần nữa có hai Trợ lý Bộ trưởng. Nhưng đáng chú ý là việc bổ nhiệm Trần Tư Nguyên lần này trùng khớp thời điểm phong trào biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ của người Hồng Kông không ngừng leo thang.

Phong trào biểu tình của người Hồng Kông kéo dài hơn hai tháng qua vẫn đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Việc chính phủ Hồng Kông làm ngơ trước các yêu cầu của người biểu tình và để cho cảnh sát dùng vũ lực đàn áp, được nhiều nhà quan sát nhận định do “thế lực đen” đứng sau là ĐCSTQ, vẫn thường xuyên hăm dọa bằng tuyên truyền bôi nhọ và đe dọa dùng quân đội đàn áp.

Ngày 17/8, tờ Minh Báo Hồng Kông đưa tin, một nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ rằng tại cuộc họp Bắc Đới Hà năm nay giới quan chức cấp cao cả đương nhiệm và đã nghỉ hưu của ĐCSTQ đã định tính chiến dịch biểu tình của người Hồng Kông là “màu sắc cách mạng” chống lại ĐCSTQ.

Thông tin cho biết việc định tính sự kiện biểu tình ở Hồng Kông mang “màu sắc cách mạng” trùng với phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ Triệu Khắc Chí tại Hội nghị Giám đốc Công an Quốc gia  ngày 17/1 năm nay. Khi đó ông Triệu đã nhấn mạnh hệ thống công an phải tập trung toàn lực ngăn chặn “cách mạng”, bảo vệ “an ninh chế độ, an ninh chính quyền” của ĐCSTQ.

Về vấn đề này, nhà bình luận chính trị Lý Lâm Nhất nhận định, do các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã cảm thấy rằng chế độ ĐCSTQ đang gặp nguy hiểm và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, vì vậy họ liên tục hô hào chống lại “màu sắc cách mạng” và bảo vệ quyền lực chính trị ĐCSTQ.

Đầu năm 2019, nhiều nhà quan sát Trung Quốc đã nhấn mạnh tình hình Trung Quốc với thuyết “9 năm lại loạn”. Do đó, nhiều nhà bình luận cho rằng hiện nay ĐCSTQ sợ nhất những phong trào như phản đối Dự luật dẫn độ tại Hồng Kông, lo sợ phong trào này sẽ thu hút người dân Đại Lục quan tâm, thức tỉnh và noi theo.

Quan điểm này cũng từng được Chuẩn tướng Không quân Mỹ Robert Spalding đã nghỉ hưu, hiện là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Hudson Mỹ chỉ ra, ông cho rằng ĐCSTQ lo ngại các cuộc biểu tình công khai ở Hồng Kông sẽ lan sang Trung Quốc Đại Lục.

Đáng chú ý là cảnh sát Hồng Kông đã đóng vai kẻ ác trong đàn áp hoạt động biểu tình của người Hồng Kông. Điều này dĩ nhiên có lý do rõ ràng. Hiện nay Lý Giang Châu, Trưởng Liên lạc Cảnh vụ Văn phòng Liên lạc ĐCSTQ tại Hồng Kông là nhân vật chi phối quyền lực trong cảnh sát Hồng Kông. Nhân vật này từng là Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia của Bộ Công an ĐCSTQ, sau nhậm chức Chủ nhiệm Văn phòng Xử lý tình hình Hồng Kông – Macau – Đài Loan của Bộ Công an. Ông cũng từng có thời gian 4 năm là thuộc hạ của cựu Bộ trưởng Công an Quách Thanh Côn. Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật ĐCSTQ Quách Thanh Côn hiện nay chính là cháu ngoại của cựu Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng.

Ngoài ra, vô số thủ đoạn bỉ ổi trong giới cảnh sát Hồng Kông đàn áp biểu tình thời gian qua cũng khiến giới quan sát nghi ngờ đó là hành vi của công an Đại Lục mà ĐCSTQ đã bí mật gửi vào Hồng Kông. Giáo sư tại Đại học Baptist Hồng Kông Jean-Pierre Cabestan từng tiết lộ rằng có khoảng 2.000 cảnh sát ĐCSTQ đã tham gia vào Cảnh sát Hồng Kông, lực lượng Cảnh sát Hồng Kông trực tiếp tuân theo lệnh của Văn phòng Liên lạc chứ không phải Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam).

Vấn đề này cũng đã được một số hãng truyền thông Hồng Kông đưa tin, chỉ ra rằng các khu vực tại Trung Quốc Đại Lục đã phái cảnh sát vũ trang hoặc công an bí mật đến Hồng Kông để “thực thi nhiệm vụ”. Nhiều trường hợp khi cảnh sát Hồng Kông đàn áp người dân Hồng Kông không thấy có bảng tên và thẻ cảnh sát, liên tục tấn công các phóng viên, người biểu tình…

Do đó có những nghi ngờ rằng, việc lần này ông Trần Tư Nguyên thăng quan nếu vẫn kiêm chức Cục trưởng Cục Quốc bảo của Bộ Công an, phải chăng ĐCSTQ đang tăng cường vai trò ổn định của hệ thống quốc bảo đối với tình hình ở Hồng Kông?

Tuyết Mai

Xem thêm: