Sau 5 năm từ kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và chống tham nhũng, trước khi diễn ra Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một cuộc chiến truy cứu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng hủ bại cũng đã nổ phát súng đầu tiên. Bình luận của truyền thông Hồng Kông đặt vấn đề, trong “cuộc chiến trên bờ biển” (chỉ Hội nghị Bắc Đới Hà), cuối cùng trách nhiệm để xảy ra tham nhũng sẽ rơi vào ai, phe phái nào sẽ trở thành đối tượng loại trừ trong cuộc tái cơ cấu quyền lực, thậm chí trở thành mục tiêu bị trừng phạt?

GIANG TRACH DAN HO CAM DAO
Giang Trạch Dân (trái) và Hồ Cẩm Đào (phải)

Tạp chí Tranh Minh (Hồng Kông) số ra tháng 8/2017, đăng bài bình luận của Vương Đức Bang cho rằng, hành động chống tham nhũng đã bắt đầu cách đây 5 năm từ sau Đại hội 18, năm nay sẽ diễn ra Đại hội 19, là bước ngoặt trong sắp xếp nhân sự, điều chỉnh cả bộ máy chính quyền Trung Quốc và tái cơ cấu quyền lực. Trong khoảng thời gian này, nhất là gần một năm nay, cuộc truy cứu căn nguyên dẫn đến xảy ra hủ bại tham nhũng, thực hiện cuộc chiến tấn công, phòng thủ với người chịu trách nhiệm để xảy ra chuyện này ngày càng mạnh mẽ hơn, đã đến mức công khai tuyên chiến.

Bài phân tích cho rằng, nếu cuối cùng trách nhiệm tham ô hủ bại rơi vào phe nào, phe đó sẽ trở thành đối tượng bị bài xích trong tái cơ cấu quyền lực, thậm chí trở thành mục tiêu bị trừng phạt, tức là không những bị đẩy ra ngoài mà còn mất đi cơ hội được phân chia lợi nhuận quyền lực, hơn nữa còn đối mặt với tù tội. Do đó, công kích, phòng thủ, chiến đấu để quy trách nhiệm làm xảy ra tham nhũng hủ bại trước Đại hội 19 đã trở thành cuộc chiến sinh tử của các phe phái.

Bài viết còn nhắc tới một bộ phim dài tập chống tham nhũng được lên sóng hồi tháng trước có tên “Danh nghĩa của nhân dân”, và nói đến một chi tiết nhỏ, đó là đoạn đối thoại giữa Bí thư Ủy ban Chính Pháp tỉnh Đông Hán Cao Dục Lương và người vợ họ Ngô là giáo sư đại học. Cao Dục Lương nói: “Để anh nhớ kỹ lại đã, tố chất của đội ngũ cán bộ đó bị giảm sút, cũng chính là việc của 10 năm gần đây. Trong những năm này kinh tế đã khởi sắc, chính quyền các cấp cũng có nhiều tiền, tham ô hủ bại cũng ngày càng nghiêm trọng.”

Bài viết cho rằng, từ hồi ức của Cao Dục Lương, kết luận đưa ra là tố chất cán bộ đã giảm sút “cũng chính là chuyện của 10 năm gần đây”, có thể thấy Cao Dục Lương đã xác định thời gian quan trường bị hủ bại là trong 10 năm gần đây, vậy trách nhiệm của lãnh đạo chính là trong 10 năm đứng đầu nắm quyền lực. Từ khoảng thời gian này mà tính thì chính là thời gian chấp chính của ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, mà ông Tập Cận Bình từ khi lên nắm quyền đã mạnh tay chống tham nhũng hủ bại, do đó không cách nào quy trách nhiệm để xảy ra tham ô hủ bại lên đầu ông được, và người còn lại chính là ông Hồ Cẩm Đào.

Từ thời ông Hồ Cẩm Đào nắm quyền lực nhưng vẫn bị ông Giang Trạch Dân thao túng, ông Hồ không chỉ “sống” dưới cái bóng của ông Giang Trạch Dân, mà trong nhiều lĩnh vực như Đảng, chính phủ, quân đội đều bị người của ông Giang Trạch Dân  thao túng toàn diện, điều bất ngờ nhất là trong trận động đất Tứ Xuyên năm 2008, Thủ tướng Ôn Gia Bảo không hề điều động quân đội để cứu trợ.

Trước đó không ít bình luận cho rằng, quan trường ĐCSTQ hủ bại toàn diện, bắt đầu từ năm 1989 sau sự kiện Lục Tứ và cũng là thời  kỳ ông Giang Trạch Dân nắm quyền.

Bài viết của Vương Đức Bang cũng đề cập, tạp chí Tranh Minh số ra tháng 12/2016 đưa tin, ông Hồ Cẩm Đào gửi thư tới Bộ Chính trị, bên cạnh việc khen ngợi công tác đương nhiệm, ông còn đề xuất yêu cầu đưa ra kết luận chính trị và tổ chức kết luận đối với biểu hiện công tác trong nhiệm kỳ sau Đại hội 16 và 17 của ĐCSTQ. Vương Đức Bang chỉ ra, trên thực tế đây là phản ánh của cuộc tranh đấu kịch liệt. Bởi vì Trung Quốc có cách nói “đậy nắp quan tài rồi mới kết luận”, khi còn sống rất hiếm người đề xuất yêu cầu đưa ra kết luận, hiển nhiên là ông Hồ Cẩm Đào đã chịu áp lực rất mạnh, mà áp lực này có lẽ là ông đã nhìn thấy trách nhiệm để xảy ra hủ bại sắp bị đổ lên đầu mình. Một khi trách nhiệm bị đổ lên đầu ông Hồ Cẩm Đào thì sẽ trực tiếp liên quan tới phe ông Giang Trạch Dân, bởi vì trách nhiệm cuối cùng để xảy ra hủ bại sẽ chỉ có thể truy ngược lên đầu Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, do đó ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đảo mỗi người đều tự triển khai cuộc tấn công và phòng thủ kịch liệt là điều khó tránh.

Tạp chí Tranh Minh số ra tháng 12/2015 đưa tin, mùa thu năm 2015, ông Hồ Cẩm Đào tuân theo lời dặn của bác sĩ đến các bệnh viện Phúc Kiến, Quảng Tây, Hồ Nam và Hồ Bắc dề nghỉ dưỡng. Tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, ông tham gia một hội nghị nội bộ của địa phương, khi đó lần đầu tiên ông tiết lộ trong thời gian làm lãnh đạo đất nước, vì ông Giang Trạch Dân thao túng quyền lực can dự vào chính trị nên đã gây ra sự đấu đá kịch liệt.

Vương Đức Bang còn chỉ ra, dưới chế độ chính trị độc tài của ĐCSTQ, trách nhiệm có nghĩa là công việc đã gánh vác trước đây, và còn liên quan trực tiếp tới sự phân bổ quyền lực tương lai. Trách nhiệm để cho các tập đoàn quyền lực trở nên hủ bại bị đổ lên đầu ông Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào, không chỉ liên quan tới kết luận lịch sử của hai người này mà còn trực tiếp liên quan tới sự tồn vong của thế lực chính trị đại biểu cho họ.

Bài viết chỉ ra, thời gian diễn ra Đại hội 19 đã gần kề, nhận định cuối cùng về gốc rễ của hủ bại và người chịu trách nhiệm đã được đặt lên bàn của người đương nhiệm, nó đã trở thành kết luận cần phải đưa ra của chính quyền. Cuộc tranh đấu xoay quanh vấn đề này ngày càng trở nên kịch liệt, bao gồm việc mượn lời của Cao Dục Lương trong bộ phim “Danh nghĩa của nhân dân” để tuyên bố, từ hồi đầu năm nay, nhiều sự kiện vạch trần dưới danh nghĩa chống tham nhũng bên ngoài Trung Quốc, đều xoay quanh cuộc tranh đấu này, thậm chí sự ra oai nhiễu loạn liên tiếp trong vấn đề vũ khí hạt nhân, đều có quan hệ với cuộc đấu tranh của các tập đoàn quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ.

Trí Đạt

Xem thêm: