Tháng 5 vừa qua, chính quyền Trung Quốc tuyên bố tất cả công dân Đại lục hiện có thể sinh con thứ ba, bãi bỏ mức giới hạn sinh tối đa hai con được áp dụng từ năm 2016.

Embed from Getty Images

Trong tuần này, Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc (CFPA) – tổ chức được thành lập vào năm 1980 trong thời kỳ đỉnh cao của chính sách một con, thông báo rằng họ đang kêu gọi công chúng sáng tạo các khẩu hiệu để “quảng bá cho một thời kỳ mới của văn hóa hôn nhân và kế hoạch hóa gia đình cũng như nuôi dưỡng một bầu không khí xã hội thân thiện với việc sinh nở.”

Hiệp hội hy vọng những khẩu hiệu gửi đến cuộc thi sẽ được “mọi người từ các nền tảng văn hóa, giới tính và độ tuổi khác nhau đón nhận.” Họ cũng mong muốn quảng bá cho “sự phát triển dân số lâu dài và cân bằng” cũng như “các giá trị gia đình hài hòa”, bao gồm việc “kết hôn ở một độ tuổi thích hợp.”

CFPA cho biết, cuộc thi kéo dài đến ngày 15/9, sau đó ban giám khảo sẽ đánh giá các khẩu hiệu và chọn ra 35 người chiến thắng, với phần thưởng tiền mặt từ 300 nhân dân tệ (hơn 1 triệu VND) đến 1000 nhân dân tệ (hơn 3,5 triệu VND).

Tuy nhiên tổ chức này đã không nhận được những gì mình trông đợi, ít nhất là trên các phương tiện truyền thông xã hội. Ngược lại, yêu cầu của CFPA được đáp ứng bằng những lời chế giễu và châm biếm dở khóc dở cười.

Nếu Internet Trung Quốc được hoạt động tự do, khẩu hiệu “chính thức” để thúc đẩy chính sách ba con sắp tới của đất nước có thể là: “Nếu bạn không kết hôn hoặc không sinh con, bạn sẽ phải ngồi tù. Nếu bạn kết hôn hoặc sinh con, bạn sẽ được đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc.”

Đây chỉ là một trong các ví dụ về những khẩu hiệu mang tính chế nhạo mà chính phủ Trung Quốc nhận được khi cố gắng tuyên truyền chính sách kế hoạch hóa gia đình mới của mình.

Một cư dân mạng nói: “Hãy sinh thêm con, rồi chết sớm, đừng tạo bất kỳ gánh nặng nào cho đất nước của bạn.”

Một ý tưởng cũng rất phổ biến khác: “Nếu bạn không sinh con và tôi cũng không sinh con, thì nguồn lao động giá rẻ sẽ đến từ đâu?”

Những câu khẩu hiệu châm chọc này gợi lại ký ức về một thời kỳ Trung Quốc ngập tràn các thông điệp tuyên truyền gay gắt hoặc thậm chí là mang tính uy hiếp.

Trong những năm 1980, khi Trung Quốc thực hiện chính sách một con khét tiếng, rất nhiều những lời mang tính cưỡng chế được vẽ trên tường hoặc viết trên các biểu ngữ yêu cầu phụ nữ đặt dụng cụ tránh thai vào tử cung sau khi họ sinh được một con.

Những câu tuyên truyền phổ biến thời đó như: “Nếu 1 đứa trẻ được sinh ra ngoài kế hoạch, cả làng sẽ bị triệt sản.” hoặc “Thà có 10 ngôi mộ còn hơn có thêm một đứa trẻ.”

Khi Trung Quốc thực hiện chính sách hai con từ năm 2016, các câu khẩu hiệu đã trở nên “tinh tế” hơn, như: “một là quá ít, trong khi hai là vừa phải”, tuy nhiên vẫn ẩn giấu trong đó thông điệp sâu xa rằng người dân nên tuân thủ chính sách dân số quốc gia.

Và ngày nay, khi chính sách ba con bắt đầu được triển khai, việc tuyên truyền sẽ ngược lại với thông điệp của chính sách một con vì chính phủ đang cố gắng khuyến khích người dân sinh nhiều con hơn chứ không phải sinh ít đi. Cư dân mạng Trung Quốc đã chế nhạo cuộc thi tuyên truyền cho chính sách này của CFPA bằng cách dùng giọng điệu tương tự như thời những năm 1980.

Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình trạng dân số già đi nhanh chóng cộng với tỷ lệ sinh thấp nhất trong nhiều thập kỷ.Nhiều người dân Trung Quốc đang phải đối mặt với một xã hội cạnh tranh và áp lực cao, do đó họ trì hoãn việc sinh con hoặc quyết định sẽ không có con.

Chính phủ đã đưa ra các chính sách khiến cho việc ly hôn trở nên phức tạp hơn và ban hành nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy mọi người sinh con, chẳng hạn như phát 500 nhân dân tệ (gần 2 triệu VND) hàng tháng hoặc cho phép thêm 30 ngày nghỉ thai sản.

Cho đến nay, các biện pháp này không có nhiều tác động, tỷ lệ sinh ở một số vùng của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh, một số chuyên gia trả lời tờ SCMP vào cuối tháng 7 rằng: “tăng trưởng dân số âm là điều không thể tránh khỏi.”

Vy An (Theo SCMP)

Xem thêm: