Trước thềm Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vấn đề ông Tập Cận Bình có thể duy trì quyền lực hay không tiếp tục thu hút sự chú ý. Cựu giáo sư Thái Hà (Cai Xia) của Trường Trung ương Đảng ĐCSTQ mới đây đã có bài viết trên truyền thông Mỹ phân tích về vấn đề này.

Tập Cận Bình Vương Kỳ Sơn
Ông Tập Cận Bình (phải) và ông Vương Kỳ Sơn. (Ảnh chụp màn hình video)

Tạp chí Ngoại giao (Foreign Affairs) nổi tiếng của Mỹ hôm 6/9 đã đăng một bài dài của cựu giáo sư Trường Trung ương ĐCSTQ Thái Hà (bản tiếng Trung hơn 12.000 chữ), có tựa “Những điểm yếu của Tập Cận Bình: Ngông cuồng và cố chấp đe doạ tương lai của Trung Quốc như thế nào?”. Qua bài viết, tác giả nhận định rằng ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ 5 năm thứ ba, nhưng “quyền lực đang bị thách thức chưa từng có” từ phe cánh. “Tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong ĐCSTQ sẽ gay gắt, phức tạp và tàn bạo hơn bao giờ hết”.

Bà Thái Hà hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, vào tháng 8/2020 đã bị Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ thông báo khai trừ Đảng và hủy bỏ đãi ngộ hưu trí với lý do bà “có những phát ngôn có vấn đề chính trị nghiêm trọng và tổn hại danh dự quốc gia”.

Bà cho hay, “Tôi đã có cơ hội trong một thời gian dài tiếp xúc cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ” qua 15 năm giảng dạy tại Trường Trung ương Đảng của ĐCSTQ. Hiện nay bà vẫn duy trì nhiều mối quan hệ tại Trung Quốc. Bài viết cũng trích dẫn một số tiết lộ của những “người trong cuộc” tại Trung Quốc.

Quy tắc quyền lực của “mafia lãnh đạo”

Bà Thái Hà gọi ĐCSTQ là “mafia” (xã hội đen). Bài viết chỉ ra rằng quyền lực trong ĐCSTQ vốn chủ yếu dựa trên các mối liên hệ và hậu thuẫn, giống như một tổ chức mafia hơn là một đảng phái chính trị hiện đại [dựa trên luật pháp và dân chủ], tiêu biểu như ông Tập Cận Bình đã dựa vào ảnh hưởng của cha mình là ông Tập Trọng Huân để leo lên đỉnh cao quyền lực.

Bà tiết lộ hoạt động quyền lực kiểu mafia của Bộ Chính trị đứng đầu ĐCSTQ:

“Lãnh đạo cao nhất của Đảng là thủ lĩnh băng đảng, còn bên dưới là tay chân, cái gọi là Ban Thường vụ Bộ Chính trị phân chia quyền lực theo thông lệ, mỗi người chịu trách nhiệm về mỗi lĩnh vực: đối ngoại, kinh tế, nhân sự, chống tham nhũng… Có thể xem họ là những kẻ tham mưu cho đại ca trùm băng đảng về các lĩnh vực phụ trách của họ.”

“Ngoài Ban Thường vụ còn có 18 ủy viên Bộ Chính trị khác, có thể được coi là trong nhóm đứng đầu băng đảng nhưng thực hiện các mệnh lệnh của thủ lĩnh, loại bỏ mọi loại đe dọa và nguy hiểm tiềm ẩn để giành được ưu ái. Địa vị của họ có nghĩa là đặc quyền, có nghĩa là khi cần thiết có thể tịch thu tài sản và thôn tính doanh nghiệp mà không bị trừng phạt.”

“Giống như mafia, ĐCSTQ đã quen với việc sử dụng các thủ đoạn bất chấp quy tắc để đạt được những gì họ muốn: hối lộ, tống tiền, thậm chí là bạo lực.”

Bài viết cũng đề cập những thay đổi trong quy tắc cai trị quyền lực kể từ khi ĐCSTQ được thành lập. Từ giữa những năm 1960, ông Mao Trạch Đông nắm quyền kiểm soát tuyệt đối và quyền quyết định cuối cùng đối với mọi công việc, khi ông Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền vào năm 1978 đã bãi bỏ chế độ độc tài suốt đời của Mao, giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước Trung Quốc được hai nhiệm kỳ 5 năm và thiết lập mô hình lãnh đạo tập thể. Vào năm 1982, ban lãnh đạo ĐCSTQ thậm chí đã viết vào Điều lệ Đảng cấm việc sùng bái cá nhân. Nhưng ý muốn phân cấp quyền lực của ông Đặng chỉ dừng lại ở đây, khi ông Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương đấu tranh để có tự do về mặt chính trị thì đã bị Đặng thanh trừng.

Bà Thái Hà cho biết sau thời ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đến thời ông Tập Cận Bình lên nắm quyền thì nhiều người ở phương Tây đã ca tụng ông ta là Gorbachev của Trung Quốc, nhưng hóa ra đó chỉ là ảo tưởng. Hoàn toàn ngược lại, ông Tập đặt ra mục tiêu thiết lập quyền lực tuyệt đối vào bản thân. “Bây giờ, giống như thời Mao Trạch Đông, một lần nữa Trung Quốc lại tái diễn sùng bái lãnh đạo”.

Năm 2018, Đại hội 18 đã sửa đổi hiến pháp để bãi bỏ chế độ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước, mở đường cho ông Tập tiếp tục nắm quyền.

Ông Tập đối mặt phản đối ngày càng tăng từ các phe trong Đảng

Bài báo viết: “Lãnh đạo của ĐCSTQ chưa bao giờ thống nhất vững chắc. Như ông Mao Trạch Đông từng nói ‘có đảng phái ngoài Đảng, trong Đảng có phe, xưa nay đều thế’”. Ông Tập Cận Bình đang tìm kiếm quyền lực tối cao tại Đại hội 20, nhưng đang phải đối mặt với những thách thức từ các phe “tả, trung, hữu” nội bộ ngày càng mạnh.

Trong đó, những người cánh tả thống trị trước thời đại Đặng Tiểu Bình chủ trương tiếp tục đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng. Bao gồm nhiều phe phái phụ mang danh nghĩa sùng bái Mao Trạch Đông.

Phe trung gian chủ yếu là hậu duệ chính trị của ông Đặng Tiểu Bình, là phe thống trị bộ máy hành chính của ĐCSTQ. Bao gồm cả phe Đoàn Thanh niên của ông Thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường. Phe này ủng hộ các cải cách kinh tế sâu rộng và các cải cách chính trị có giới hạn theo xu thế ranh giới bảo đảm quyền lực thống trị của ĐCSTQ.

Còn phe thứ ba là phe hữu, phe này trong bối cảnh Trung Quốc là những người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ nền kinh tế thị trường và chủ nghĩa chuyên chế ôn hòa (và thậm chí cả nền dân chủ hợp hiến). Cánh hữu bao gồm những người theo kiểu ông Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, và có lẽ cả cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Bà Thái Hà cũng cho biết bà theo xu hướng này.

Tác giả chỉ ra rằng tuy ban đầu, phe tả ủng hộ các chính sách của ông Tập, nhưng giờ đây tin rằng ông ấy đã không làm đủ để phục hồi các chính sách của Mao. Phe trung gian không hài lòng với việc ông Tập đảo ngược cải cách kinh tế. Ông Lý Khắc Cường từ lâu đã âm thầm chống lại chính sách ‘Zero-COVID’ của ông Tập, nhấn mạnh sự cần thiết để các doanh nghiệp hoạt động bảo vệ nền kinh tế. Còn phe hữu thì hoàn toàn im lặng.

Nhưng tác giả cũng chỉ ra: “Không hài lòng là một chuyện, còn hành động lại là chuyện khác”. Bởi vì các nhân vật cấp cao của ĐCSTQ nếu chống lại ông Tập sẽ bị cáo buộc là tham nhũng. Với giám sát công nghệ cao, mọi người luôn cảnh giác qua lại bên ngoài các sự kiện chính thức. Công chúng cũng giữ im lặng.

Bà Thái Hà đề cập rằng bà biết được từ một người quen trong ĐCSTQ rằng khoảng năm 2014, người của ông Tập đã đến thăm một quan chức cấp cao từng công khai chỉ trích ông Tập. Người đó cảnh báo rằng ông ta sẽ bị điều tra về tội tham nhũng nếu việc chỉ trích không dừng lại. Thế là sau đó ông ấy đã im lặng.

Phàn nàn của ông Vương Kỳ Sơn và thanh trừng ông Lưu Á Châu

Bài viết chỉ ra cách hoạt động của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã được thay đổi, ông Tập yêu cầu mọi thành viên Bộ Chính trị, thậm chí cả Ban Thường vụ, phải thường xuyên nộp báo cáo công việc và đích thân ông Tập sẽ xem xét kết quả công việc của họ. Một cựu quan chức ở Bắc Kinh nói với bà Thái Hà rằng khi ông Vương Kỳ Sơn (người bạn lâu năm của ông Tập) còn nằm trong Ban Thường vụ, đã phàn nàn với bạn bè rằng mối quan hệ giữa ông Tập và các thành viên khác của Ban Thường vụ đã biến thành như quan hệ “vua – bề tôi”.

Bà Thái Hà cho biết vào khoảng năm 2017, một tướng lĩnh nổi tiếng của ĐCSTQ là ông Lưu Á Châu, là con rể của cựu Chủ tịch Trung Quốc, đã viết thư cho ông Tập Cận Bình đề nghị điều chỉnh các chính sách tại Tân Cương. Tuy nhiên, ông bị cảnh báo không được đưa ra thêm bất kỳ ý kiến nào. Vào tháng 12, bà Thái Hà biết được từ một số liên lạc ở Trung Quốc rằng ông Lưu Á Châu và em trai của ông ấy (cũng có quân hàm cấp tướng) đã cùng bị “mất tích”, nhà của họ bị khám xét.

Bài viết chỉ ra rằng việc giam giữ anh em Lưu Á Châu như kiểu cảnh cáo đối với các quan chức cấp cao. Nhưng qua động thái của các tướng lĩnh quân đội cho thấy họ bị giằng xé giữa lòng trung thành đối với cá nhân ông Tập và lòng trung thành của họ với Quân ủy Trung ương.

Ngoài ra, giới nguyên lão đã nghỉ hưu cũng bị cảnh cáo. Vào tháng Giêng năm nay, nhà chức trách thông báo Chính phủ sẽ thông qua nguyên tắc “truy cứu trách nhiệm ngược tới thời gian 20 năm công tác”, sau đó vào tháng Năm tăng nguyên tắc hướng dẫn đối với cán bộ hưu trí, cảnh báo “không công khai thảo luận về các chính sách lớn của Đảng, không được lan truyền các ý kiến chính trị ​​tiêu cực”.

Đấu đá ngầm cam go trước thềm Đại hội 20

Tác giả bài viết chỉ ra rằng hiện tại các đối thủ đang tập trung vào con đường hợp pháp để loại bỏ ông Tập Cận Bình, nhằm không để ông được tái nhiệm nhiệm kỳ thứ 3 tại Đại hội 20 sắp tới. Các cử tri quan trọng nhất là những người trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, do đó ông Tập Cận Bình đang cố gắng hết sức để đảm bảo được sự ủng hộ từ ban này, từ việc cam kết họ sẽ tiếp tục nắm quyền đến không tiến hành các cuộc điều tra về gia đình của họ.

Bà Thái Hà nhận định cuộc đấu đá nội bộ trong ĐCSTQ rất cam go trước thềm Đại hội 20; theo đó sẽ có thêm nhiều quan chức cấp cao hơn có thể bị bắt, đưa ra xét xử, trong khi những người chỉ trích cũng sẽ tiết lộ nhiều thông tin hơn và lan truyền nhiều tin đồn hơn.

Bài viết cho rằng kết quả có thể xảy ra nhất vào mùa thu này là ông Tập sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước và quân đội ĐCSTQ, sau đó bằng cách thắt chặt kiểm soát xã hội thì Trung Quốc ngày càng trở nên giống Triều Tiên hơn, từ đó khiến rủi ro chiến tranh, bất ổn xã hội và khủng hoảng kinh tế sẽ gia tăng…

Tác giả cho rằng nếu ông Tập Cận Bình tấn công quân sự đối với Đài Loan thì cuộc chiến có thể sẽ không diễn ra theo như ông mong đợi, vì Đài Loan với sự giúp đỡ của Mỹ sẽ có thể chống lại và gây thiệt hại nghiêm trọng cho Trung Quốc. Bà Thái Hà chia sẻ, “Điều đáng sợ nhất đối với ĐCSTQ là thất bại nhục nhã trong cuộc chiến này. Điều này sẽ mở đường không chỉ cho sự sụp đổ của cá nhân ông Tập, mà thậm chí có thể dẫn đến sự sụp đổ của ĐCSTQ”.

Ninh Tĩnh
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân bà Thái Hà, được đăng trên Epoch Times.)