Chính sách can dự của Hoa Kỳ với Trung Quốc trong những thập kỷ qua một lần nữa làm dấy lên sự lo ngại. Bà Thái Hà, một giáo sư đã nghỉ hưu của Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã kêu gọi Hoa Kỳ từ bỏ hy vọng “ngây thơ” về chính sách này. Đồng thời cảnh báo rằng sự lãnh đạo của ĐCSTQ kỳ thực chỉ như một con hổ giấy, mong manh hơn vẻ bề ngoài của họ.

Bà Thái Hà, một giáo sư đã nghỉ hưu của Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, nói rằng bề ngoài thì ĐCSTQ đầy quyền lực nhưng thực tế lại rất mong manh. (Ảnh qua Epoch Times).

Theo báo cáo trên tờ Wall Street Journal ngày 29/6, bà Thái Hà, cựu giáo sư tại Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh, sẽ nộp một cuốn sách cho Viện Hoover trong tuần này và công bố một bài báo dài 28 trang nhân dịp sự kiện Kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ.

Trong bài viết dài của mình, bà nhấn mạnh rằng chính sách can dự của Hoa Kỳ suốt 4 thập kỷ qua chỉ củng cố sự thù địch cố hữu của giới lãnh đạo ĐCSTQ với Hoa Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc (ĐCSTQ) không còn tin tưởng rằng chính sách can dự này còn hữu ích.

Wall Street Journal nhận định rằng ngày càng có nhiều chính trị gia và nhà phân tích phương Tây cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc không mang lại lợi ích gì.

Bà Thái Hà: ĐCSTQ mang dã tâm của một con ác long, nhưng chỉ là một chú hổ giấy

Bà Thái Hà viết rằng hy vọng của Hoa Kỳ về một “chính sách can dự” phải được thay thế bằng “các biện pháp phòng thủ lành mạnh” để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi sự xâm lược của ĐCSTQ. Đồng thời, gây áp lực tấn công lên ĐCSTQ, bởi ĐCSTQ yếu hơn nhiều so với những gì người Mỹ tưởng tượng.

Wall Street Journal nói rằng theo quan điểm của bà Thái Hà, ĐCSTQ bề ngoài đầy quyền lực, nhưng dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, mâu thuẫn và sự tự hoài nghi đã trở nên rõ ràng hơn. “ĐCSTQ có tham vọng của một con ác long, nhưng bên trong nó chỉ là một con hổ giấy”, bà Thái Hà viết.

Bà viết rằng Washington nên chuẩn bị cho khả năng “sụp đổ bất ngờ” của ĐCSTQ.

Bà Thái Hà tin rằng trong vài thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã tính toán sai nhiều sự kiện lớn. Ví như từ việc khôi phục quan hệ Mỹ-Trung sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, đến việc hỗ trợ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO). Sự “ngây thơ” của Hoa Kỳ càng khiến ĐCSTQ bạo dạn hơn. Mặc dù Chính phủ Hoa Kỳ mô tả Trung Quốc (ĐCSTQ) là một đối thủ cạnh tranh, nhưng các công ty Trung Quốc lại luôn coi Hoa Kỳ là một đối thủ thù địch.

Bà Thái Hà nói rằng ĐCSTQ sợ sức mạnh của Mỹ. Điều này được phản ánh qua các bài phát biểu chính sách chính thức của ĐCSTQ tránh gây ra các cuộc đối đầu có thể đe dọa đảng. Ví dụ, bà nói, vì lo sợ cụm từ “trỗi dậy” có thể bị Washington coi là đối đầu, các nhà chức trách đã dùng thuật ngữ “phát triển hòa bình” thay cho cách mô tả thông thường là “trỗi dậy hòa bình”.

Bài viết dài có tên “Quan điểm của người trong cuộc” (Insider’s Perspective) này được phát biểu vào đúng thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ.

Hai đoạn ghi âm của bà Thái Hà khiến ĐCSTQ khiếp sợ

Bà Thái Hà, 68 tuổi, giảng dạy hệ tư tưởng cho các quan chức ĐCSTQ tại cơ sở đào tạo cao nhất của ĐCSTQ suốt 15 năm, cho đến khi bà nghỉ hưu vào năm 2012. Bà đã từng đến Hoa Kỳ với tư cách là một khách du lịch. Đại dịch Covid-19 (bệnh viêm phổi do virus Trung Cộng gây ra) bùng phát đã làm gián đoạn kế hoạch trở về Trung Quốc của bà.

Tháng 9 năm ngoái, một đoạn ghi âm của bà Thái Hà đã được lan truyền trên Internet. Trong đoạn ghi âm, bà Thái Hà đã phân tích chi tiết tình hình của ĐCSTQ và đất nước. Đồng thời, bà phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện tại, nghĩa là 90 triệu người bỏ đi một người (ông Tập Cận Bình) cũng chẳng ích gì. Kỳ thực điều này được quyết định bởi bản chất của chế độ.

Trong đoạn ghi âm, bà Thái Hà cũng phân tích 3 cách dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của ĐCSTQ: Giải quyết dựa vào chiến tranh bên ngoài; dựa vào cải cách nội bộ đảng; áp lực nội bộ quá lớn, cuối cùng không thể chịu nổi áp lực và đột ngột sụp đổ.

Trong bản ghi âm đầu tiên được phát hành vào tháng 6 năm ngoái, bà Thái Hà đã từng chỉ trích ĐCSTQ là “thây ma chính trị.” Thể chế của ĐCSTQ không có lối thoát. Cải cách là điều vô ích và ĐCSTQ phải bị vứt bỏ.

Sau đó, bà Thái Hà đã bị khai trừ khỏi Trường Đảng của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và bị hủy bỏ hết quyền lợi hưu trí của mình. Wall Street Journal tuyên bố rằng điều này sẽ hạn chế khả năng bà ấy có thể trở về Trung Quốc an toàn.

Tháng 12/2020, bà Thái Hà đã đăng một bài viết với tiêu đề “Đảng thất bại, một người trong thể chế đã đoạn tuyệt với Bắc Kinh” trên tạp chí Foreign Affairs.

“Sau 20 năm do dự, bối rối và đau đớn, tôi quyết định bước ra khỏi bóng tối và đoạn tuyệt hoàn toàn với ĐCSTQ. Một bước lùi lớn của ông Tập Cận Bình khiến tôi nhanh chóng không còn lựa chọn nào khác”, bà Thái Hà viết.

Ông Trần Dụng Lâm: Bà Thái Hà sẽ quyết liệt hơn trong việc vạch trần ĐCSTQ vì bà ấy là một thành viên của thể chế này

Ông Trần Dụng Lâm, cựu lãnh sự chính trị của Tổng lãnh sự ĐCSTQ ở Sydney, nói rằng bà Thái Hà đã dốc sức phát triển hệ tư tưởng của đảng trong nhiều năm. Điều này khiến bà ấy đáng tin hơn nhiều so với những người chỉ trích ĐCSTQ khác bên ngoài Trung Quốc. “Các cuộc tấn công của bà ấy vào ĐCSTQ sẽ làm hỏng các giáo lý và thể chế của ĐCSTQ, bởi vì bà ấy đến từ trong thể chế đó.” Ông Trần Dụng Lâm nói, xét cho cùng, trường đảng là “Bộ não của ĐCSTQ.”

Bắc Kinh đang dùng cả 100 năm thành lập đảng để ca ngợi những thành tựu của ông Tập Cận Bình. Các học giả như bà Thái Hà cũng đang tận dụng ngày kỷ niệm này để cảnh báo, rằng phong cách lãnh đạo độc đoán của ông Tập đang dẫn dắt đất nước đi theo hướng nguy hiểm.

Ông Andrew Nathan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Columbia, đã chỉ ra trong một bài báo viết cho Wall Street Journal vào cuối tuần, rằng Trung Quốc đang trải qua một sự thay đổi giữa các thế hệ. Nhiều người có tư tưởng tự do đã bước ra. “Điều này không có lợi cho triển vọng dài hạn của ĐCSTQ.”

Ông Larry Diamond, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hoover, đã đưa ra một tuyên bố đáp lại bài báo dài của bà Thái Hà, rằng: “Lần đầu tiên, chúng ta có một nhân vật quan trọng trong thể chế của ĐCSTQ, dám dũng cảm chứng thực nhiều luận điểm gần đây của các học giả Mỹ về vấn đề Trung Quốc.”

Theo Trương Đình, Epoch Times

Xem thêm: