Dưới đây là chia sẻ quan điểm của bà Thái Hà, cựu giáo sư Trường Đảng thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Đài Phát Thanh Quốc tế Pháp (RFI) về sự kiện tái tuyên thệ của các đảng viên ĐCSTQ và việc truyền thông đảng nhắc lại sự kiện Cố Thuận Chương (Gu Shunzhang) bị khai trừ khỏi đảng 90 năm trước. 

Embed from Getty Images

Đảng viên ĐCSTQ đọc lại lời thề nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ tại Bắc Kinh (Nguồn: Getty Images)

Kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập ĐCSTQ, chính quyền Bắc Kinh đã tổ chức ăn mừng long trọng trên cả nước, dấy lên làn sóng các đảng viên tái tuyên thệ ở khắp các nơi. Vào ngày 18/6, ông Tập Cận Bình, đồng thời là Tổng bí thư ĐCSTQ và là chủ tịch nước, đã đích thân dẫn đầu các đảng viên để tuyên thệ “không bao giờ phản bội đảng”. Ngay hôm sau, ngày 19/6, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã đăng bài báo cái nhìn mới về thông báo của ĐCSTQ đối với việc cựu lãnh đạo ĐCSTQ Cố Thuận Chương bị khai trừ khỏi đảng vào năm 1931. Vào thế kỷ trước, trong giai đoạn đấu tranh gay gắt giữa Quốc dân đảng và ĐCSTQ, ông Cố Thuận Chương, một trong những lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, khi bị Quốc dân đảng bắt, đã khai ra danh sách đảng viên ngầm của ĐSCTQ ở Vũ Hán, dẫn đến việc nhiều người bị bắt. Không chỉ bản thân ông Cố Thuận Chương bị khai trừ khỏi đảng, 39 thành viên trong gia đình ông cũng bị ĐCSTQ sát hại. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, sự kiện Cố Thuận Chương 90 năm trước lần nữa được nhắc lại, phải chăng chỉ là sự trùng hợp về thời gian? Điều này hàm chứa ý tứ gì? Bà Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư Trường Đảng thuộc Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, hiện đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ, đã nói về quan điểm của mình trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Đài RFI.

Bà Thái Hà, cựu giáo sư Trường Đảng thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Ảnh qua Epoch Times).

“Đây không phải là một chính đảng, mà là một băng đảng xã hội đen, một luật lệ của nhóm băng đảng xã hội đen.”

Bà Thái Hà: “Cách giải thích của tôi là kỷ niệm 100 năm (ngày thành lập đảng), toàn đảng tuyên thệ, theo góc độ tư tưởng, là nghi lễ nâng cao ý thức: bạn là đảng viên! Đây là một khía cạnh. Khía cạnh thứ hai, lấy sự kiện Cố Thuận Chương ra để nói về nó, cảm nhận của tôi là nếu đem sự kiện Cố Thuận Chương trở lại hoàn cảnh Trung Quốc những năm 1920 và 1930, có thể thấy xã hội Trung Quốc lúc đó rất đẫm máu. Nó không chỉ là sự đẫm máu từ ĐCSTQ, mà còn từ cuộc hỗn chiến giết chóc giữa ĐCSTQ và Quốc dân đảng. Từ vụ Cố Thuận Chương, chúng ta có thể thấy sự khắc nghiệt của môi trường và sự tàn ác trong nội bộ đảng chính trị này. Đó là lịch sử. Chúng ta không thể đòi hỏi lịch sử của thời đó từ góc nhìn hiện đại. Diệt sạch cả dòng họ là quá tàn nhẫn và vô nhân đạo, nhưng trong môi trường khắc nghiệt đó, tôi chưa biết nên bình luận như thế nào. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, nếu lại dùng vụ Cố Thuận Chương thời đó để cảnh cáo toàn đảng, tôi nghĩ, (điều đó) phơi bày trần trụi sự tàn ác của đảng chính trị này (ĐCSTQ). Nó không phải là một chính đảng, mà là một băng đảng xã hội đen, một luật lệ của nhóm băng đảng xã hội đen.”

“Cái gọi là đảng chính trị, nó dùng để chỉ những người có chung quan điểm chính trị đến với nhau và nguyện ý hợp tác vì một chính sách chung hoặc một ý tưởng chính trị chung. Đây được gọi là một đảng chính trị. Khác biệt với băng đảng hay bọn cướp ở chỗ, chỉ cần tham gia băng nhóm, thì không được xuống núi, khi tham gia băng nhóm thì chính là ‘đầu quân’ (cam kết không phản bội), nếu muốn xuống núi thì sẽ bị giết. Những năm 1930, xét về sự tàn khốc của toàn xã hội, xét về một khía cạnh nào đó, là có một hoàn cảnh lịch sử và điều kiện lịch sử nhất định. Nhưng diệt sạch cả nhà vẫn là không nên. Còn trong môi trường ngày nay, câu nói ‘không bao giờ phản bội đảng’, cá nhân tôi nghĩ rằng đây không phải là khái niệm của một đảng chính trị hiện đại. Một đảng chính trị hiện đại không tồn tại vấn đề phản bội hay không phản bội. Tôi đồng ý với triết lý chính trị của bạn và tôi sẽ tham gia đảng chính trị của bạn. Nếu không đồng ý với triết lý chính trị đó, tôi có thể rút khỏi đảng chính trị này. Hiện tôi đang ở Hoa Kỳ. Mọi người có thể thấy, ở Hoa Kỳ, khi hai đảng đang tranh cử, dù đó là đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, thì ví dụ cử tri tự đăng ký mình là thành viên của đảng Dân chủ, nhưng nếu không đồng ý với lý tưởng của đảng chính trị này, họ có thể tuyên bố rút khỏi đảng chính trị này bất cứ lúc nào … Đảng chính trị, tự bản thân nó đại diện cho một triết lý chính trị và không thể lấy tài sản hay tính mạng để đe dọa người khác, bắt cóc người khác.”

“Khi bạn xem vụ Cố Thuận Chương và bạn phải tuyên thệ ‘không bao giờ phản bội đảng’, bạn có nghĩ đây là một đảng chính trị hiện đại không? Bạn nghĩ đây là một vụ bắt cóc hay là sự đồng thuận hợp tác? Tôi nghĩ không còn dấu hiện của sự đồng thuận hợp tác nào nữa. Điều duy nhất tồn tại là: chỉ cần tôi bước vào, tôi sẽ bị bắt cóc. Không chỉ bắt cóc chính tôi, mà còn nhắc lại vụ Cố Thuận Chương, (nghĩa là) bắt cóc cả dòng họ nhà tôi! Chuyện này chỉ so với văn minh chính trị hiện đại chứ đừng nói đến những thứ khác, từ góc độ văn minh chính trị hiện đại mà nhìn, bạn thấy có thích hợp không? Cá nhân tôi không đồng ý. Tôi tuyệt đối không đồng ý.”

Nguồn: RFI

Xem thêm: