Hồng Kông mới kỷ niệm 25 năm ngày bàn giao chủ quyền từ Anh về Trung Quốc và cũng có Đặc khu Trưởng mới Lý Gia Siêu, nhưng những nguồn tin từ truyền thông quốc tế cho thấy, cuộc khủng hoảng nhân quyền ở khu vực này do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra ngày càng đáng lo ngại hơn.

1024px St. Andrews Church Hong Kong
Nhà thờ thánh Andrew tại Hồng Kông (Ảnh: Mk2010, CC BY-SA 3.0, via Wikimedia Commons).

Theo tin từ Đài VOA Mỹ và Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), ngày 5/7 Reuters dẫn lời 4 người làm việc giáo hội ở Hồng Kông cho biết, đại diện không chính thức của Tòa thánh Vatican tại Hồng Kông là Đức Giám mục Javier Herrera Corona đã kết thúc 6 năm lưu trú tại Hồng Kông, trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng Ba năm nay đã cảnh báo hơn 50 nhóm truyền giáo Công giáo ở Hồng Kông.

Giám mục Javier Herrera Corona (54 tuổi), được coi là đại diện trên thực tế ở Trung Quốc của Giáo hoàng Francis, người kế nhiệm ông sẽ đến Hồng Kông vào tháng Tám.

Trong 4 cuộc họp bắt đầu từ tháng 10/2021, Giám mục Javier Herrera Corona cảnh báo các nhóm giáo hội, môi trường tự do tôn giáo ở Hồng Kông đang thay đổi, ĐCSTQ sẽ thắt chặt quyền kiểm soát đối với Hồng Kông nên hãy chuẩn bị cho một tương lai khó khăn hơn. Ông cũng kêu gọi các tín hữu nhanh chóng thực hiện các biện pháp để bảo vệ tài sản, kho lưu trữ và ngân quỹ của giáo hội.

Ông nói: “Thay đổi đang đến, nên chuẩn bị tốt nhất có thể. Hồng Kông đã không còn là miền đất hứa của Thiên chúa giáo.”

Tháng 5/2022,cảnh sát Hồng Kông đã căn cứ theo Luật An ninh Quốc gia của ĐCSTQ để bắt giữ Hồng y Trần Nhật Quân – Giám mục danh dự của Giáo phận Công giáo Hồng Kông. Hồng y Trần Nhật Quân bị cáo buộc “âm mưu cấu kết với lực lượng nước ngoài” gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc, lý do chính được cho là vì ông nhận ủy thác phụ trách “Quỹ hỗ trợ nhân đạo 612” (trợ giúp người bị bắt vào ngày 12/6/2019 trong chiến dịch người Hồng Kông chống dự luật dẫn độ của ĐCSTQ). Động thái đã gây kinh động trong cộng đồng tôn giáo.

Reuters chỉ ra, thông điệp của Giám mục Javier Herrera Corona được đưa ra sau khi ĐCSTQ thực hiện “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” vào ngày 30/6/2020, nhưng những lo ngại của ông đã vượt ra ngoài phạm vi của “Luật An ninh Quốc gia”: trong vài năm tới Hồng Kông và Trung Quốc sẽ hội nhập nhiều hơn khiến Hồng Kông đi theo ĐCSTQ trong việc áp đặt các hạn chế khác nhau đối với các nhóm tôn giáo.

Luật Cơ bản của Hồng Kông quy định rằng chính phủ sẽ không hạn chế quyền tự do tôn giáo của người dân, cũng như không can thiệp vào hoạt động của các nhóm tôn giáo. Chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình cũng hứa trong chuyến thăm Hồng Kông tuần trước rằng “một quốc gia, hai chế độ” sẽ tiếp tục mang lại cho người Hồng Kông quyền tự do tôn giáo và báo chí. Tuy nhiên, Giám mục Javier Herrera Corona nhấn mạnh, dưới áp lực từ ĐCSTQ thì quyền tự do tôn giáo tại Hồng Kông không còn có thể dựa vào đảm bảo từ Luật Cơ bản. Ông cũng nêu rõ thực tế là ĐCSTQ đã chính thức xác định một số “người Công giáo nổi tiếng” là lãnh đạo trong phong trào xã hội vào năm 2019, đó là một trong những lý do chính khiến ông lo ngại rằng tình hình đang trở nên tồi tệ hơn.

Theo các nguồn tin, Giám mục Javier Herrera Corona và các phái viên của các nhóm Công giáo khác ở Hồng Kông đã cẩn thận chuyển kho lưu trữ của Tòa thánh để bảo quản ở nước ngoài. Dù quá trình thỉnh thoảng cũng lo ngại bị các cơ quan an ninh ĐCSTQ theo dõi, nhưng cuối cùng họ đã thông qua đường ngoại giao của các nước thân hữu để vận chuyển an toàn 500 kg tài liệu lưu trữ đến Rome (Ý). Các tài liệu bao gồm các tài liệu lưu trữ được lập vào giữa những năm 1980, chủ yếu liên quan đến các nhà thờ ở Trung Quốc Đại Lục, bao gồm cả thư từ riêng tư với các nhân viên nhà thờ ngầm, vấn đề liên quan cuộc đàn áp người Công giáo.

Đồng thời, một số giáo hội nước ngoài khác cũng đang xem xét chuyển tài sản của họ sang tên của người Hồng Kông địa phương nhằm tránh “Luật An ninh Quốc gia” tăng cường kiểm soát người nước ngoài. Thêm nữa, trụ sở chính ở nước ngoài của một số dòng Công giáo cũng đã giữ khoảng cách với chi nhánh Hồng Kông của họ để tránh chi nhánh Hồng Kông bị cáo buộc “cộng tác với các thế lực nước ngoài”.

Trong quá khứ, các giáo hội nước ngoài được tự do hoạt động tại Hồng Kông mà không bị hạn chế. Tuy nhiên Luật An ninh Quốc gia của ĐCSTQ nhắm mục tiêu vào vấn đề “hợp tác với các lực lượng nước ngoài” khiến nguy cơ an ninh đối với các nhân viên nhà thờ nước ngoài cũng tăng đột biến.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Reuters tiết lộ, vào tháng 10 năm ngoái Văn phòng Liên lạc Hồng Kông của ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc họp chưa từng có tiền lệ, trong đó các giám mục Trung Quốc theo lệnh ĐCSTQ thông báo cho các giáo sĩ Công giáo cấp cao ở Hồng Kông về lý thuyết tôn giáo xã hội chủ nghĩa “đặc sắc Trung Quốc” của ông Tập Cận Bình. Nguồn tin mô tả cho đến nay đây là nỗ lực độc đoán nhất của ĐCSTQ nhằm gây ảnh hưởng đến giáo phận Hồng Kông. Việc Hồng y Trần Nhật Quân bị chính quyền bắt giữ vào tháng 5 vừa qua càng khiến các giáo hội tại Hồng Kông lo ngại.