Số ca nhiễm COVID-19 trong làn sóng dịch thứ 5 ở Hồng Kông đã tăng mạnh. Mô hình mới nhất của Khoa Y Đại học Hồng Kông ước tính, tổng cộng 1,84 triệu người ở Hồng Kông đã bị nhiễm virus, nhưng cũng có nhận định rằng số ca nhiễm hàng ngày đã đạt đến đỉnh điểm, và sẽ có một điểm chuyển ngoặt. Dự đoán đến tháng 5, tổng số ca nhiễm sẽ lên đến 4,3 triệu người, chiếm hơn một nửa tổng dân số Hồng Kông. 

shutterstock 2120582348
Ngày 09/2/2022, người dân Hồng Kông xếp hàng chờ xét nghiệm virus corona mới tại một trung tâm xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Yung Chi Wai Derek / Shutterstock).

Theo thông tin từ truyền thông Hồng Kông, ngày 8/3, chính quyền Hồng Kông thông báo có 28.475 ca nhiễm COVID-19 mới được xác nhận bằng xét nghiệm axit nucleic chỉ trong một ngày. Hệ thống tự báo cáo kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh của chính quyền Hồng Kông đã nhận được 14.714 báo cáo hợp lệ. Hiện tại, Hồng Kông có tổng cộng có 525.000 ca nhiễm virus corona mới.

Xét về số người tử vong, chỉ trong một ngày đã có thêm 160 người tử vong tại các bệnh viện công, cùng với số trường hợp báo cáo chậm, thì tổng số ca tử vong mới lên tới 291 người. Trong đợt dịch thứ 5 này tại Hồng Kông, có tổng cộng 2.365 bệnh nhân đã tử vong, trong đó có khoảng 1.224 trường hợp tử vong tại các viện dưỡng lão, các cơ sở chăm sóc nội trú.

Khoa Y của Đại học Hồng Kông ước tính, số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày ở Hồng Kông đạt mức cao nhất vào ngày 4/3, và dự kiến ​​tính đến ngày 7/3, số ca nhiễm tích lũy ở Hồng Kông đã đạt 1,84 triệu ca. Khoa Y của Đại học Hồng Kông nhìn nhận ​​sẽ có một bước ngoặt về số ca được xác nhận sau vài ngày hoặc một tuần tới. Đến ngày 23/4, số người nhiễm lần đầu tiên sẽ giảm xuống dưới 1.000 người và xuống dưới 100 người kể từ giữa tháng 5

Ngoài ra, mô hình dự đoán đến ngày 1/5, trong làn sóng dịch thứ 5 này sẽ có tổng số khoảng 4,3 triệu ca nhiễm, tổng số người tử vong là 5.008 người.

Hiện tại, hệ thống y tế của Hồng Kông đang đứng trước bờ vực sụp đổ vì không thể ứng phó với số lượng lớn ca nhiễm. Khoa Y của Đại học Hồng Kông cho rằng số giường cho bệnh nhân nặng và nhân viên y tế hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu. Nếu số bệnh nhân nhập viện vượt quá giới hạn giường bệnh trên từ 2 đến 5 lần, tỷ lệ tử vong do lây nhiễm sẽ tăng từ 10 đến 50%. Ngược lại, nếu số lượng giường chăm sóc bệnh nhân bệnh nặng có thể được tăng lên từ 50 đến 90% (tức là 12.000 đến 25.000 giường) trong vòng 7 đến 14 ngày, thì số ca tử vong trong đợt dịch lần này sẽ giảm từ 20 đến 25%.

Ngoài ra, chính quyền Hồng Kông ban đầu dự định thực hiện xét nghiệm bắt buộc đối với tất cả người dân vào tháng 3, nhưng do sự chậm trễ trong việc công bố các chi tiết cụ thể, và tin tức về “đóng cửa thành phố” và “hạn chế đi lại” được lan truyền, khiến cho người dân Hồng  Kông hoảng sợ và đổ xô đi mua thực phẩm và nhiều vật dụng khác nhau. Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông Hồng Kông dẫn các nguồn tin chính phủ, việc xét nghiệm bắt buộc đối với tất cả người dân không còn là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn này, chiến lược chống dịch của chính quyền đang thực hiện một “sự điều chỉnh lớn”.

Theo tờ Mingpao, sau cuộc họp giữa chính quyền Hồng Kông và ông Lương Vạn Niên (Liang Wannian), trưởng nhóm chuyên gia của Nhóm lãnh đạo công tác xử lý và ứng phó với dịch virus corona mới của Ủy ban Y tế Quốc gia Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính quyền Hồng Kông đang lên kế hoạch điều chỉnh đáng kể chiến lược chống dịch và sẽ ưu tiên giảm tử vong, giảm tỷ lệ bệnh nặng và giảm tỷ lệ lây nhiễm.

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin giấu tên cho hay, đợt xét nghiệm toàn dân có thể bị trì hoãn đến tháng 4, không có thời gian ấn định và Bắc Kinh cũng chưa ấn định ngày cụ thể. Nguồn tin nói rằng việc xét nghiệm trên quy mô lớn vào thời kỳ đỉnh điểm của đợt bùng phát sẽ không hữu ích, trừ khi Hồng Kông có đầy đủ các phương tiện cách ly.